Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Nhạc trẻ Pháp phát hành trong dịp lễ cuối năm

Đăng ngày:

Paris, phố xá lên đèn. Từ ngày 23/11, đại lộ Champs Élysées được thắp sáng, chính thức khai mạc mùa mua sắm nhân những ngày lễ cuối năm. Nhưng từ cả một tuần lễ trước, các tủ kính cửa hàng đã được chuẩn bị xong. Ngành công nghiệp giải trí xem đây là thời điểm thuận lợi nhất để bán hàng.

Ca sĩ trẻ người Pháp Shy'm và những ca khúc mới (DR)
Ca sĩ trẻ người Pháp Shy'm và những ca khúc mới (DR)
Quảng cáo

Không phải ngẫu nhiên mà ngành sản xuất đĩa hát chờ đến mùa này để tung ra các tập nhạc mới. Trong số các sản phẩm vừa được cho ra mắt có album mới của Isabelle Boulay (Les grands espaces), của Christophe Willem (Prismiophonic), tuyển tập của Mylène Farmer (Du Temps), chưa kể đến các gương mặt lão thành hơn như Alain Souchon, Julien Clerc hay Gérard Lenorman.

Về phía cô ca sĩ trẻ người Pháp Shy'm, cô kết thúc năm 2011 với nhiều thành công rực rỡ. Nhờ vào các bước nhảy thuần thục của mình mà Shy'm đã giành được hạng nhất trong chương trình thi khiêu vũ truyền hình Dancing with the Stars (phiên bản tiếng Pháp). Về sự nghiệp ca hát, Shy'm tiếp tục thành công với album mang tựa đề Prendre l'Air (tạm dịch Thay đổi không khí). Tập nhạc này vừa được tái bản với 6 ca khúc mới, trong đó có nhạc phẩm En apesanteur (tạm dịch là Lơ lững trên không), nguyên tác của tác giả kiêm ca sĩ Calogero vừa được Shy'm quay thành video clip mới.      

Đáng chú ý hơn nữa có cuộn đĩa hình DVD Blu Ray của Shakira, danh ca người Colombia. Tuy chỉ mới ngoài 30 tuổi, nhưng cô gái tóc vàng đã có nhiều năm tay nghề. Năm 2011 đánh dấu 20 năm sự nghiệp của Shakira vì cô ghi âm album đầu tiên mang tựa đề Magia vào năm 1991. Thành danh nhờ một chất giọng khỏe khoắn, lối nhã chữ buôn hơi rất đặc biệt, cộng thêm với những đường cong nẩy lửa, các điệu múa lắc hông làm cho người xem phải hừng hực cơn sốt, Shakira nổi tiếng trên khắp thế giới từ năm 2001, thời cô cho ra mắt tập nhạc Laundry Service với ca khúc chủ đạo Whenever Wherever.

Với gần 50 triệu album được bán chạy và 10 giải Grammy từ khi cô vào nghề, Shakira hầu như không có đối thủ nào thật sự đáng gờm khi lên ngôi nữ hoàng dòng nhạc pop latinh. Tuy có nhiều đĩa đơn đứng đầu bản xếp hạng châu Âu, nhưng cho tới giờ Shakira vẫn chưa có một album nào giành lấy được ngôi vị quán quân trên thị trường Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà cuộn đĩa hình DVD của Shakira mang tựa đề Live in Paris, thu hình trực tiếp từ các buổi biểu diễn từ thủ đô Paris.

Chẳng những thế, lần đầu tiên cô ghi âm bằng tiếng Pháp khi hát lại ca khúc Je l’aime à Mourir. Nguyên tác bài này là do Francis Cabrel sáng tác và trình bày. Bản nhạc sau đó từng được chuyển dịch sang tiếng Tiệp, tiếng Ý, Đức và Tây Ban Nha. Với nhạc phẩm này, Shakira chứng tỏ là ngoài sở trường hát nhạc nhạc pop latinh, cô còn là một diva của những dạo khúc trữ tình.

Cũng trong tháng này, ca sĩ người Pháp Camille trình làng tập nhạc mới mang tựa đề Ilo Veyou (tức là I Love You – Em yêu Anh với lối ngắt chữ khác với cách viết thông thường). Đây là album thứ tư của cô ca sĩ sinh trưởng tại Paris nổi danh từ năm 2005 nhờ vào ca khúc Ta Douleur (Nỗi đau của người) và nhất là nhờ vào dự án hợp tác ghi âm với nhóm Nouvelle Vague qua việc cải biên nhiều ca khúc pop rock theo điệu bossa nova.

Dòng nhạc của Camille giàu tính thử nghiệm âm thanh, phối hợp cách hát acapella, với kỹ thuật beatbox (theo đó người nghệ sĩ có thể tạo được nhịp đệm mà không cần đến bộ gỏ, bộ trống hay bất kỳ nhạc khí nào). Sau khi đoạt hai giải thưởng Victoires de la Musique và một giải Constantin dành cho các nhạc sĩ trẻ tuổi, Camille mở đường cho nhiều tác giả mới, trong đó có Olivia Ruiz và gần đây hơn nữa là cô Selah Sue, tạo được thế đối trọng với dòng nhạc đơn thuần thương mại.

Có người từng so sánh Camille với Bjork ca sĩ vùng đất lạnh Iceland, nhưng lối thử nghiệm âm thanh của Camille không thiên về lối hoà âm điện tử mà tận dụng lối ngắt câu không đúng chỗ, phá cách trong lối khuynh đảo từng ca từ. Với album thứ tư, Camille tiếp tục duy trì nét độc đáo của riêng mình, cho dù đa số các bài hát của cô đều không phải là dễ nghe, nhưng lại mang nhiều tính tìm tòi khám phá trong sáng tác.

Về phần mình, nam ca sĩ Christophe Willem vừa tung ra album mới của anh mang tựa đề là Prismophonic tạm dịch là Sắc thái Âm thanh. Đây là một album concept, tức là dựa trên một ý tưởng chủ đạo, một khái niệm xuyên suốt. Tập nhạc mới bao gồm 12 ca khúc và mỗi bài ở đây mang một màu sắc riêng của từng thể loại âm nhạc, lúc thì nâu mộc như những ca khúc trầm buồn đệm bằng tiếng đàn piano, lúc thì lung linh rực rỡ ánh kim quang trong những ca khúc dance pop.

Nhìn chung, sở trường của Christophe Willem vẫn là cái tài nắm bắt nhịp điệu, cách nhã chữ phát âm rất sang, nâng cách sản xuất nhạc pop của Pháp lên tầm vóc ngang hàng với các hãng đĩa Anh Mỹ. Christophe Willem là người từng chiếm hạng nhất trong kỳ thi Thần tượng âm nhạc Pháp, và cũng là một trong những gương mặt hiếm hoi xuất thân từ các cuộc thi hát truyền hình mà vẫn gầy dựng được một chỗ đứng trong làng nhạc Pháp, cũng như Nolwenn và Amel Bent.

Sắc thái Âm thanh (Prismophonic) là tập nhạc thứ ba của nam ca sĩ, nó lấp lánh sáng chói tựa như một quả cầu bạc, phản chiếu muôn tia ánh sáng xuống sàn nhảy, nhờ vào các nhịp điệu trẻ trung sôi động mà có thể lôi cuốn thêm giới yêu chuộng các hộp đêm.

Cũng là ánh đèn màu nhưng không phải là trong hộp đêm mà lại là ánh đèn sân khấu, Amaury Vassili ca sĩ Pháp với chất giọng tenor cho tái bản album gần đây nhất của anh mang tựa đề Cantero. Được cho ra mắt lần đầu tiên cách đây gần một năm, tập nhạc này được bổ sung thêm với 5 ca khúc mới, bao gồm thêm một phiên bản DVD gồm các video clip mà anh đã quay cho các bài hát trích từ album này.

Sau khi đại diện cho nước Pháp đi tranh giải thưởng ca nhạc truyền hình châu Âu với một ca khúc hát bằng tiếng Corse, Amaury Vassili đã khá thất vọng với kết qủa cuộc kỳ thi vì anh chỉ đứng hạng 15 trên số 25 quốc gia dự thi. Sự thất bại này dường như không ảnh hưởng gì nhiều đến sự nghiệp ca hát của ca sĩ trẻ tuổi. Tập nhạc thứ hai của anh đạt hai lần đĩa bạck kim tại Pháp, đĩa vàng tại châu Âu và gần đây hơn nữa anh lọt vào danh sách 10 album bán chạy nhất thị trường Nam Phi, Đài Loan và Hàn Quốc.

Chất giọng tenor của Amaury Vassili hợp với tiếng Ý (Mi Fa Morire Cantando), nhưng anh vẫn thâu thêm một số ca khúc tiếng Anh nhằm chinh phục thị trường quốc tế. Trong phiên bản mới, Amaury ghi âm lại một số nhạc phim trong đó có ca khúc chủ đề bộ phim Titanic (My Heart will go on) và nhạc phẩm Smile trích từ bộ phim Modern Times (Les Temps Modernes – Thời đại Tân kỳ) do vua hề kiêm đạo diễn Charlie Chaplin thực hiện vào năm 1936.

Một trong những album thành công nhất trong năm 2011 là tập nhạc mang tựa đề Bretonne (Cô gái miền Bretagne) của ca sĩ Nolwenn Leroy. Nổi tiếng trong làng nhạc Pháp nhờ một giọng ca trung trầm, dễ nhận ra với những vết gẫy khàn đục trong làn hơi, Nolwenn tạo được sự bứt phá khi chuyển từ nhạc nhẹ sang dòng nhạc celtic, khi hát lại các bản nhạc folk xứ Ailen, các điệu nhạc truyền thống của vùng cao nguyên Scotland, dân ca miền Bretagne, nguyên quán của gia đình cô phía bên nội.

Trên đà thành công này, Nolwenn cho tái bản tập nhạc ăn khách với 7 bài hát mới. Với tất cả là 20 ca khúc, album tái bản lần này tương đương với một đĩa đôi. Các ghi âm mới chủ yếu bằng tiếng Anh, trong đó có hai ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ người Anh Mike Ofield, năm nay 58 tuổi. Nổi danh trên khắp thế giới nhờ album The Tubular Bells, nhạc nền của bộ phim The Exorcist (Qủy Ám), Mike Ofield ban đầu nổi danh cùng thời với nhóm Pink Floyd như một nghệ sĩ nhạc rock giao hưởng, nhờ có năng khiếu chơi nhiều nhạc khí mà sáng tác ra những giai điệu đa tầng phức hợp.

Có một thời gian, Mike Ofield chuyển sang thử nghiệm với dòng nhạc new age. Hầu hết các album ra đời trong những năm 1980 đều khai thác xu hướng này. Hai ca khúc mà Nolwenn ghi âm lại là bài Moonlight Shadow To France, mang nhiều hơi hướm của dòng nhạc celtic nhưng tân kỳ đương đại hơn trong cách hoà âm với nhạc khí điện tử thay vì dùng nhạc cụ cổ truyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.