Vào nội dung chính
LỊCH SỬ - TRUYỀN THÔNG

Triển lãm : Báo chí Pháp từ Gazette đến Internet

Ngày 11/04/2012, tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France – BnF) khai mạc một triển lãm lớn về báo chí Pháp từ khởi nguồn đến nay mang tên «Báo chí trên trang nhất : từ Gazette đến thời đại Internet ». Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 15/07/2012. « Hết sức thú vị » là nhận xét của Le Figaro (13/04) về cuộc triển lãm. Còn La Croix (15/04) ghi nhận « Cuộc phiêu lưu lớn của báo chí được trưng bày tại BnF ».

Quảng cáo

Triển lãm của BnF giới thiệu với công chúng các bức ảnh và các trang nhất của những tờ báo đáng chú ý nhất trong lịch sử báo chí Pháp. Cổ xưa nhất là tờ báo Gazette, do ông Théophraste Renaudot – một bác sĩ của vua Louis XIII phụ trách, ra đời vào năm 1631. Trong chế độ cũ, báo chí chỉ xuất hiện thi thoảng.

Tờ báo đưa tin đều đặn đầu tiên là Journal de Paris, ra mắt năm 1777. Mười hai năm sau, bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp tôn xưng quyền tự do truyền bá các tư tưởng và công bố quan điểm.

Thời Cách mạng, hàng loạt tờ báo xuất hiện, trở thành một kênh phổ biến thông tin chủ yếu đến đại chúng (Le Vieux Cordelier, Le Tribun, le Père Duchesne, l’Ami du Peuple, …) Từ cuối thế kỷ XIX, báo chí bắt đầu trở thành một ngành kinh doanh thu lời.

Trước Thế chiến thứ nhất, phần lớn người Pháp đọc báo và các phụ trương có minh họa dành cho phụ nữ và trẻ em. Năm 1912, 96% người Pháp trưởng thành biết đọc.

Báo chí không chỉ đưa tin mà còn kiến tạo các quan điểm. Những trang nhất nổi tiếng nhất trong lịch sử báo chí Pháp, được trưng bày trong dịp này, ghi lại những biến cố quan trọng trong lịch sử, như : số báo của tờ l’Aurore ra ngày 13/01/1898 với bức thư « Tôi kết tội ! » (J’accuse) của nhà văn Emile Zola gửi chủ tịch nước, khẳng định quan điểm của ông trong vụ án lừng danh Dreyfus ; trang báo nói về việc nhà chính trị đấu tranh cho hòa bình Jean Jaurès bị phe dân tộc cực đoan sát hại trên l’Humanité ngày 01/08/1914 ; « Tiếng kêu của 343 phụ nữ », trên Nouvel Observateur ngày 05/04/1971, là bản tuyên ngôn của 343 phụ nữ khẳng định đã nạo thai và đòi quyền được nạo thai, vào thời điểm hành động nạo thai bị coi là phạm pháp …

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Le Figaro và Libération ngày 11/09/1989 đăng lại cùng một bức hình cho thấy những người đứng trên tường kéo những người ở phía dưới lên. L’Humanité thì có ảnh một quân nhân tặng hoa cho các thiếu nữ Berlin.

Kể từ cuối thế kỷ XIX, quyền tự do báo chí tại Pháp ngày càng được khẳng định, tuy nhiên, cuộc trưng bày của BnF cũng cho thấy tính chất mong manh của quyền tự do này, qua nhiều thời kỳ đen tối, đặc biệt trong thời chiến, như kiểm duyệt và tuyên truyền trong giai đoạn Thế chiến thứ nhất, giai đoạn bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến 2.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, báo chí Pháp mang đậm tính quan điểm, với sự tham gia của nhiều trí thức, nhà văn, … Trưng bày của BnF dành một phần quan trọng để giới thiệu chân dung của 70 nhà báo và chủ bút nổi tiếng. Theo tờ Le Figaro, 70 người là hơi ít so với nền báo chí tập thể lớn như vậy.

Thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến thế giới mở đầu cho giai đoạn vàng son của báo chí viết. Hàng triệu ấn bản được in ra hàng ngày. Giai đoạn sau Thế chiến 2, báo chí tiếp tục phát triển với sự ra đời nhiều thể loại như, chuyên san pháp lý, thể thao, văn hóa, hay đời thường, … Các tạp chí bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 1970, khi các nhật báo rơi vào khủng hoảng.

Trong cuộc triển lãm này, công chúng có thể tham quan các công đoạn của quá trình sản xuất tin tức và các giai đoạn trong việc ra đời một tờ báo.

Kết thúc cuộc triển lãm « Báo chí trên trang nhất : từ Gazzette đến thời đại Internet » là kỷ nguyên truyền thông tin học. Bài « Trở lại với lịch sử ‘‘Báo chí’’tại Thư viện Quốc gia Pháp » trên Libération có nhận xét, phần trưng bày về báo chí kỷ nguyên mạng còn khá sơ sài.

Trong bối cảnh Internet và báo chí trên mạng đang làm đảo lộn các cách đọc và sử dụng thông tin vốn có, cuộc trưng bày này có thể mang lại cho công chúng một cái nhìn so sánh xuyên thời gian. Tương lai của báo chí viết có vẻ như bị đe dọa, nhưng phận sự của nhà báo hiện nay lại càng trở nên một câu chuyện thời sự, khi mà người đọc ngày càng cần đến một độ lùi, một khả năng phân tích, trước các làn sóng thông tin ồ ạt. Giám đốc Thư viện Quốc gia Pháp Bruno Racine nhận xét : Trong thế giới đương đại bão hòa về các thông tin, có thể tin cậy tùy theo mức độ, thì vai trò của nhà báo lại ngày càng trở nên quan trọng trong việc cung cấp một cách hiểu về thực tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.