Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Vì sao nhiệt độ Trái đất tăng chậm lại trong thập niên qua ?

Trong thời gian gần đây, một nghịch lý được nhiều nhà khoa học về môi trường và biến đổi khí hậu rất quan tâm, đó là : Vì sao thập niên vừa qua được ghi nhận là giai đoạn Trái đất nóng chưa từng có, thế nhưng, tốc độ tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái đất trong thời gian này lại gần như chững lại ?

Các dòng hải lưu đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển CO2 và nhiệt lượng trong lòng đại dương.
Các dòng hải lưu đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển CO2 và nhiệt lượng trong lòng đại dương. DR
Quảng cáo

Tính từ năm 1880, thập niên vừa qua được coi là nóng nhất. Thập niên 2000-2010 có đến 9 năm trong số 10 năm nhiệt độ cao nhất từ hơn một thế kỷ nay (năm còn lại là 1998). Tuy nhiên, một nghịch lý được một số nghiên cứu ghi nhận : Trong khi nhiệt lượng và lượng C02 do các hoạt động của con người tạo ra không ngừng tăng lên trong bầu khí quyển, thì nhiệt độ trên bề mặt Trái đất trong thập kỷ qua lại tương đối ổn định, sau khi đạt đỉnh cao vào năm 1998, với hiện tượng El Nino nổi tiếng. Theo các nghiên cứu của đại học East Anglia (Anh Quốc) và trung tâm nghiên cứu khí hậu Hadley (cũng của Anh Quốc), thì trong suốt thời gian một thập kỷ từ 1998-2008, nhiệt độ trung bình trên hành tinh chúng ta chỉ tăng lên có 0,02°C. Vậy phải chăng nhiệt độ Trái đất đã tạm dừng tăng ?

Trong những năm 2009-2010, nghịch lý kể trên đã dẫn đến một khái niệm gây tranh luận : « phần năng lượng bị thiếu ». Câu hỏi đặt ra là, thay vì trực tiếp làm nhiệt độ bề mặt hành tinh tiếp tục tăng vọt lên, nguồn năng lượng và khí thải CO2 do các hoạt động của con người tạo ra đã được tích trữ ở đâu ?

Trong tạp chí Geophysical Research Letters số ra mới nhất, nhóm nghiên cứu của Magdalena Balmaseda (Trung tâm khí tượng Châu Âu - European Center For Medium Range Weather Forecasts) đã đưa ra những giải đáp bước đầu cho nghịch lý này. Theo đó, « khoảng 90% năng lượng (do hoạt động của con người tạo ra) đã được các đại dương hấp thụ ». Mà phần lớn năng lượng được hấp thụ vào phần nước biển nằm dưới độ sâu 700 mét, một nơi cho đến nay còn ít được nghiên cứu.

Kevin Trenberth - một thành viên nhóm nghiên cứu kể trên - giải thích rằng, các quan sát cho thấy bề mặt Trái đất nóng chậm hơn trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nhiệt độ sẽ tăng lên nhanh hơn và tốc độ nước biển dâng cũng sẽ nhanh hơn. Một phần nhiệt độ do các đại dương tích trữ trong thời gian qua sẽ nhanh chóng được « trả lại » bầu khí quyển nhân một đợt hải lưu nóng El Nino mới, và đi kèm với nó là những hiện tượng khí hậu bất thường như khô hạn, bão lũ…

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, số ra ngày 07/04, cũng đưa ra một lý giải tương tự.

Theo nhà khí hậu học Pháp Jean Jouzel, thành viên của Giec - Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu -, thì các nhận định về việc đại dương hấp thụ nhiệt lượng là thuyết phục, nhưng để giải đáp được một cách đầy đủ và chính xác về vấn đề này, cần phải có thêm khoảng 10 năm nghiên cứu nữa. Cơ chế hấp thụ nhiệt lượng và CO2 vào lòng đại dương vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Theo Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp – CNRS -, một khảo cứu của một nhóm nghiên cứu Pháp-Tây Ban Nha, được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, 13/01/2013, cho thấy mức độ hấp thu CO2 của vùng biển Bắc Đại Tây Dương đang giảm đi nhanh chóng. Mà, theo một số nghiên cứu, Đại Tây Dương được coi là cái giếng hút nhiệt chủ yếu của hành tinh, với khoảng một nửa lượng nhiệt toàn cầu được hấp thu ở đây. Phần còn lại được trữ lại dưới đáy hai đại dương lớn khác : Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nhìn chung, theo các nhà khí hậu học, xu thế nhiệt độ tạm dừng tăng trong khoảng thời gian « ngắn ngủi » của thập kỷ vừa qua không ảnh hưởng gì đến các dự báo về tăng trưởng nhiệt độ trong dài hạn. Những dự báo mới nhất cho thấy, cứ với mức độ tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, thì Trái đất chỉ trong trong vài thập niên tới sẽ nóng lên từ 3°C đến 5°C. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu vượt quá ngưỡng 2°C, thì những biến đổi khí hậu trên Trái đất sẽ trở nên hết sức khó lường, với mực nước biển dâng cao, băng cực tan nhanh, sóng thần, bão lốc, khô hạn… thậm chí nhiệt độ tăng cao còn kích thích sự hoạt động của các núi lửa.

Cho dù có nhiều nhà khoa học và một số nghiên cứu không chấp nhận kết luận nhiệt độ Trái đất chững lại trong thập niên qua, thì dường như cộng đồng khoa học ngày càng hướng đến một đồng thuận cao hơn về tầm quan trọng của các đại dương trong việc hạn chế biến đối khí hậu. Cải thiện sức khỏe của các đại dương cũng là duy trì và bảo vệ sự cân bằng của khí hậu Trái đất.

Giữa năm ngoái 2012, Liên Hiệp Quốc đưa ra sáng kiến Hiệp ước vì các đại dương. Nhiều hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác nhau được tổ chức nhằm cổ vũ cho việc thiết lập các quy tắc ứng xử quốc tế trong việc khai thác, sử dụng và bảo tồn các tài nguyên của đại dương. Mới đây, ngày 11/04/2013, trong một thông điệp đọc tại hội thảo quốc tế « Đại dương, tương lai của nhân loại » (Paris), tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi hành động khẩn cấp để cho « các đại dương khỏe mạnh vì một thế giới thịnh vượng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.