Vào nội dung chính
THIÊN TAI

Thiên thạch vẫn rơi thường xuyên xuống trái đất

Trái với những gì mọi người vẫn nghĩ, các thiên thạch rơi xuống trái đất không chỉ chọn nơi ít người ở hay đại dương. Trái đất vẫn thường xuyên đón nhận các mảnh vụn đến từ vũ trụ. Vậy xác suất thiên thạch rơi xuống nhà chúng ta là bao nhiêu ?

Một mẫu thiên thạch ở Orgueil (Pháp, năm 1864), bộ sưu tập của MNHN-Paris. DR
Một mẫu thiên thạch ở Orgueil (Pháp, năm 1864), bộ sưu tập của MNHN-Paris. DR
Quảng cáo

Những mảnh vỡ thiên thạch bất ngờ rơi xuống vùng đông dân cư Tchelyabinsk của nước Nga hôm 15/2 vừa qua đã làm cả nghìn người bị thương khiến cả thế giới sửng sốt. Đây là một trận mưa thiên thạch hiếm hoi gây nhiều thiệt hại khi xảy ra đối với cư dân trái đất.

Về mặt thống kê số học thì khả năng các mảnh thiên thạch chủ yếu rơi xuống đại dương, vì diện tích này phủ 2/3 địa cầu, hoặc nơi hoang mạc chiếm 1/3 bề mặt hành tinh trái đất. Các đô thị chỉ chiếm 3% diện tích vùng đất nổi tức là 1% diện tich địa cầu. Tuy nhiên xác xuất thiên thạch rơi vào gần các khu dân cư đô thị vẫn xảy ra. Gần đây là vào năm 1992, một mảnh của thiên thạch mang tên Peekskill đã rớt trúng và đè bẹp một chiếc xe hơi ở vùng ngoại ô New York. Năm 2003, một thiên thạch có kích thước khá lớn cũng đã rớt xuống ngoại ô thành phố Chicago. Gần nữa là vào năm 2011, mảnh thiên thạch Draveil đã xuyên thủng mái một ngôi nhà cách Paris 30 km. May mắn là trong những vụ thiên thạch rơi nói trên đã không có người bị thương.

Rất khó có thể biết được chính xác có bao nhiêu mảnh vỡ thiên thạch rớt xuống trái đất. Một nghiên cứu năm 1996 đưa ra con số ước tính mỗi năm có khoảng 84 nghìn mảnh thiên thạch có trọng lượng trên 10 gram rơi xuống bề mặt trái đất. Đối với những vật thể nặng trên 400 gram người ta cũng ước tính có khoảng vài trăm mảnh mỗi năm.

Đến giờ thì người ta vẫn tìm thấy dễ dàng hơn những mảnh thiên thạch trong các vùng hoang mạc hay băng tuyết. Tuy nhiên theo ông Louis Carion, một người săn tìm, sưu tập và bán lại các mảnh thiên thạch thì « các mảnh thiên thạch rơi xuống khắp nơi, không loại trừ bất kỳ đâu ». Độ nghiêng của trái đất hay trường điện từ của nó không ảnh hưởng gì đến đường đi và điểm rơi của các thiên thạch.

Người ta đã tìm thấy trong các tảng băng ở Nam cực độ tập trung của các mảnh thiên thạch lớn hơn gấp nghìn lần so với dự tính. Mặc dù chưa giải thích nhưng hiện tượng này có thể liên quan đến khả năng tích tụ và lưu giữ các mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống bề mặt Nam cực. Còn về tần suất rơi thì ở nơi khác cũng tương đương như nhau.

Đa số các vật thể bay từ không gian xuống trái đất chỉ ở dạng bụi. Mỗi năm bầu khí quyền trái đất hứng khoảng 100 nghìn tấn bụi thiên thạch. Trong số lượng này, 90% có trọng lượng trên một gram. Theo ông Louis Carion thì một phần các bụi thiên thạch như vậy có thể tìm thấy ở « dưới đế giầy, trên tóc của chúng ta mỗi ngày trở về nhà » mà khó có thể phân biệt với những loại bụi khác trên mặt đất.

Với những ai muốn làm giàu bằng bán các mảnh vỡ thiên thạch thì không phải là dễ kiếm. Nhà sưu tầm thiên thạch Louis Carion cho biết : « Giá bán các mảnh vỡ thiên thạch phụ thuộc vào nguồn gốc của nó. Loại ăn khách nhất thường có xuất xứ từ mặt trăng hoặc sao Hỏa, nhưng hiếm có mảnh thiên thạch nào có giá vượt quá 200 euro một gram ».

Hiện tại, sau vụ thiên thạch rớt xuống vùng Oural, ở Nga người ta đang đổ xô đi tìm mảnh vụn thiên thạch để bán. Không đợi phải có giám định của các chuyên gia, nhiều người đã rao bán các mảnh đá có kích thước chừng 2 cm, được cho là của thiên thạch, với giá 500 rúp (12 euro). Còn với các chuyên gia thì cần phải đợi xác định nguồn gốc và thành phần của thiên thạch thì mới định được giá trị thật của các mảnh vỡ.

(Theo Slate.fr)
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.