Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Houellebecq đoạt Goncourt, tranh luận chưa dập tắt

Đăng ngày:

Trong mùa trao giải văn học Pháp năm nay, rốt cuộc đã không có đột biến vào giờ phút chót. Đúng với điều mà mọi người đã dự đoán, giải Goncourt 2010 cuối cùng đã được trao cho tác phẩm La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ) của Michel Houellebecq. Đây lần thứ ba, ông có tác phẩm đi tranh giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp.

Nhà văn Michel Houellebecq, giải Goncourt 2010 (Reuters)
Nhà văn Michel Houellebecq, giải Goncourt 2010 (Reuters)
Quảng cáo

Bản đồ và lãnh thổ là quyển tiểu thuyết thứ năm của Michel Houellebecq. Giới yêu chuộng các tác phẩm của ông, có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi vì kể từ hai tháng qua, giới báo chí cũng như đa số các ngòi bút phê bình đều khen thưởng tác phẩm này, đánh giá đây là quyển tiểu thuyết hay nhất của ông, xứng đáng với giải Goncourt. Điều đó đã tạo ra một sự chú ý khá đặc biệt nơi những người hâm mộ, vì họ e ngại rằng một lần nữa, giải này có thể vuột khỏi tầm tay của nhà văn, không phải vì tác phẩm viết chưa đạt, mà vì tác giả bị mang nhiều tiếng xấu và như vậy ông có nguy cơ trả giá rất đắt y như những lần trước.

Ngược lại, đối với những người không thích nhà văn này, thì việc trao giải Goncourt năm nay cho tác phẩm Bản đồ và lãnh thổ là một cách để cho ban giám khảo đền bù thiếu sót. Lập luận này là một cách gián tiếp để phủ nhận giá trị đích thực của tác phẩm, như thể ban giám khảo cảm thấy tội nghiệp cho nhà văn Houellebecq. Theo nhà văn Patrice Rambaud, thì không hề có chuyện giảm nhẹ tầm quan trọng của sự kiện. Ông Patrice Rambaud từng đoạt giải Goncourt vào năm 1997 với quyển tiểu thuyết La Bataille (tạm dịch là Trận chiến). Ông là thành viên ban giám khảo Goncourt năm nay và giải thích vì sao giải này đã được trao cho nhà văn Houellebecq.

Ban giám khảo đã chọn trao giải Goncourt cho tác phẩm này vì trước hết đây là lần đầu tiên nhà văn Houellebecq đă đặt khoảng cách giữa mình và tác phẩm. Trong tiểu thuyết, nhà văn đã không ngần ngại tự phê bình, bằng cách tạo dựng một nhân vật giống y hệt như mình. Michel Houellebecq không chỉ kết hợp nhân vật hư cấu và nhân vật có thật ở ngoài đời, kể cả chính ông, mà còn dàn dựng luôn cái chết của mình trong tác phẩm và qua đó đưa ra một cái nhìn khá sâu sắc nhưng không kém phần khôi hài về bản thân. Có thể nói là Houellebecq vẽ tranh biếm họa, nhưng thay vì phác họa chân dung người khác, ông lại không nương tay khi nói về mình. Giọng điệu chế giễu châm biếm này rất khác với lối viết trước đây của tác giả : ta có cảm tưởng là Houellebecq không còn tự coi mình là rốn của vũ trụ. Theo tôi, đây là tác phẩm dễ tiếp cận nhất của tác giả, khi nhà văn đưa ra một cái nhìn tinh tế và sáng suốt về cuộc sống xung quanh mình.

Trước kia nổi tiếng là bướng bỉnh, giờ đây Michel Houellebecq lại có vẻ hiền hòa. Phải chăng nhà văn đã thật sự thay đổi tánh tình hay đó chỉ là cái hình ảnh phẳng lặng trơn tru, chăm chút trước ống kính truyền hình cho mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Ít ra trong buổi lễ trao giải Goncourt, ông Houellebecq đã tỏ ra vô cùng khiêm tốn chứ không còn ngạo mạn như trước :

Nhờ vào giải thưởng văn học Goncourt, tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều người tìm đọc các tác phẩm của tôi. Đối với tất cả những độc giả này, tôi chỉ mong rằng tôi sẽ không làm cho họ thất vọng. Tôi cũng hy vọng là quyển sách này cho bạn đọc cái thú tìm đến tác phẩm của các tác giả khác. Điều mà tôi muốn gửi gấm là kể từ năm tôi lên sáu, bất cứ ngày nào tôi cũng đọc sách. Và đặc biệt hôm nay, tôi cảm thấy rất sung sướng : một niềm hạnh phúc rất tự nhiên và đơn giản như cái cảm tình mà nhiều độc giả đã dành cho tôi. Có người nói rằng tôi đã thật sự thay đổi, và điều đó ảnh hưởng tới cách viết tiểu thuyết lần này. Tôi thì thật sự không nghĩ như vậy. Có thể là những chủ đề mà tôi chọn cho quyển tiểu thuyết ‘‘Bản đồ và lãnh thổ’’ nhẹ nhàng, ít gai góc hơn so với các tác phẩm trước. Chẳng hạn như lần này tôi không đề cập đến chủ đề tình dục. Và có lẽ cũng vì thế mà người đọc cũng dễ dàng đón nhận hơn, chứ thật tình mà nói, tôi không có cảm tưởng là tôi đã thay đổi cách viết.

Bản đồ và lãnh thổ : giữa hư cấu và thực tại

Dù gì đi nữa, có một điều chắc chắn không thay đổi trong quyển tiểu thuyết mới phát hành của nhà văn Houellebecq, chính là cách đặt tựa cho tác phẩm. Từ quyển Extension du domaine de la lutte (Mở rộng phạm vi đấu tranh) cho đến Les Particules Elémentaires (Hạt cơ bản), rồi Plateforme (Cương lĩnh), tựa đề các quyển sách của Houellebecq gần giống với tiểu luận khoa học hơn là tiểu thuyết. Bản đồ và lãnh thổ không thoát khỏi thông lệ này và độc giả có thể sẽ bực mình nếu muốn đi tìm một ý nghĩa sâu xa nấp đằng sau một tựa đề như vậy.

Đọc xong quyển tiểu thuyết dày 450 trang, ta không khỏi phân vân vì không biết phải hiểu cái tựa này như thế nào đây. Quyển Bản đồ và lãnh thổ kể lại câu chuyện của người đàn ông trung niên tên là Jed Martin. Anh là một nhà nhiếp ảnh ‘‘nghệ thuật’’, nhưng thay vì chọn những chủ đề hoa mỹ, anh lại chọn chụp hình các bản đồ giao thông trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Bố của anh là một kiến trúc sư lâm bệnh nặng không biết lúc nào sẽ từ trần. Thông qua các bản đồ mà anh chụp, Jed phản ánh cuộc sống của mình bằng cách đan xen hiện thực và hư cấu. Một khi thành danh, Jed Martin chuyển sang ngành vẽ chân dung các nhân vật nổi tiếng của xã hội thời nay. Họ là những tên tuổi rất quen thuộc đối với công chúng từ nhà tỷ phú Bill Gates, cho đến Steve Jobs người sáng lập công ty Apple, từ nhà điêu khắc Jeff Koons đến nghệ sĩ Damien Hirst, chuyên về nghệ thuật sắp đặt. Nhân dịp tổ chức một cuộc triển lãm, Jed Martin đã mời nhà văn Houellebecq hợp tác và góp ý. Để cảm ơn, Jed vẽ chân dung nhà văn người Pháp. Bức họa này được xem là có nhiều giá trị nên dẫn đến vụ ám sát Houellebecq. Nhân vật Houellebecq chết một cách tức tưởi, và Jed Martin sẽ giúp một viên cảnh sát tên là Jasselin, điều tra về vụ án này. Viên cảnh sát Jasselin có một cuộc sống khá buồn chán, quanh năm suốt tháng chỉ nhìn thấy những xác người đã nguội lạnh hay đang thối rữa. Hai nhân vật hoàn toàn khác biệt nhưng lại giống nhau ở một điểm : Jed Martin suốt ngày chỉ chú tâm nhìn bản đồ, còn Jasselin thì luôn phải trực diện với cái chết.

Ở đây, người đọc có thể tự hỏi rằng : trong tựa đề quyển sách, Bản đồ phải chăng quan trọng hơn là lãnh thổ ?  Nói cách khác, việc phản ánh và thể hiện thực tế (hư cấu) phải chăng thú vị hơn nhiều so với cuộc sống thật (thực tại) ? Tác giả Michel Houellebecq không trả lời câu hỏi này, và để cho độc giả tự suy ngẫm để tìm cho mình cách giải thích thỏa đáng nhất. Một điều chắc chắn là khi đọc tiểu thuyết, người ta bước vào một thế giới quen thuộc đầy dẫy các nhân vật, hình tượng, thương hiệu y như là ngoài đời thường. Những độc giả Pháp nào tinh ý có thể nhận ra là đằng sau cái quyển catalogue này, nhà văn Houellebecq mổ xẻ cái thế giới Tây phương thời nay, trong đó tiền bạc chi phối đủ mọi lãnh vực của đời sống, từ tình cảm cho đến nghệ thuật, văn hoá, giải trí, thông tin trên mạng. Trong mắt của Houellebecq, kinh tế là trọng tâm đời sống, tất cả đều được vận hành xung quanh các khâu sản xuất hay dịch vụ, để đáp ứng nhu cầu của xã hội tiêu thụ. Một cách mỉa mai, nhà văn này cho rằng bất cứ điều gì cũng có thể trở hành một món hàng có thể kinh doanh được, kể cả nghệ thuật hay văn học.

Điểm mạnh của quyển tiểu thuyết này là cái tài phác họa chân dung của các nhân vật chính. Trong truyện, Houellebecq là một nhà văn độc thân, thích sống ẩn dật và có tánh tình gàn bướng, tức là không xa gì cho lắm cái hình ảnh mà truyền thông báo chí thường phản ánh về nhà văn này. Người khác thì ông nương tay, chứ trong bức chân dung mà ông tự vẽ, thì Houellebecq lại rất cay độc, thẳng tay tự châm biếm mình : tướng mạo lừ khừ giống như một con “rùa già mắc bệnh”, đời cũng chẳng có gì vui hơn khi mà cơ thể bắt đầu “bốc mùi tử thi”.

Tranh luận tiếp diễn : bút chiến hậu Goncourt  

Nếu như trong lòng người hâm mộ ‘‘Bản đồ và lãnh thổ’’ được đánh giá là tác phẩm ‘‘hoàn chỉnh’’ nhất của Houellebecq, thì ngược lại một số ngòi bút phê bình cho biết là họ vẫn chưa được thuyết phục. Trong số này có tác giả Eric Naullau và nhà viết tiêu luận văn học Claire Cros, tác giả của một quyển sách đả kích hiện tượng Houellebecq.

Tôi đã đọc quyển ‘‘Bản đồ và lãnh thổ’’ của ông Michel Houellebecq và thực tình mà nói thì tôi cảm thấy chán vô cùng, đọc chẳng có hứng thú gì cả. Nhưng phải công nhận là về mặt hình thức, quyển sách này trội hơn so với các tác phẩm trước : văn phong trau chuốt, cách viết nghiêm túc, ngôn từ cũng phóng khoáng đa dạng hơn. Nhưng một lối hành văn như vậy vẫn không che giấu được nội dung trống rỗng. Theo tôi, quyển
‘‘Bản đồ và lãnh thổ’’ không có cấu trúc của một quyển tiểu thuyết theo đúng nghĩa của nó. Trong truyện nhà văn Houellebecq đề cập đến nhiều chủ đề cùng một lúc : chẳng hạn như tiền bạc chi phối nghệ thuật, quan hệ cha con phức tạp, quyền được chọn lựa cái chết và như vậy đặt lại vấn đề : khi một con người lâm bệnh nặng thì liệu người này có thể nhờ đến phương pháp trợ tử hay không, hay là phải duy trì sinh mạng bằng mọi cách. Đọc đến hơn nửa quyển sách, thì bỗng nhiên câu chuyện lại rẽ sang thể lọai tiểu thuyết hình sự : qua đó nhân vật chính phải giúp một một toán cảnh sát điều tra về một vụ án mạng. Trong phần này, lối viết của Houellebecq rất khôi hài, nhưng theo tôi chẳng ăn nhập gì với các mảng còn lại. Đối với các nhà phê bình nước ngoài, Michel Houellebecq được đánh giá như là một trong những nhà văn hàng đầu của Pháp. Nhưng theo tôi, đối với một người trong cưong vị như ông, Houellebecq đã không diễn đạt thấu đáo những chủ đề mà ông muốn đề cập đến. Do vậy những ai thích đọc tiểu thuyết vẫn không thỏa mãn với ‘‘Bản đồ và lãnh thổ’’, có nhiều đoạn dài dòng lủng củng, khiến độc giả có cảm tưởng đây là một quyển catalogue.

Quyển tiểu luận của bà Claire Cros mang tựa đề Ci-git Paris hiểu theo nghĩa của một dòng chữ khắc trên bia mộ, hàm ý là hiện tượng Houellebecq đánh dấu ngày khai tử tiểu thuyết Pháp. Nhà phê bình này giải thích :

Tôi không hề có thù oán gì với nhà văn Houellebecq. Tôi chỉ ghét bỏ điều mà ngành xuất bản gọi là ‘‘Hiện tượng Houellebecq’’. Trong tác phẩm của mình, nhà văn Houellebecq đề cập đến vấn đề tiền bạc chi phối nghệ thuật. Một cách tương tự, Houellebecq là trường hợp tiêu biểu cho điều mà tôi gọi là : tiếp thị rao hàng chi phối văn chương. Hàng năm vào mỗi mùa văn học tại Pháp, hàng trăm tựa sách được cho ra đời. Ngành xuất bản phải tiếp thị quảng cáo làm sao để cho một vài tựa sách nổi trội hẳn lên. Đâu đó, các nhà phát hành tìm cách tranh thủ thời cơ để ‘‘hướng dẫn’’ nếu không nói là để lôi kéo dư luận về sản phẩm mà họ muốn bán. Để cho sách bán chạy, không có gì hiệu nghiệm cho bằng cách gây tranh luận xung quanh quyển sách và tác giả của nó. Công việc tiếp thị rao hàng được tiến hành nhiều tháng trước khi tác phẩm được phát hành, bằng cách tung ra những thông tin giật gân để châm ngòi cho cơn sốt xung quanh một hiện tượng. Giới truyền thông báo chí lấy lại những thông tin này về một quyển sách mà đôi khi họ chưa từng đọc, nhưng lại được giới thiệu như là tác phẩm có tầm vóc nhất nhân mùa tiểu thuyết trong năm. Nhà văn Houellebecq là một người hết sức thông minh, ông sẵn sàng tuân thủ luật chơi này, nếu cần thì ông sẽ đưa ra những lời tuyên bố gây scandale, tạo ra nhiều tranh cãi xung quanh tác giả. Càng có nhiều người tham gia tranh luận, thì tác phẩm lại càng được nhắc nhở đến nhiều thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chiến thuật này từng được áp dụng vào năm 1988 cho quyển Les Particules Elémentaires (tạm dịch là Hạt cơ bản, nhà xuất bản Flammarion) và đạt đến đỉnh điểm với tiểu thuyết Plateforme (tạm dịch là Cương lĩnh phát hành vào năm 2001). Lần này, nhân dịp ra mắt quyển La carte et le territoire tạm dịch là Bản đồ và lãnh thổ, nhà văn Houellebecq đưa ra một hình ảnh hiền hòa điềm tĩnh hơn. Sự thay đổi hình ảnh đó được báo chí nhấn mạnh không kém gì nội dung tác phẩm mới. Bạn không tin thì hay thử đọc lại báo chí mà xem. Từ cả hai tháng trước ngày trao giải Goncourt, quyển Bản đồ và lãnh thổ đã được rao hàng như tác phẩm xứng đáng đoạt Goncourt, giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp.

Về phần mình, nhà phê bình Raphaëlle Rérolle, phó ban biên tập trang văn học báo Le Monde nhận xét về giải Goncourt năm nay :

Có người cho rằng là giải Goncourt năm nay rốt cuộc đã về tay một ‘‘kẻ phá đám’’, nhà văn Houellebecq thường được gán biệt danh của một kẻ chuyên làm cho người khác phải bực mình vì lắm chuyện gây rối. Nhưng theo tôi giải Goncourt năm nay trước hết là một sự đền bù của ban giám khảo đối với một nhà văn nổi tiếng là khó ưa. Trường hợp của Houellebecq từng đặt ban giám khảo vào thế khó xử. Đã ba lần nhà văn này được đề cử tranh giải Goncourt, nhưng tánh tình của nhân vật Houellebecq gây tranh cãi đến mức, trong hai lần trước, giải này đã về tay một nhà văn khác. Rốt cuộc, những người bênh vực Houellebecq có cảm giác là các thành viên trong ban giám khảo đã bỏ phiếu để trừng phạt nhà văn này hơn là để chấm thi tác phẩm của ông. Lần này, ban giám khảo cuối cùng đã quyết định trao Goncourt cho Houellebecq. Một cử chỉ mà nhiều người cho rằng có giá trị đền bù, nhiều hơn là một phần khen thưởng đích thực.

Nói cách khác, ban giám khảo đã tính sổ với Houellebecq, họ trả cho ông những gì còn nợ trong hai lần trước. Nhưng dù có yêu chuộng hay ghét bỏ, ta không thể phủ nhận tầm vóc của nhà văn này. Theo tôi, Houellebecq có một lối quan sát tinh tế và sắc bén về cái thế giới mà ông đang sống. Trong truyện của ông, lúc nào cũng có những nhân vật chán đời, phản cảm. Họ lạnh lùng thờ ơ, không thiết tha với cuộc sống mà cũng chẳng đeo đuổi một lý tưởng nào đó trong đời. Mẫu người mà Houellebecq tạo dựng trong tiểu thuyết là những nhân vật rất tầm thường, phản diện ở chỗ tâm hồn con người không cao thượng, chẳng có gì đáng làm gương. Nhưng thông qua mô típ nhân vật này, nhà văn lại dễ đập phá cái khuôn thước ‘‘phải đạo’’, để vạch trần bản năng và dục vọng của con người. Một ví dụ điển hình là trong quyển tiểu thuyết Cương lĩnh, nhà văn mô tả típ người chuyên đi tour du lịch tình dục ở Thái Lan. Theo lẽ thường tình phải đạo, thì người ta phải lên án những mẫu người như vậy, vấn đề ở đây là Houellebecq không lên lớp dạy đời, mà lại trực diện vấn đề một cách thẳng thừng trần trụi, nên ông không khỏi bị nhiều người chỉ trích là trơ trẽn, sống sượng.

Tuy vậy, theo nhà phê bình Raphaëlle Rérolle, đừng vì tánh tình của nhân vật mà ghét bỏ các tác phẩm của Houellebecq. Bà giải thích vì sao Houellebecq xứng đáng với giải Goncourt năm nay :

Theo tôi, Houellebecq là một trong những nhà văn Pháp biết phản ánh cái thực trạng xã hội thời nay. Những gì ông viết liên quan đến bản chất thầm kín của con người. Các nhân vật trong tiểu thuyết thường sống trong bức xúc dồn nén, tâm trạng của họ thường loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn của ám ảnh và hoang tưởng. Trong mắt của Houellebecq, dục vọng không nồng nàn say đắm, mà lại thể hiện cho nỗi buồn xác thịt. Một cách viết như vậy chỉ có thể làm cho những người trầm cảm, lại càng thêm buồn bã chán nản. Theo tôi, nhà văn này đại diện cho những ngòi bút truy tìm những góc khuất của tâm hồn. Nhưng khi đọc xong quyển Bản đồ và lãnh thổ, tôi có cảm tưởng là về mặt tinh thần, Houellebecq đã đi đến giai đoạn bình tâm, yên tĩnh hơn, như thể ông chấp nhận những dằn vặt để không còn vật lộn với chính mình. Tuy vậy, một số nhà phê bình vẫn cho rằng, văn phong của Houellebecq rất xoàng xĩnh, y hệt như là số phận tầm thường của những con người mà ông mô tả, và như vậy không đặt chiều cao trong tác phẩm. Theo tôi, Houellebecq viết theo kinh nghiệm bản thân : ngoài đời, ông từng bị chứng trầm cảm kinh niên đến mức phải dùng thuốc an thần trong suốt thời gian bị thất nghiệp và ly hôn với vợ. Nhà văn đưa những yếu tố vào trong tiểu thuyết của mình. Trước khi đặt câu hỏi về chiều cao tác phẩm, Houellebecq trước hết đi tìm chính mình trong những lúc chạm đáy tâm hồn. Chiều cao chỉ có ý nghĩa khi ta đã trải nghiệm độ thấp tột cùng của vực thẳm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.