Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH - TÔN GIÁO

Bộ phim Iran về Mahomet thách thức ưu thế của Ả Rập Xê Út

Tháng 9/2012, bên cạnh cuốn phim báng bổ đạo Hồi lưu truyền trên mạng, dấy lên một làn sóng phản đối và bạo lực tại nhiều nơi trên thế giới, có một bộ phim khác liên quan đến đạo Hồi đang gây xao động tại các quốc gia Hồi giáo.

Mahomet, Nhà tiên tri của Chúa Trời (DR)
Mahomet, Nhà tiên tri của Chúa Trời (DR)
Quảng cáo

Đó là bộ phim « Mahomet, Nhà tiên tri của Chúa Trời » của đạo diễn nổi tiếng người Iran Majid Majidi. Đạo diễn Iran, tác giả cuốn phim nổi tiếng, « Những đứa trẻ của thiên đường », từng lọt vào chung kết Giải Oscar cho các phim nước ngoài hay nhất năm 1998. Mahomet, Nhà tiên tri của Chúa Trời là một bộ phim được đầu tư hơn 30 triệu đô la, và là một phim được đầu tư nhiều nhất tại Iran trong những năm gần đây. Báo Le Monde ngày 27/09/2012 cho biết, vài tháng trước khi được công chiếu tại Iran, phim Mahomet, Nhà tiên tri của Chúa Trời đã gây ra nhiều căng thẳng giữa hai quốc gia lớn của thế giới Hồi giáo : Iran và Ả Rập Xê Út.

Một trong các lý do chủ yếu của sự bất đồng này là : Một bộ phận lớn các nhà thần học theo hệ phái Sunni, một trong hai hệ phái chính của Hồi giáo, lên án việc tái hiện Nhà tiên tri Mahomet như một con người trần tục, mặc dù kinh Coran không chính thức cấm việc này. Đối với các nhà thần học, đặc biệt là những người theo trào lưu Wahhabism, với một chủ thuyết được coi là siêu chính thống, thì việc đóng vai Nhà tiên tri là một hành động vô đạo nghiêm trọng nhất.

Về vấn đề này, đạo diễn Majid Majidi có một phản ứng thận trọng, ông mời công chúng đánh giá kết quả công việc của mình, qua tác phẩm sắp được công chiếu. Vào năm 2010, dự án làm phim về đấng tiên tri của đạo Hồi, khi vừa được công bố, đã bị một bộ phận thế giới Hồi giáo đón nhận với một thái độ ghẻ lạnh.

Theo đạo diễn Majid Majidi, Nhà tiên tri Mahomet, trụ cột của đức tin Hồi giáo, còn rất ít được biết đến qua điện ảnh. « Nếu như đã có hơn 200 phim về Chúa Jesus, hơn 100 phim về Moise, nhà tiên tri của đạo Do Thái, thì về Nhà tiên tri Mahomet mới chỉ có khoảng 40 bộ phim », ông nói. Teheran muốn thông qua phim Mahomet, Nhà tiên tri của Chúa Trời để thế giới biết đến đạo Hồi hơn.

Phản bác lại bộ phim kể trên, Ả Rập Xê Út cho rằng, đây chẳng qua chỉ là sáng kiến của Iran nhằm tuyên truyền cho hệ phái Shia mang tính ly khai, chống lại tuyệt đại đa số người Hồi giáo theo hệ phái Sunni (chiếm tới 90% số người theo Hồi giáo). Theo một thành viên của Ủy ban ngoại vụ Ả Rập Xê Út, được nhật báo Al-Sharq Al-Awsat trích lại, thì : « Người Iran trộn lẫn tôn giáo với nhiều truyền thống Ba Tư, vốn không có gì là Hồi giáo cả ».

« Giáo sĩ Ali » và « Omar đệ nhất »

Sự xung khắc giữa Ả Rập Xê Út và Iran về bộ phim liên quan đến Nhà tiên tri Mahomet kể trên, thực ra không phải điều gì mới. Năm 1996, một bộ phim truyền hình mang tên « Imam Ali/Giáo sĩ Ali », đã bị Ả Rập Xê Út phản đối quyết liệt. Giáo sĩ Ali, nhân vật chính trong phim, được hệ phái Shia sùng kính, vì được coi là người kế thừa thực sự của Nhà tiên tri Mahomet. Để dập tắt ảnh hưởng của bộ phim này, Ả Rập Xê Út đã mua lại hoàn toàn bản quyền của phim để phim không được công chiếu (theo lời kể của nhà sử học điện ảnh Angès Devictor – chuyên gia về điện ảnh Iran).

Trên thực tế, tuy kịch liệt chống lại việc điện ảnh Iran dựng lại các hình tượng lớn của Hồi giáo, bản thân Ả Rập Xê Út cũng sử dụng điện ảnh để truyền bá niềm tin theo quan điểm của hệ phái Sunni.

Mùa hè vừa qua, bộ phim truyền hình dài tập của Ả Rập Xê Út, mang tên « Omar », đã được truyền đi trong tháng Chay Ramadan, khiến Teheran bực bội. "Omar" dựng lại hình tượng lịch sử Omar ibn Al-Khattâb (584-644), hay thủ lĩnh Omar đệ nhất, một người bạn và người kế thừa Nhà tiên tri Mahomet, theo quan điểm của người Sunni. Trong khi đó, nhìn từ phía Iran, Omar đệ nhất lại chính là người tước đoạt quyền thừa kế của Giáo sĩ Ali, em họ và con rể của Nhà tiên tri. Bộ phim lớn 31 tập này đã huy động gần 30.000 diễn viên và kỹ thuật viên từ 10 quốc gia.

Theo nhận xét của nhà lịch sử điện ảnh Angès Devictor, với các bộ phim về đạo Hồi, Teheran muốn củng cố « quyền lực mềm » của mình, qua việc khẳng định chỗ đứng của Iran trong truyền thống của thế giới Hồi giáo ; hành động của Iran đã có tác dụng nhất định, bằng chứng là Ả Rập Xê Út đã phải có những phản ứng tức thì. Trên thực tế, Iran là một cường quốc điện ảnh với gần trăm phim sản xuất hàng năm, còn Ả Rập Xê Út chỉ là một đấu thủ nhẹ cân trên phương diện này. Với các sản phẩm điện ảnh như kể trên, ưu thế của Ả rập Xê Út - quốc gia đứng đầu thế giới Hồi giáo - đã bị Iran đe dọa, khi thế mạnh của quốc gia này không phải là điện ảnh hay truyền thông bằng hình ảnh.

Le Monde dự đoán, "các đụng độ văn hóa" giữa hai cường quốc Hồi giáo láng giềng sẽ còn tiếp diễn, và chắc rằng Ả Rập Xê Út cũng sẽ không bỏ lỡ dịp đế khẳng định một cách hùng hồn quan điểm của Abdelaziz Ibn Saound - người sáng lập vương quốc Ả Rập Xê Út – vào năm 1932 : « (Ả Rập Xê Út) là người duy nhất mang tiếng nói chính thống của đạo Hồi ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.