Vào nội dung chính
OLYMPIC - TÀI CHÍNH

Tiền bạc trong Thế Vận Hội Olympic Luân Đôn

Khoảng 14 tỷ euro, đó là khoản tốn kém mà Vương quốc Anh phải trả để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức Thế Vận Hội Olympic 2012. Phần lớn số tiền nói trên do Nhà nước đài thọ. Đây là thách thức không nhỏ khi Luân Đôn đang cật lực cắt giảm chi tiêu để giải quyết nợ công.

Chi phí cho Olympic là một thách thức lớn với nước Anh. Trong ảnh, các ống khói nhà máy biểu tượng cho cách mạng Công nghiệp trong lễ khai mạc Thế Vận Hội, 27/07/2012.
Chi phí cho Olympic là một thách thức lớn với nước Anh. Trong ảnh, các ống khói nhà máy biểu tượng cho cách mạng Công nghiệp trong lễ khai mạc Thế Vận Hội, 27/07/2012. REUTERS/Max Rossi
Quảng cáo

Tới nay, chính phủ Anh đã chi ra 9,3 tỷ bảng Anh (11,8 tỷ euro) để thay đổi bộ mặt của phía đông thủ đô Luân Đôn, và để bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội 2012. Luân Đôn cam kết sẽ không vượt quá ngân sách quy định ban đầu.

Thực ra, cách nay 7 năm, khi được chọn tổ chức sự kiện thể thao trọng đại này, chính phủ Anh cũng như thành phố Luân Đôn đâu có thể ngờ là quê hương của Shakespear lại rơi vào cảnh eo hẹp tài chính như hiện nay để rồi việc vượt quá ngân sách 14 tỷ euro là cả một vấn đề « quốc gia đại sự ». Cùng lúc, tham vọng đem lại thịnh vượng cho người dân ở khu vực phía đông thủ đô Luân Đôn chưa chắc đã được bảo đảm.

Trước mắt ban tổ chức Thế Vận Hội Luân Đôn đã huy động được hơn 40 nhà tài trợ Anh để thu về 700 triệu bảng, thu về thêm 600 triệu nữa nhờ số vé bán ra cùng với doanh thu từ những sản phẩm phụ như áo thun, cờ, quạt, mũ nón, túi xách… Bên cạnh những đầu vào qua 2 ngả nói trên Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế, CIO còn cho phép các nhà phân phối quốc tế bán các sản phẩm phụ của Thế Vận Hội Luân Đôn với giá 957 triệu đô la.

Dù vậy, những khoản thu tiền triệu đó không thấm vào đâu so với bản quyền truyền hình. Thế Vận Hội mùa đông Vancouver cách nay hai năm đã đem về 3,9 tỷ đô la cho Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế CIO và đương nhiên mức độ hấp dẫn của các trò chơi mùa hè cao hơn nhiều. Qua đó các hãng truyền hình quốc tế sẽ phải chi ra nhiều hơn để mua bản quyền phát đi các chương trình từ Luân Đôn.

90 % các khoản thu nhập có được từ Olympic 2012 sẽ được CIO chuyển tới tay nước chủ nhà là Anh Quốc, đến ủy ban Olympic cấp quốc gia và các liên đoàn thể thao của thế giới. Chỉ biết rằng CIO hiếm khi nào bị lỗ vốn. Với năm tháng, Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế đã tích lũy được một khoản dự trữ gần 600 triệu đô la.

Có một điều chắc chắc là Luân Đôn là thành phố đầu tiên trên thế giới đã ba lần được vinh dự tổ chức Thế Vận Hội Olympic. Lần thứ nhất là vào năm 1908, khi đó, các trò chơi trải dài trong sáu tháng và 2008 vận động viên – trong đó có 37 nữ -  đến từ 22 quốc gia tham dự.

Bốn chục năm năm sau đó, Olympic 1948 đã quy tụ được hơn 4000 vận động viên quốc tế với 8 % là thuộc phái đẹp. Mùa tranh tài năm ấy Đức và Nhật bị tẩy chay vì quá khứ chiến tranh, Liên Xô và Trung Quốc cũng không tham gia, nhưng vì lý do chính trị.

Đến Luân Đôn lần này có tất cả là 10 000 vận động viên đại diện cho 205 quốc gia và ngân sách của mùa Olympic 2012 nặng hơn 1000 lần so với ngân sách của năm 1948.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.