Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Động vật : quyền không bị đau đớn

Động vật là thực thể có cảm giác trước những đau đớn. Đây là điều mà gần như ai cũng cảm nhận được bằng bản năng. Tuy nhiên, chỉ mới rất gần đây, câu hỏi sau đây mới được đặt ra : Các động vật nuôi trong nhà hay động vật hoang dã có thể được pháp luật bảo vệ với tư cách là các sinh vật có cảm xúc hay không ?

Các tổ chức bảo vệ động vật đòi phải thông qua luật cấm môn đấu bò (©Reuters)
Các tổ chức bảo vệ động vật đòi phải thông qua luật cấm môn đấu bò (©Reuters)
Quảng cáo

Nhân hội nghị « Nỗi đau của động vật, từ khoa học đến pháp lý », do La Fondation droit animal, éthique et science (LFDA) tổ chức tại Paris ngày 18 và 19/10/2012, Le Monde số ra cuối tuần (thứ Bảy 27/10) có phụ trương dành cho chủ đề « Quyền của động vật về cảm xúc trước nỗi đau ».

Giám đốc LFDA Thierry Auffret Van der Kemp cho biết, trong lĩnh vực này, các nghiên cứu của Pháp chủ yếu do Viện nông học quốc gia (INRA) tiến hành, với mục tiêu giảm bớt nỗi đau của gia súc, gia cầm (đặc biệt là bê, bò, lợn) trong các kỹ thuật chăn nuôi và giết mổ. Ông Thierry Auffret Van der Kemp cũng ghi nhận việc các nước Anglo-Saxon đã có những bước tiến rất xa trong lĩnh vực này.

Đối với con người cũng như động vật, nỗi đau có chức năng báo động cho chủ thể biết được rằng cơ thể của nó bị đe dọa và cho phép chủ thể có các phản ứng tự vệ hay thích nghi. Giữa các loài động vật khác nhau có những khác biệt về cấp độ đau. Các nghiên cứu hiện nay phân biệt giữa « cảm giác cảnh báo » (nociception), tức trạng thái báo động khi cơ thể bị tấn công, với « nỗi đau đớn » (khi cảm giác cảnh báo gắn với một cảm xúc), và sự « đau khổ » (khi chủ thể có ý thức về nỗi đau đớn của mình).

Các nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy, tất cả các loài động vật có xương sống, với cấu trúc thần kinh sơ đẳng thì đều có cảm giác cảnh báo. Đối với các động vật có vú, sự phát triển của hệ thần kinh não bộ khiến cho các cơ quan nhận thức và cảm thụ tác động đến quá trình cảm nhận về sự đau đớn. Ở con người, nhờ ngôn ngữ, mà cảm thụ đơn đớn này có thể được mô tả và lượng định bởi chính chủ thể.

Trong hội thảo kể trên, các nhà sinh học thần kinh, tập tính học động vật và thú y đã điểm lại nhiều nghiên cứu mới đây về sự nhạy cảm với nỗi đau đớn ở rất nhiều loài động vật khác nhau. Từ các gia cầm, cho đến cá. Cá, vốn là loài được khai thác rất nhiều về thương mại, nhưng lại rất ít được nghiên cứu. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, cá có cùng bộ máy thần kinh như các động vật có vú, để có được các cảm giác đau đớn. Về phần nhiều loài nhuyễn thể, nghiên cứu vẫn còn chưa xác định được rõ chúng có cảm thọ đau đớn hay chỉ có một phản xạ báo động thuần túy trước các đe dọa từ bên ngoài …

Về chủ đề khả năng cảm nhận nỗi đau ở động vật, vào năm 2009, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Pháp, Viện INRA đã đưa ra một kết luận : vấn đề nỗi đau của động vật không còn chỉ có thể được đánh giá theo các mục tiêu kinh tế hay y tế, mà được đặt ra cho toàn xã hội, cho những người tiêu thụ và các công dân. Vấn đề này, như vậy, gắn liền với quan niệm về « hạnh phúc » (bien–être), với cách định nghĩa mới về sức khỏe của con người, bao gồm các thành tố tâm lý và xã hội.

Vấn đề là, nếu như có nhiều biến chuyển trong các nghiên cứu về lĩnh vực này, thì về thực tế pháp lý lại chuyển biến chậm chạp hơn nhiều. Ông Jean- Marie Coulon, chủ tịch danh dự của tòa phúc thẩm Paris, ghi nhận việc nước Pháp có nhiều phương tiện pháp lý để bảo vệ động vật, nhưng vẫn chưa có được một định nghĩa rõ ràng về khả năng cảm nhận của động vật trước sự đau đớn.

Le Monde nhận xét, cho đến nay cảm thọ của động vật là một thực tế phần nhiều cố tình bị quên lãng, vì đụng đến vấn đề thừa nhận việc cần phải tôn trọng cảm xúc của động vật là đụng đến chiếc hộp Pandore. Bởi, từ xa xưa đến nay, đời sống của nhân loại đã dựa trên sự khai thác các loài động vật.

Cũng trong hồ sơ này, Le Monde có nhấn mạnh đến một sự tương phản về pháp lý giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Tại nhiều nước phương Tây, nếu như động vật trong nhà được chú ý như một cá thể, thì động vật hoang dã chỉ được coi như là một loài, trừ khi chúng được nuôi trong một vườn thú hay rạp xiếc, tức có chủ. Tình hình có vẻ là ngược lại ở Trung Quốc, khi các động vật quý hiếm được bảo vệ rất nghiệt ngã về luật, ví dụ như giết gấu trúc có thể bị tử hình, trong khi đó, động vật trong nhà lại không có luật nào điều chỉnh, chúng có thể bị đối xử hết sức man rợ. Một ví dụ điển hình là nạn nuôi gấu lấy mật để cung cấp cho các nhu cầu dược phẩm theo quan niệm của nền y học cổ truyền Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Le Monde, có nhiều dấu hiệu cho thấy Châu Âu đang ở bước đầu trên con đường đi đến một chế độ pháp lý bảo vệ động vật chung, đặc biệt với các thành tựu pháp lý tại các nước Áo, Đức, Anh, Ý, Luxemboug, Thụy Sĩ và Thụy Điển.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.