Vào nội dung chính
Y HỌC

Prion, tác nhân gây bệnh bò điên có thể giúp bảo vệ trí nhớ

Làm thế nào mà những hồi ức xa xưa vẫn còn mãi trong ta, hiển hiện rõ ràng có khi còn rõ hơn cả những gì vừa mới diễn ra ? Làm thế nào mà con người có thể chống lại sự quên lãng do tuổi tác, mà một số nghiên cứu mới đây cho thấy có thể đã bắt đầu từ lứa tuổi 45 ? Trong thời gian gần đây, các phát hiện về cơ chế trí nhớ, do nhóm nghiên cứu của nhà y khoa Eric Kandel tiến hành đã được coi như là những khai phá rất quan trọng, để hiểu được bí ẩn kỳ diệu của trí nhớ và mở ra nhiều hướng trị liệu.

Nhà khoa học Eric Kandel trong một hội thảo khoa học (DR)
Nhà khoa học Eric Kandel trong một hội thảo khoa học (DR)
Quảng cáo

Những câu hỏi liên quan đến trí nhớ vô cùng thiết thân với con người. Bởi, nếu không có trí nhớ, toàn bộ các hoạt động trí tuệ của con người như suy nghĩ, tính toán, tưởng tượng, phán đoán… dù vẫn diễn ra, sẽ không còn cơ sở để diễn ra một cách liên tục. Trí nhớ quả thực là nền móng của đời sống tinh thần.

Nhà bác học Eric Kandel, sinh năm 1929, người gốc thành Vienna (nước Áo), rời quê hương khi châu Âu rơi vào thảm họa phát xít. Năm 9 tuổi, ông sang tị nạn tại Hoa Kỳ, rồi theo học ngành Y. Quan tâm đến phân tâm học, nhưng rút cục ông lựa chọn đi theo ngành khoa học thần kinh. Từ đó đến nay, Eric Kandel dành toàn bộ tâm sức của mình cho việc vén mở các bí mật của trí nhớ ở các động vật bậc thấp và động vật có vú.

Giải thưởng Nobel Y học đã được trao cho các nghiên cứu của ông về cơ chế của trí nhớ ngắn hạn và dài hạn ở loài sên biển, một sinh vật có cấu tạo thần kinh hết sức đơn giản, cùng với các đồng sự Arvid Carlsson (Đại học Goteborg – Thụy Điển) và Paul Greengard (Đai học Rockefeller – Hoa Kỳ). Kể từ năm 2003 đến nay, Eric Kandel tiếp tục khai phá cơ chế của trí nhớ dài hạn, với vai trò đặc biệt của các prion, tức là các vi sinh vật siêu nhỏ, cấu tạo từ các protein.

Prion, vi sinh vật tồn tại trong não bộ, được nhà khoa học Mỹ Stanley Prusinier phát hiện ra vào đầu những năm 1970. Prion được coi là nguyên nhân gây ra Creutzfeldt-Jakob, một bệnh thần kinh lây nhiễm rất đáng sợ, với một biến thể là bệnh bò điên, hay bệnh mất trí nhớ không lây Alzheimer nổi tiếng. Phát hiện của Prusiner vào thời điểm đó được coi là một cuộc cách mạng, phá tan nhiều quan niệm cố hữu trong lĩnh vực này. Từ đó đến nay, prion bị xem là kẻ mang lại tai họa.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây do nhóm các nhà khoa học dưới sự dẫn dắt của Eric Kandel cho thấy, có tồn tại một loại protein, mang các đặc tính của prion, nhưng lại có vai trò tích cực đối với trí nhớ. Loại protein, được đặt tên là Mouse CPEB3 này có vai trò quyết định đối với việc duy trì ký ức dài hạn. Protein CPEB3 đã được tìm thấy tại khu vực hồi hải mã (hippocampus) trong não của các con chuột được thí nghiệm.

Trả lời phỏng vấn Le Monde (phụ trương Khoa học và Kỹ thuật ngày 14/01/2012), Eric Kandel cho biết, chính người đầu tiên phát hiện ra prion, giải Nobel Y học Prusiner cũng vô cùng ngạc nhiên trước phát hiện này. Eric Kandel nhận xét, phát hiện về loại prion đóng vai trò bảo vệ ký ức này là một điều « nếu không phải là cách mạng, thì cũng là một điều rất lạ lùng ».

Các nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Cell (09/12/2011) do nhóm tác giả Ilias Pavlopoulos (Úc) và Pierre Trifilieff (Pháp), cùng với Eric Kandel thực hiện, đã mô tả rõ cơ chế hoạt động của các protein CEPB3 bảo vệ trí nhớ trong não chuột. Nhà bác học dự đoán, một cơ chế duy trì ký ức tương tự, hoàn toàn có thể tồn tại ở não người. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.