Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG-KHÍ HẬU

Biến đổi khí hậu khiến bão dữ dội hơn ?

Giữa hiện tượng khí hậu Trái đất và các cơn cuồng phong dữ dội có mối liên hệ nào hay không ? Đây là vấn đề lại gây tranh cãi gay gắt giữa các nhà khí hậu học sau khi cơn bão Sandy tàn phá nặng nề Hoa Kỳ, đặc biệt là tại New York vừa qua. 

Cảnh tượng cơn bão Sandy tàn phá bò đông nước Mỹ hôm 29/10/2012.
Cảnh tượng cơn bão Sandy tàn phá bò đông nước Mỹ hôm 29/10/2012. REUTERS/Lucas Jackson
Quảng cáo

Bão Sandy đã khiến gần 100 người thiệt mạng và theo ước lượng mới nhất, thiệt hại do cơn bão này gây ra có thể lên tới tổng cộng 50 tỷ đôla, tức là thiên tai gây thiệt hại nặng nề kể từ cơn bão Katrina, bang New Orleans, năm 2005 ( thiệt hại từ 40 đến 66 tỷ đôla, nặng nhất trong lịch sử nước Mỹ ).

Trong 50 tỷ thiệt hại do Sandy gây ra, khoảng 30 tỷ là thiệt hại về vật chất và khoảng 20 tỷ là thiệt hại do hoạt động kinh doanh sản xuất bị đình trệ, chủ yếu là trong khu vực tài chính. Lần đầu tiên kể từ loạt khủng bố 11/09/2001, thị trường chứng khoán New York đã đóng cửa hai ngày liên tiếp.

Một số người đã gọi Sandy là « cơn bão của thế kỹ », nhưng thật ra theo các nhà khí tượng học, ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, cứ khoảng 15 hoặc 20 năm lại có một cơn bão với cường độ tương tự. Nhưng phải chăng là do tác động của biến đổi khí hậu, các cơn bão sẽ ngày càng dữ dội hơn ?

Trả lời hãng tin AFP ngày 30/10, trưởng nhóm nghiên cứu về khí hậu ở Cục khí tượng Pháp Météo France, ông Serge Planton nhắc lại rằng, "nghiên cứu khoa học về tác động của biến đổi khí hậu lên các cơn bão là một chủ đề vẫn còn để mở". Lý do là vì bão là một hiện tượng rất phức tạp, nó tùy thuộc vào nhiệt độ bề mặt của biển, cũng như tùy thuộc vào cấu trúc của các cơn gió trên toàn bộ bề dày của bầu khí quyển.

Trong báo cáo cuối cùng về những thiên tai lớn, công bố vào tháng 3 vừa qua, nhóm các chuyên gia về biến đổi khí hậu ( Giec ) cũng đã tỏ vẻ rất dè dặt. Theo các chuyên gia này, rất khó mà xác định được là các cơn bão đã tăng cường độ, tần suất hoặc thời lượng trong vòng 40 năm qua, tức là kể từ khi các vệ tinh nhân tạo bắt đầu quan sát biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta.Thế nhưng, Cơ quan đại dương và khí quyển của Mỹ (NOAA ) ghi nhận là ở vùng Bắc Đại Tây Dương, nơi xuất phát cơn bão Sandy vừa qua, con số các cơn bão, nhất là những cơn bão lớn, đã tăng thêm.

Tuy vậy, theo lời nhà khí hậu học Serge Planton, khó có thể biết đó là hậu quả của biến đổi khí hậu, vì 40 năm là thời hạn quá ngắn để có thể rút ra những kết luận về tác động của hiện tượng.Một số nhà khoa học thì nêu bật mối liên hệ giữa những giai đoạn bão hoạt động liên tục vơi sự xuất hiện của El Nino, hiện tượng tự nhiên kéo theo việc hâm nóng nước biển ở khu vực trung và đông Thái Bình Dương.

Một nghiên cứu khoa học được công bố ngày 15/10 vừa qua trong tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ Proceedings of the National Academy of Sciences ( PNAS ) lại nêu lên giải thuyết về tác động của biến đổi khí hậu. Khi tái tạo những giao động của biển ở vùng Vịnh Mêhicô từ năm 1932, các nhà khoa học Mỹ đã kết luận rằng, trong những năm mà thời tiết nóng, các cơn bão dữ dội hơn so với những năm thời tiết lạnh.

Cách đây vài năm, một nghiên cứu về lịch sử khí hậu của nhà khoa học Jeffrey Donnelly ( thuộc viện Woods Hole Oceanographic ) lại ghi nhận là cách đây 200 năm, vào thời kỳ " tiểu băng giá", hoạt động bão dữ dội hơn.

Nhưng nhìn về tương lai, chúng ta có thể dự đoán như thế nào ? Nhóm các chuyên gia về biến đổi khí hậu Giec cho rằng trong những năm tới rất có thể là sẽ không có nhiều bão hơn, thậm chí có ít hơn, nhưng các cơn bão sẽ có cường độ mạnh hơn, gây ra nhiều mưa và gíó hơn. Lý do là vì không khí càng nóng, thì nó càng tích trữ nhiều hơi nước và năng lượng hơn. Tuy vậy, theo Cơ quan đại dương và khí quyển của Mỹ ( NOAA ), cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nữa để có thể dự báo chắc chắn hơn cho tương lai.

 

Trước mắt, chúng ta có thấy yên tâm là vì các nhà khí tượng học nay có thể dự báo các cơn bão nhiều ngày trước đó, nên mọi người có thời gian để chuẩn bị đối phó, nhờ vậy mà thiệt hại nhân mạng ở Hoa Kỳ trong cơn bão Sandy vừa qua không thật sự là lớn so với mức độ tàn phá ghê gớm của cơn bão này.

 

Mặt khác, do những dự báo về hướng đi của các cơn bão và cơn gió lớn ngày chính xác hơn, cho nên người ta có thể dự báo tốt hơn những trận sóng thần gây lụt lội trong nội địa. Nhân loại nay được chuẩn bị tốt hơn trước những thiên tai đó, chẳng hạn như báo động sớm để người dân các vùng ven biển kịp thời gian chạy lánh nạn lên những vùng cao.

Tất nhiên là khi các cơn bão ập đến thì chúng ta chẳng làm được gì cả, mà chỉ có thể chờ cơn thịnh nộ của thiên nhiên đi qua, nhưng ít ra, dọc theo các bờ biển ta có thể xây thêm hoặc gia cố những đê điều để bảo vệ vùng duyên hải trước các đợt sóng cao hàng chục mét.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.