Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Tony Bennett, giọng ca vực dậy sau khi chạm đáy

Đăng ngày:

Nổi danh như một giọng ca lão thành của làng nhạc jazz Hoa Kỳ, nam ca sĩ Tony Bennett có một sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ. Có một điều rất lạ là tuy ông đã vào nghề ca hát từ hơn 50 năm qua, nhưng Tony Bennett chưa hề có một album nào chiếm được hạng đầu thị trường Bắc Mỹ.

Quảng cáo

Thà muộn còn hơn không. Trong tháng này, lần đầu tiên vào năm 85 tuổi, Tony Bennett giành lấy ngôi vị quán quân làng nhạc Hoa Kỳ. Danh ca người Mỹ lập được thành tích này nhờ vào album mang tựa đề Duets II, tức là tập nhạc thứ nhì trong loạt album gồm các bản song ca với các giọng hát ăn khách nhất hiện nay. Ngoại trừ Frank Sinatra, thì dường như chỉ có ông mới có thể triệu tập cùng một lúc nhiều tên tuổi lẩy lừng đến như vậy. 

Trong số này, có nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin, các diva của làng nhạc pop như Lady Gaga và Mariah Carey, các tên tuổi của làng nhạc country như Carrie Underwood và Faith Hill, hai giọng ca tenor Andrea Bocelli và Josh Groban, hai gương mặt trẻ của làng nhạc jazz thời nay là Norah Jones và Michael Bublé. Nhưng đáng chú ý hơn cả là bản song ca mang tựa đề Body and Soul của Tony Bennett với tài năng quá cố Amy Winehouse.

Không phải ngẫu nhiên mà bản nhạc Body and Soul được chọn làm ca khúc trích đoạn đầu tiên để quảng bá cho album này. Bài hát được xem là bản ghi âm cuối cùng của Amy Winehouse trước khi cô đột tử. Theo đánh giá của trang thông tin ca nhạc trên mạng Charts in the USA, ca khúc này khơi gợi sự tò mò của giới yêu nhạc. Điều đó có thể giải thích vì sao ngay sau khi được phát hành, tập nhạc Duets II đã nhảy vọt lên hạng đầu thị trường số bán.

Giọng ca khiến cho Sinatra phải khâm phục

Nhưng nói như vậy thì cũng hơi bất công cho Tony Bennett, đâu đó giảm nhẹ uy tín nếu không nói là coi thường tầm ảnh hưởng của ông. Một giọng ca với lối biến tấu tài tình mà lúc sinh tiền, ngay cả ông hoàng nhạc jazz Frank Sinatra phải trầm trồ thán phục. Tình khúc Body and Soul do Tony Bennett song ca với Amy Winehouse là một bản nhạc hay nhưng chưa phải là xuất sắc vượt trội của album này. Có thể nói là Body and Soul góp phần tăng thêm giá trị của tập nhạc nhưng trên cùng một album, bài hát này chưa xuất thần bằng How do You keep the Music playing của Aretha Franklin và Blue Velvet của K.D Lang.

Sinh năm 1926 tại New York, Tony Bennett tên thật là Anthony Benedetto, xuất thân từ một gia đình công nhân người Mỹ gốc Ý. Thời còn nhỏ, cậu bé Tony có năng khiếu âm nhạc nhưng không phải thừa hưởng từ cha mẹ mà chủ yếu là nhờ sự gần gũi với một người cậu vốn là một vũ công chuyên nhảy thiết hài (tap dance). Thời niên thiếu, Tony học hát và học vẽ tại trường New York's High School of Industrial Art. Đến lứa tuổi về chiều, hội họa trở thành một nghề quan trọng hẳn hoi, cho ông thêm nghị lực để vượt qua những giai đoạn thăng trầm trong sự nghiệp ca hát.

Trong thời đệ nhị thế chiến (1944-1945), ông thi hành nghĩa vụ quân sự, theo binh đoàn sang châu Âu tham chiến tại Pháp rồi tại Đức. Nhờ có chất giọng, ông tham gia vào ban văn nghệ quân đội Hoa Kỳ. Sống sót sau cuộc chiến, ông tự nhủ là một khi được giải ngũ hồi hương, ông sẽ theo đuổi cho tới cùng con đường nghệ thuật sân khấu. Bốn năm sau trở về đất Mỹ, ông chọn Tony Bennett làm nghệ danh khi ký hợp đồng ghi âm đầu tiên vào năm 1950 với hãng đĩa Columbia.

Nhạc phẩm đầu tiên giúp cho Tony Bennett thành danh là tình khúc mang tựa đề Because of You. Bài hát chiếm hạng đầu thị trường trong 10 tuần lễ liên tục vào năm 1951, mở đường cho một loạt ca khúc ăn khách khác sau đó. Nhưng điều lạ lùng là tuy có nhiều bản nhạc thịnh hành, các album được xếp hạng cao, nhưng chưa một lần lại chiếm được hạng đầu thị trường.

Hát lệch trùng nhịp, phá cách trùng điệu

Vào những năm 1950, làng nhạc Mỹ đã có sẵn một Giọng ca Vàng. Được mệnh danh là The Voice, danh ca Frank Sinatra tung hoành trên vòm trời ca nhạc. Theo lời khuyên của giới sản xuất chuyên nghiệp, theo đó ông nên làm khác hẳn, chứ đừng có bắt chước giọng ca Frank Sinatra, Tony Bennett rèn luyện cho mình một kỹ thuật riêng biệt, một cách hát mà chỉ cần nghe qua câu đầu người ta có thể nhận ra ngay.

Chất giọng của Tony Bennett không mềm mại mượt mà như ông hoàng Nat King Cole, không dí dỏm duyên dáng như Bing Crosby, không mơn trớn đa tình như Dean Martin, nhưng không ai nắm bắt được độ dài của từng nốt nhạc tài hơn ông. Frank Sinatra nổi tiếng nhờ lối hất câu đá chữ. Tony Bennett sáng chế ra cách hát lệch mà không sai nhịp, phá cách mà vẫn trùng điệu. Nhờ cách hát không bao giờ bám sát nốt nhạc, theo kiểu giai điệu viết như thế nào thì cứ hát y như thế nấy, Tony Bennett làm cho bài hát trở nên mới lạ. Nói cách khác, nếu ta đơn thuần ghi âm giọng ca mộc của ông thì giai điệu của từng lời ca khác hẳn với phần nhạc đệm.

Nhờ vào lối diễn đạt "hát lệch mà không sai nhịp" mà tên tuổi của Tony Bennett không ngừng đi lên, thành công trong hơn một thập niên liền cho đến năm 1965. Trong thời gian này, ông ghi âm nhiều bản nhạc để đời kể cả nguyên tác và phiên bản chuyển dịch. Chẳng hạn như Blue Velvet (Nhung Xanh), Stranger in Paradise (Kẻ lạ nơi Thiên đường), I left My heart in San Francisco (Con tim lưu luyến San Francisco), The Good Life (Cuộc đời lý tưởng, chuyển dịch từ bài hát tiếng Pháp La Belle Vie của Sacha Distel), The Shadow of your smile (Bóng tối nụ cười, ca khúc chủ đề của bộ phim The Sandpiper – Le Chevalier des Sables với hai thần tượng điện ảnh Elizabeth Taylor và Richard Burton trong vai chính).

Trên tột đỉnh thành công, sự nghiệp của Tony Bennett bị khựng lại từ giữa thập niên 1960 trở đi. Một mặt, sự trổi dậy của phong trào nhạc rock đến từ Anh Quốc khiến cho các tên tuổi của làng nhạc jazz bị xem như là lỗi thời. Trong mắt của giới trẻ, các ca sĩ này giờ đây chỉ dành cho đối tượng trung niên. Trước áp lực của hãng đĩa nhà, Tony Bennett lúc đó đã xấp xỉ 40 tuổi chuyển qua hát nhạc pop rock. Một tính toán sai lầm vì nhạc rock không đơn thuần là một thể loại âm nhạc.

Theo định nghĩa của giới chuyên gia, rock trước hết là một phong cách, một tư tưởng : từ vóc dáng cho đến điệu bộ, một rocker thể hiện đầu tiên hết cho tinh thần bất khuất phóng khoáng. Để so sánh, nhóm Tứ Quái The Beatles có thể mặc âu phục, đeo cà vạt khi trình diễn trước công chúng nhưng họ vẫn giữ được tính chất rock vì họ không bao giờ phải đạo. Lúc sinh tiền, Amy Winehouse không hề hát nhạc rock mà vẫn nổi loạn trong phong cách, từ nếp sống cho đến lối suy nghĩ.

Chìm nổi đời người, thăng trầm sự nghiệp 

Điều đó giải thích vì sao Tony Bennett hoàn toàn gặp thất bại khi muốn chuyển qua hát ‘‘nhạc trẻ’’. Sự nghiệp của ông bị gián đoạn trong hai thập niên. Hành trình băng qua sa mạc kéo dài đến đầu những năm 1990. Về mặt đời tư, hạnh phúc gia đình của ông hai lần bị tan vỡ. Vào nghề hai bàn tay trắng, đến nửa đời người lại trắng hai tay. Ông rơi vào chứng nghiện ma túy và suýt nữa là bị đứng tim do dùng thuốc quá liều tại Las Vegas.

Vào năm 1979, ông được đưa vào nhà thương cấp cứu cũng vì ma túy. Đứa con trai là nhạc sĩ Danny Bennett mới khuyên ông dọn nhà về New York để gần gũi với con cái, để cho gia đình tiện bề chăm sóc. Cũng trong giai đoạn này mà ông tìm được sự khuây khỏa nhờ nghề vẽ tranh. Mãi đến cuối những năm 1980, Tony Bennett mới dần dà nối lại với nghề ca hát, ban đầu là trong nhóm nhạc jazz của con mình, sau đó trong các buổi trình diễn gây quỹ từ thiện.

Nhờ vào các chương trình truyền hình và các dự án ghi âm để vinh danh các tên tuổi lớn như Fred Astaire, Duke Ellington, Louis Armstrong, mà Tony Bennett thu hút trở lại sự chú ý của giới yêu nhạc. Cũng từ đó trở đi mà ông thường tham gia với tư cách khách mời danh dự trong các buổi trình diễn lớn của Stevie Wonder hay Billie Joel. Trong hơn nửa thế kỷ sự nghiệp, ông đã bán hơn 50 triệu album, đoạt 15 giải Grammy kể cả một giải thành tựu sự nghiệp.

Giọng ca vực dậy một khi chạm đáy

Trong cái rủi lại có cái may. Ngay trong những giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời, Tony Bennett vẫn không xao lãng nghề ca hát. Dù không có hợp đồng ghi âm trong tay, nhưng ông vẫn quan niệm rằng thà không kiếm ra tiền còn hơn là hát mà không có ai nghe. Vì thế cho nên, đôi khi dù tiền thù lao cho mỗi buổi hát rất thấp, nhưng ông vẫn chịu khó đi trình diễn, miễn là trong công chúng vẫn còn có người hưởng ứng tiếng hát của ông. Thời còn đi lính, ông đã được rèn theo kỷ luật nhà binh, cho nên về già ông vẫn thường xuyên luyện giọng để giữ phong độ trong cách hát.

Một đời người năm chìm bảy nổi. Kiếp cầm ca lắm lúc thăng trầm. Tony Bennett trở thành trường hợp tiêu biểu của những nghệ sĩ biết vực dậy một khi đã chạm đáy. Vào năm 85 tuổi, chất giọng của Tony Bennett không thể hay bằng thời kỳ huy hoàng những năm 1960, tiếng hát sung mãn tràn đầy nhựa sống. Nhưng kinh nghiệm của năm tháng lại làm cho cách diễn đạt của Tony Bennett thêm dày dặn, cách ‘‘hát lệch’’ của ông vẫn có một không hai, rất nhiều người đi sau ông đã tìm cách bắt chước (kể cả ca sĩ người Canada Michael Bublé) nhưng chưa ai có thể sánh bằng.

Sinh thời, Giọng ca Vàng Frank Sinatra được xem như là không có đối thủ, lại khen tiếng hát của Tony Bennett bằng một câu nói như thế này : Trong làng giải trí, ít có ai hát hay bằng Tony Bennett. Ông là ca sĩ duy nhất mà tôi có thể bỏ tiền ra mua vé đi xem hát mà không hề tiếc rẻ một đồng xu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.