Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Đức Tuấn, hơn một thập niên đam mê nghiệp hát

Đăng ngày:

Hơn một thập niên chính thức hiện diện trên sân khấu âm nhạc chuyện nghiệp, giờ đây có thể nói, người yêu nhạc Việt Nam đã có đủ trong tay những yếu tố cần thiết, những bằng chứng xác thực, để đem lòng yêu một Đức Tuấn nghiêm túc, sáng tạo, cần mẫn và đam mê trong công việc.

Ca sĩ Đức Tuấn đến biểu diễn tại Paris (DR)
Ca sĩ Đức Tuấn đến biểu diễn tại Paris (DR)
Quảng cáo

Người ta vẫn còn nhớ, nếu như buổi đầu của những năm 2000 khi Đức Tuấn chân ướt chân ráo bước vào làng ca nhạc, chỉ với một hành trang âm nhạc mỏng manh, dường như chủ yếu tập trung hát cho một số đối tượng khán giả nhất định, thì nay Đức Tuấn đã thực sự trở thành một hiện tượng của âm nhạc Việt, tên tuổi Đức Tuấn luôn gắn bó với những chương trình lớn, và vẫn tiếp tục khẳng định một hướng đi thiên về chất lượng. 

Nhân dịp Đức Tuấn qua Paris lưu diễn, anh đã nhận lời mời đến trực tiếp phòng thâu để trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ của đài RFI.

RFI : Một số lần trước đây phỏng vấn Đức Tuấn qua điện thoại viễn liên, khi Đức Tuấn ở Việt Nam, nhưng hôm nay ngồi trực tiếp trong phòng thâu của Đài, Đức Tuấn có cảm giác như thế nào ?

Đức Tuấn : Rõ ràng khi ngồi trong một phong thu hiện đại và được nói chuyện trực tiếp thì mình thấy hào hứng hơn, và Tuấn sẽ bọc bạch, tâm sự được nhiều điều hơn với quý vị thính giả đang theo dõi chương trình.

RFI : Ngày 11/06/2011 vừa qua, Đức Tuấn đã đứng chung trên sân khấu tại Paris cùng với ca sĩ Khánh Ly, và đã cống hiến cho khán giả của Paris một đêm diễn rất hoàn hảo, với chủ đề kỉ niệm 10 năm ngày giỗ của Trịnh Công Sơn, do hội "Những Người Bạn của Trịnh Công Sơn" (Association des Amis de Trinh Cong Son) tổ chức. Có lẽ đây là lần đầu tiên Đức Tuấn diễn trực tiếp với ca sĩ Khánh Ly tại Paris ?

Đức Tuấn : Thực sự thì đây là lần thứ hai Đức Tuấn và chị Khánh Ly tham gia đêm nhạc như vậy. Lần đầu tiên là đêm nhạc từ thiện tại San José (California – Mỹ), và đây là lần thứ hai. Tuy nhiên điều đặc biệt lần này là đêm nhạc hoàn toàn với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn.

Đó là điều hạnh phúc lớn của Tuấn, không chỉ vì được đứng chung với một "tượng đài" về nhạc Trịnh, mà còn là và rất cảm động với tình yêu mà mọi người dành cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn, có thể nói đó là một đêm diễn với nhiều kỉ niệm rất khó quên.

RFI : Nếu theo dõi những lần Đức Tuấn qua Pháp biểu diễn, thì thấy Đức Tuấn gắn bó rất nhiều với "Hội Những Người Bạn của Trịnh Công Sơn" tại Paris. Phải chăng Đức Tuấn đã tạo cho mình được một "thương hiệu" theo như cách nói ở trong nước ?

Đức Tuấn : Bao nhiêu năm qua, tất cả những gì Tuấn làm đó là một tình yêu trọn vẹn dành cho âm nhạc. Nếu càng ngày càng có nhiều khán giả đến với mình, đồng cảm và chia sẻ những cảm xúc của mình, thì đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tuấn chưa bao giờ nghĩ mình phải làm mọi thứ để quảng bá "thương hiệu", chính những tình yêu Tuấn dành cho âm nhạc, đã gặp được ngày càng nhiều những tình yêu âm nhạc khác, nên sự đồng cảm đó ngày càng lớn hơn.

RFI : Như chúng ta biết là hiện tại ở Việt Nam cũng có nhiều mảng âm nhạc khác nhau . Gần đây nhạc kịch là mảng Đức Tuấn đang theo đuổi, thậm chí có thể xem Đức Tuấn là một trong số những người đi tiên phong đưa nhạc kịch vào Việt Nam. Nếu so với dòng nhạc tạm gọi là "thị trường" ở trong nước, đôi khi dễ dãi, nhưng lại được nhiều người hưởng, còn nhạc kịch của Tuấn lại rất "kén" khán giả, Đức Tuấn có cảm thấy như thế là "bất công" hay không ?

Đức Tuấn : Vấn đề này cũng rất rộng, nếu nói là bất công hay không thì thực tình Tuấn chưa bao giờ nghĩ tới. Một lần nữa Tuấn khẳng định là dòng nhạc Tuấn hát không hề "kén" khán giả. Các ca khúc Tuấn lựu chọn cho dù của Việt Nam, nước ngoài hay nhạc kịch, thì tiêu chí đầu tiên cũng phải là giai điệu đẹp, dễ nghe, dễ cảm nhận. Lời ca khúc có nhiều nghĩa khác nhau, mỗi lớp khán giả sẽ cảm nhận theo một cách của họ.

Tại sao cho tới hiện nay, mỗi ngày Tuấn vẫn phải giới thiệu nhạc kịch nhiều hơn, là nhằm để mọi người biết đến một cách rộng rãi hơn. Tuấn tin chắc một điều là một khi mọi người biết đến và lắng nghe thể loại âm nhạc này, mà Tuấn mong muốn trình bầy và truyền tải đến khán giả, thì mọi người sẽ thích thú.

Thực ra chính khán giả của mình mới là người phải chịu sự "bất công" đó, là tại vì việc sản xuất và đưa một vở nhạc kịch vào Việt Nam là công việc quá tốn kém, chưa có nhà đầu tư nào thực sự muốn làm điều đó, bởi chưa nghĩ ra cách gì hiệu quả để thu hồi vốn đầu tư, nên sự tiếp cận của khán giả đối với thể loại âm nhạc này vẫn còn ít ỏi.

Tuy nhiên, bản thân Tuấn cũng như những người đam mê nhạc kịch nói chung, sẽ bằng nhiều cách cố gắng đưa nó vào trong đời sống âm nhạc, khi lượng khán giả đã đủ lớn, thì chắc chắn sẽ có những nhà đầu tư quan tâm đến nhạc kịch và đưa nó đến với công chúng một cách hoàn hảo hơn.

RFI : năm 2009 Đức Tuấn đã thực hiện một live-show biểu diễn nhạc kịch với chủ đề "Music of the night" mà sau đó Đức Tuấn đã cho phát hành cả CD lẫn DVD nhạc quay hình trực tiếp, rồi nhờ đó Đức Tuấn cũng đã đoạt giải thưởng Cống Hiến và Album nhạc của năm do báo Thể Thao Văn Hóa bình chọn. Vậy có thể nói là giới chuyên môn đã đánh giá đúng tầm công việc của Đức Tuấn ? Chúng ta có thể hiểu như thế được không ?

Đức Tuấn : Vâng, hiện nay đây vẫn là một trong những giải thưởng có uy tín nhất về âm nhạc tại Việt Nam. Đó là niềm hạnh phúc lớn của Tuấn, khi một phần là sự đón nhận của khán giả và một phần khác là sự nhìn nhận của giới chuyên môn, về những cố gắng của mình từ trước tới nay.

RFI : Theo Đức Tuấn thì liệu như thế có tạo ra được một dấu ấn tiềm tàng gì cho nhạc kịch ở Việt Nam trong thời gian tới hay không ?

Đức Tuấn : Nhân đây Tuấn cũng xin tiết lộ một điều là, thực ra Tuấn đã nghiên cứu và yêu mến nhạc kịch trước khi mà Tuấn hát nhạc của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy hay Phạm Đình Chương… Sau này khi hát các ca khúc của các tác giả kể trên Tuấn cũng dựa trên mầu sắc và sử lý các ca khúc đó theo xu hướng nhạc kịch.

Rõ ràng đó là một dấu ấn riêng, có thể người này thích, người kia không. Các ca khúc Việt Nam mọi thường quen nghe với phong cách dịu dàng lãng mạn, nhưng Tuấn lại thổi vào đó nhiều cung bậc cảm xúc mang hơi hướng nhạc kịch hơn, lúc thì dữ dội, lúc thì lém lỉnh. Có thể nói những người cởi mở thì đón nhận nó dễ dàng hơn. Sau này khi mọi người dần quen với cách thức thể hiện các ca khúc theo kiểu nhạc kịch, thì lúc ấy Tuấn mới dám chính thức đưa âm nhạc của nhạc kịch vào Việt Nam.

Có thể nói là hiện nay nó cũng đang tạo ra một trào lưu, nhạc kịch được nhắc đến rất nhiều. Ví dụ gần đây cũng có một nhóm nhạc đã chuyển thể "Notre Dame de Paris" (Nhà thờ Đức Bà Paris) sang tiếng Việt để hát. Ngoài ra các đạo diễn cũng bắt đầu đưa các thể loại nhạc kịch vào phim ảnh để khán giả gần gũi hơn, một số sinh viên nhạc viện cũng bắt đầu theo xu hướng đó.

Trong chương trình hôm nay,  Đức Tuấn gửi đến quí vị và các bạn các ca khúc : Tôi ru em ngủ - của TCS, Xóm đêm – sáng tác Phạm Đình Chương, Chiếc lá thu phai – một tuyệt tác khác của TCS, Memory (Kỷ niệm) một trong những nhạc phẩm bất hủ trong vở ca nhạc kịch Cats do Andrew Lloyd Webber viết vào cuối thập niên 70, mà sau này nữ ca sĩ Barbra Streisand thể hiện rất thành công.

Ngoài ra, còn có bản nhạc Oh What a circus (cũng do Andrew Lloyd Webber sáng tác) mà người yêu nhạc Việt Nam vẫn từng biết đến qua tựa đề Don’t cry for me Argentina trong bộ phim ca nhạc EVITA hoành tráng, do nữ hoàng nhạc Pop Madona thủ vai chính, phát hành năm 1996, được để cử 5 giải Oscar và chiếm lĩnh 3 giải Quả Cầu Vàng. 

Để khép lại chuyên mục tuần này, Đức Tuấn tiếp tục gửi đến quí vị và các bạn một bản tình ca hoành tráng của Phạm Đình Chương – nhạc phẩm quen thuộc Hội Trùng Dương, mà trong đó, Đức Tuấn đã công phu gửi gắm rất nhiều tố chất nhạc kịch. Trong kỳ tới, nam ca sĩ Đức Tuấn sẽ chia sẻ những dự án âm nhạc nhằm đánh dấu 10 năm ca hát của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.