Vào nội dung chính
THIÊN NHIÊN

Khỉ có thứ bậc trung gian chịu nhiều áp lực nhất

Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học Anh thuộc hai trường đại học Liverpool và Manchester, đăng trên tạp chí khoa học General and Comparative Endocrinology, trong xã hội loài khỉ, những con nào nắm giữ thứ bậc trung gian trong một trật tự tôn ti là những con chịu nhiều áp lực nhất. Chủ đề này được báo Le Monde trích đăng lại.

(DR)
(DR)
Quảng cáo

Bà Katie Edward, thuộc viện sinh học Liverpool, người hướng dẫn nghiên cứu giải thích: “Mục đích của nghiên cứu là nhằm tìm hiểu mối tương quan hành vi cá thể của loài khỉ trước áp lực về thứ bậc của chúng trong một trật tự xã hội”. 

Trong vòng 600 giờ, bà quan sát hành vi của giống khỉ macao được nuôi thả bán tự do trong khu rừng Trentham, vùng Staffordshire, Anh quốc. Bà ghi chép lại các kiểu hành vi khác nhau có liên quan đến stress, sự phục tùng, hay sự ràng buộc.

Sau đó, vào ngày hôm sau, Katie Edward cho đo lường tỷ lệ hóc-môn “stress” – chất cortisol trong phân của các cá thể có liên quan. Đúng như dự đoán, những hành vi có liên quan đến stress như đe dọa, truy đuổi hay tát tai đều có liên quan đến hiện tượng tăng tỷ lệ hóc-môn này. 

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên nhất là các hành vi ở những con khỉ có thứ bậc trung gian. Nhóm nghiên cứu của bà Katie Edwards nhận thấy rằng “Vị trí của chúng trong một trật tự nhất định buộc những con khỉ này phải xử lý cùng lúc nhiều xung đột”.

Do lượng thực phẩm có hạn, nên những con khỉ này phải lao vào tranh giành với nhau. Những con có thứ bậc cao nhất đến giành phần với những con ở thứ bậc thấp hơn. Như vậy, những con ở thứ bậc trung gian phải bảo vệ phần ăn ở hai cấp độ khác nhau. Chính điều này đã đẩy mức độ stress của chúng tăng lên. 

Từ kết quả nghiên cứu này, bà Katie Edwards rút ra nhận xét rằng “những quan sát đó cũng có thể tìm thấy ở con người, vì những nguyên nhân khác nhau ngoài vấn đề lương thực. Những người nắm giữ thứ bậc trung gian trong các tổ chức thèm muốn leo lên thứ bậc cao hơn. Do đó, họ cũng phải thực thi uy quyền của mình lên những người có thứ bậc thấp hơn. Điều này buộc họ phải can thiệp cùng một lúc trên nhiều mặt trận”. 

Nghiên cứu biến đổi tỷ lệ hóc-môn sinh sản và stress trong đời sống hoang dã là một lãnh vực nghiên cứu mới. Kết quả nghiên cứu của trường đại học Liverpool tiếp nối theo những nghiên cứu gần đây trên loài khỉ đầu chó. Theo đó, những cá thể nào nắm giữ thứ bậc càng cao thì càng ít bị stress hơn những cá thể khác.

Một kết quả nghiên cứu khác do các nhà khoa học trường đại học Havard tiến hành, công bố vào năm 2012 trên tạp chí PNAS, cũng có cùng quan điểm với nhóm nghiên cứu trên. Nghiên cứu của Harvard cho thấy là ở con người, một thứ bậc cao có lẽ cũng là bảo đảm cho một cuộc sống ít stress hơn. Nói tóm lại, "càng ở trên cao, thì tấm thân càng nhàn nhã".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.