Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Gần 1/5 loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng

Khoảng 19% loài bò sát trên hành tinh của chúng ta có nguy cơ tuyệt chủng. Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu vừa được Liên hiệp quốc tế bảo vệ thiên nhiên ( UICN ) công bố ngày 15/02/2013 trong tạp chí Biological Conservation.

Ameiva Vittata, loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng.
Ameiva Vittata, loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng. DR
Quảng cáo

Được phối hợp thực hiện cùng với Hội Động vật học Luân Đôn, đây là công trình khảo sát đầu tiên trên toàn cầu về tình hình bảo vệ các loài rắn, thằn lằn, rùa, cá sấu và các loài bò sát khác. Theo UICN, hơn 200 chuyên gia nổi tiếng thế giới đã thẩm định nguy cơ tuyệt chủng của 1.500 loài bò sát của toàn bộ các vùng trên thế giới, được chọn một cách ngẫu nhiên, tiêu biểu cho 16% các loài được biết cho đến nay.

Những loài bò sát được xem là có nguy cơ tuyệt chủng được xếp theo các hạng « nguy cơ tuyệt chủng rất cao », mức nguy cơ cao nhất ( 12% ), hạng « đang bị đe dọa » ( 41% ) và hạng « dễ bị tổn thương » ( 47% ).

Đối với các tác giả công trình nghiên cứu của UICN, kết quả nói trên gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng của các loài bò sát này và những mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự sinh tồn của chúng.

Mối đe dọa khác nhau tùy theo loài, chẳng hạn như loài rùa nước ngọt bị đe doạ nhiều hơn là các loài bò sát sống trên cạn. Theo thẩm định của các nhà nghiên cứu, khoảng 30% loài bò sát nước ngọt sắp bị tuyệt chủng. Tỉ lệ này lên tới 50% đối với các loài rùa, loài mà cũng đang bị mua bán rất nhiều ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Nhìn trên toàn cầu, đối với toàn bộ các loài bò sát, mối đe dọa tuyệt chủng đặc biệt rất lớn tại các vùng nhiệt đới, chủ yếu là do môi truờng sống của chúng bị chuyển đổi thành đất canh tác và do nạn khai thác rừng.

Thậm chí, theo UICN, ba loài được xếp vào hạng « nguy cơ rất cao » có thể đã tuyệt chủng rồi, chẳng hạn như loài thằn lằn Ameiva vittata, hiện chỉ được quan sát thấy ở một vùng của Bolivia, Nam Mỹ. UICN cũng nhắc lại rằng rất nhiều loài cần đến môi trường sống và điều kiện khí hậu rất đặc thù để sống, cho nên rất dễ bị tổn thương nếu những điều kiện ấy thay đổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.