Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CANADA

Dầu hỏa, gấu trúc và đô la

Trong mắt các nhà bảo vệ môi trường, gấu trúc là biểu tượng của cuộc đấu tranh bảo vệ những loai động vật trên đà diệt chủng. Còn đối với các nhà chức trách Bắc Kinh, những con gấu với hai màu đen trắng này lại là một công cụ ngoại giao vô cùng hữu ích.

Gấu trúc Trung Quốc, một công cụ ngoại giao hữu ích (DR)
Gấu trúc Trung Quốc, một công cụ ngoại giao hữu ích (DR)
Quảng cáo

Thủ tướng Canada, Stephen Harper đã không khỏi tự hào sau khi dạt được thoả thuận với Trung Quốc để mượn hai chú gấu trúc trong thời gian 10 năm kể từ đầu năm 2013. Ottawa coi đây là dấu hiệu thân thiện giữa hai nước cho dù là hàng năm Canada sẽ phải chi ra một triệu đô la để được mượn hai con gấu trúc đó. Dư luận Canada cũng tỏ ra hài lòng khi thấy quan hệ với Bắc Kinh đang được sưởi ấm lại.

Cũng phải nói là trong những năm đầu sau khi lên cầm quyền, thủ tướng Harper từng làm phật lòng Trung Quốc khi chỉ trích chế độ Bắc Kinh vi phạm nhân quyền hay tố cáo Trung Quốc ăn cắp thông tin mật trong lĩnh vực công nghiệp. Lại cũng chính thủ tướng Harper đã vắng mặt tại thế vận hội Bắc Kinh 2008 và phải đợi mãi đến 2009 ông mới chính thức viếng thăm quê hương ông Đặng Tiểu Bình.

Trên thực tế, bang giao giữa Ottawa và Bắc Kinh đã được cải thiện rõ rệt từ năm ngoái sau khi đôi bên ký kết thỏa thuận cho phép Canada xuất khẩu uranium sang Trung Quốc. Chính sách thân thiện với Bắc Kinh của ông Harper đã được các doanh nhân Canada yểm trợ hết mình cho dù ngay trong hàng ngũ đảng bảo thủ đang cầm quyền, vẫn còn một số người còn tỏ ra thận trọng trước một đất nước Trung Quốc hùng mạnh.

Canada là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu quặng mỏ và dầu khí. Ottawa đang có dự án khai thác tài nguyên 650 tỷ đô la Canada cho thập niên sắp tới. Các dự án khổng lồ đó đòi hỏi phải tìm được các nguồn tài trợ. Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư tiềm năng.

Vào năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Canada trên thế giới tương đương với 4,5 %. Một thập niên sau, tỷ lệ đó rơi xuống còn 2,5 %. Lý do đơn giản là 85 % hàng xuất khẩu Canada được dành để cung cấp sang thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu và chỉ có 8 % được dành để bán cho Trung Quốc.

Trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhất là châu Âu đang đình trệ, đương nhiên Canada trông cậy nhiều hơn vào Trung Quốc. 2013 là năm trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Canada với Trung Quốc sẽ tăng nhanh và quan hệ Ottawa-Bắc Kinh có nhiều hứa hẹn.

Vào lúc quan hệ Mỹ Trung gợn sóng vì những hồ sơ như Biển Đông, hay những tranh chấp thương mại, trong mắt Bắc Kinh, Ottawa bỗng dưng trở thành một đối tác quý giá. Một nhà quan sát thuộc đại học Canada, bang Alberta chờ đợi, một khi chính thức lên cầm quyền tân chủ tịch Trung Quốc sẽ không quên viếng thăm Canada nội trong năm nay.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.