Vào nội dung chính
CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Người Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến Cách mạng Tân Hợi 1911

Đài Loan và Bắc Kinh đều sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sụp đổ của triều đại nhà Thanh và cách mạng Tân Hợi 1911. Sự xích gần lại giữa hai nước anh em đối thủ này tạo điều kiện cho xã hội Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến giai đoạn Quốc Dân đảng.

Tôn Dật Tiên, một nhân vật then chốt của cuộc Cách mạng Tân Hợi
Tôn Dật Tiên, một nhân vật then chốt của cuộc Cách mạng Tân Hợi DR
Quảng cáo

Năm nay Đài Loan và Bắc Kinh đều sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sụp đổ của triều đại nhà Thanh và cách mạng Tân Hợi 1911. Theo tuần báo Pháp Le Courrier International số ra đầu tháng (n° 1074), dẫn lại tờ « Want Daily » tại Đài Bắc, sự xích gần lại giữa hai nước anh em đối thủ này tạo điều kiện cho xã hội Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến giai đoạn Quốc Dân đảng.

Trên thực tế, mối quan tâm đối với giai đoạn nắm quyền của Quốc Dân đảng tại lục địa Trung Hoa (1911-1949) đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2005, ông Liên Chiến (Lien Chan) - chủ tịch Quốc Dân đảng – đã công du Bắc Kinh. Chuyến đi thăm lục địa đầu tiên của người đứng đầu Quốc Dân đảng kể từ năm 1949 đã kích phát niềm say mê đối với cuộc Cách mạng 1911 và kỷ nguyên Cộng hòa tại Trung Quốc. Năm 2008, lại thêm một dịp mối quan tâm này trở nên sôi sục hơn với sự kiện lãnh đạo Quốc Dân đảng trở thành tổng thống Đài Loan. Năm nay, mối quan tâm này đặc biệt gắn liền với nhân vật Tưởng Giới Thạch và những người lập nên nước Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan).

Kể từ đầu năm 2011, các cuốn sách giáo khoa được xuất bản dưới thời Trung Hoa Dân Quốc từ những năm 1930 đã được tái bản tại Trung Quốc, và được bán lại với giá cao gấp mười. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc tuyên bố, sẽ có kế hoạch làm lại sách giáo khoa một cách cơ bản, đối với cả cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tiểu sử của ông Tưởng Giới Thạch – thủ lĩnh Quốc Dân đảng - cũng vừa mới được xuất bản tại Trung Quốc, và bán được rất chạy. Cuốn sách này được giới thiệu như là « một mô tả chính xác và khách quan hơn » về nhân vật lịch sử này.

Cách đây 10 năm, không thể tưởng tượng được nổi tại Trung Quốc lại có những chuyện như vậy, khi mà tất cả những gì liên quan đến Quốc Dân đảng và Tưởng Giới Thạch đều bị cấm.

Theo nhà sử học Trương Minh (Zhang Ming), một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân, việc các quan chức của đảng Cộng sản Trung Quốc ngầm cho phép niềm say mê kể trên trở lại và làn sóng thân Tưởng Giới Thạch được phát triển, không phải không có mối quan hệ với niềm hy vọng mà Bắc Kinh đặt vào chủ trương tăng cường « sự kiểm soát độc đoán » của chế độ hiện hành. Cũng theo nhà sử học kể trên, Tưởng Giới Thạch được giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn với con mắt thiện cảm, bởi vì « ông già Tưởng » cũng như ban lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay đều cố gắng áp đặt một chế độ độc đoán. Họ đều là thành viên của cùng một gia đình.

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ truyền thống Trung Hoa Dân Quốc không chia sẻ ý kiến này. Một bài viết phê phán Tưởng Giới Thạch của ông Trương Minh trên trang blog của mình đã bị những người thân Quốc Dân đảng và hoài niệm về quá khứ Cộng hòa chỉ trích quyết liệt.

Nhà sử học Trương Minh nói nửa đùa, nửa thật : « Quốc Dân đảng không chắc sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử 2012 tại Đài Loan, nhưng nếu được ra tranh cử tại Trung Quốc, đảng này chắc chắn sẽ giành được thắng lợi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.