Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Ngày lễ cuối năm : mùa bội thu của ngành Champagne

Đăng ngày:

Nước Pháp sản xuất 400 triệu chai rượu champagne mỗi năm, trong đó có đến 3/4 là để xuất khẩu sang nước ngoài. Những ngày lễ cuối năm là mùa quan trọng đối với ngành chế biến champagne, bởi vì chỉ riêng trong mùa Giáng Sinh và Tết dương lịch, số bán của một tháng tương đương với 40% doanh thu hàng năm.

Nước Pháp xuất khẩu hàng năm 300 triệu chai champagne (DR)
Nước Pháp xuất khẩu hàng năm 300 triệu chai champagne (DR)
Quảng cáo

Nổi tiếng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn đem về cho nước Pháp 4 tỷ rưỡi euro mỗi năm, ngành champagne do uy tín của sản phẩm, thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở một mức cao, trong khi champagne vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Bằng chứng là trong năm 2010, nước Pháp đã xuất khẩu gần 320 triệu chai champagne sang 196 nước, tăng mạnh nhất  vẫn là Trung Quốc.

Được xem từ lâu như là một trong những biểu tượng của nước Pháp, rượu champagne khác với các lọai rượu vang đỏ hay trắng, ít bị cạnh tranh nhờ bảo hộ được thương hiệu : chỉ có rượu nho trắng sủi bọt sản xuất tại vùng Champagne, miền tây bắc nước Pháp mới xứng đáng với danh hiệu champagne. Các loại rượu nho sủi bọt khác đến từ các vùng miền ở Pháp hay ở nước ngoài một là chế biến theo cùng phương pháp (méthode champenoise) hai là được xếp vào lọai rượu sủi bọt (pétillant hoặc là mousseux).

Để tôn trọng truyền thống, bảo đảm chất lượng và hương vị của sâm banh, nước Pháp ra nhiều quy định nghiêm ngặt về các giống nho hợp với phong thổ của vùng Champagne, phương pháp chế biến, cách chọn giống cây và nuôi trồng, thời gian ủ nho làm rượu cũng như việc cất giữ trong thùng. Để sản xuất champagne, một nhà làm rượu ở vùng này buộc phải tuân thủ hơn 60 quy định khác nhau, để có thể gắn trên chai rượu của mình nhãn hiệu champagne.

Theo Ủy ban bảo trợ ngành Champagne, một cơ chế do chính phủ Pháp thành lập để giám sát nghề sản xuất loại rượu này ở Pháp, ngành chế biến champagne ít bị khủng hoảng tác động hơn so với các ngành nghề khác. Với lượng xuất khẩu hàng năm dao động ở mức từ 300 triệu đến 330 triệu chai, ngành champagne được duy trì nhờ chinh phục được thêm thị trường của nhiều quốc gia đang trỗi dậy, trong đó có các Brazil, Ấn Độ, một số nước Nam Mỹ và nhất là Trung Quốc.

Theo bản báo cáo của ủy ban này, thì Trung Quốc hiện đứng hàng thứ năm trong số các nước nhập khẩu champagne. Mức tiêu thụ của Trung Quốc tăng 89% chỉ trong vòng một năm tức là còn hơn cả rượu nho Bordeaux (+ 85 %) và rượu cognac (+71%). Để so sánh thì mức xuất khẩu champagne của Pháp sang Trung Quốc tăng nhanh hơn gấp bảy lần so với đà xuất khẩu sang toàn khối châu Âu (+11,3 %) và gấp ba lần sang thị trường Anh Mỹ (+28,5 %).

Sau Nhật Bản, Trung Quốc trở thành thị trường đầy tiềm năng đối với nước Pháp. Do các xu hướng tiêu thụ thời nay chủ yếu đi theo đà phát triển của các đô thị lớn, người Trung Quốc ngày càng tiêu thụ nhiều hơn rượu champagne nói riêng, rượu nho nói chung. Một cuộc thăm dò thị trường gần đây cho thấy : đa số người Trung Quốc thích uống champagne thường là giới trẻ, có nghề nghiệp với đồng lương cao, thường đi du lịch hay đã từng xuất ngoại. Đối với thành phần này, champagne ngoài tính chất tiệc tùng lễ hội, còn là một thức uống của những người yêu chuộng cuộc sống về đêm.

Tại Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thâm Khuyến, 80% lượng champagne chủ yếu được bán tại các tụ điểm vui chơi giải trí như quán bar, nhà hàng, hộp đêm, phòng trà, karaoke. Theo lời ông Jean Noel Girard, giám đốc tiếp thị của thương hiệu Champagne Devaux, sở dĩ mức xuất khẩu champagne sang Trung Quốc tăng một cách ngọan mục là vì thị trường này chỉ mới khám phá rượu champagne. Cách đây vài năm, Trung Quốc không hề có mặt trên danh sách các quốc gia nhập khẩu. Giờ đây, Trung Quốc nhảy vọt lên hạng nhì chỉ đứng sau thị trường Nhật Bản.

Nói về châu Á, quốc gia tiêu thụ champagne nhiều nhất vẫn là thị trường Nhật Bản. Nước Nhật đứng đầu các quốc gia châu Á nhập khẩu champagne của Pháp từ vài thập niên nay. Trong vòng 10 năm gần đây, xứ hoa anh đào nhập khoảng 6 triệu chai mỗi năm. Năm kỷ lục là năm 2007, số lượng chai champagne xuất khẩu sang Nhật lên đến gần 7 triệu rưỡi.

Bên cạnh đó, có thị trường Trung Quốc đang tăng lượng nhập khẩu một cách đều đặn. Theo tôi được biết, cách đây hai năm, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 700 ngàn chai mỗi năm. Giờ đây lượng tiêu thụ này đã tăng gấp đôi, lên đến gần 1 triệu rưỡi. Trong những năm sắp tới, Trung Quốc sẽ đuổi kịp Nhật Bản, vì thị trường Nhật đã đạt tới mức cao nhất, trong khi thị trường Trung Quốc thì cứ mỗi năm mỗi tăng.

Trường hợp của Trung Quốc giống như Nhật Bản 20 năm về trước : nếu như bây giờ người Nhật đã xem champagne như là một thức uống khá phổ biến, không nhất thiết phải đợi đến dịp lớn thì mới uống. Người Trung Quốc chủ yếu khui champagne trong những dịp vui chơi tiệc tùng, lễ hội. Tại Trung Quốc, champagne có uy tín của một sản phẩm thượng hạng dành cho giới thượng lưu, và chủ yếu dành cho thành phần giới trẻ có tiền sống ở các đô thị lớn, chứ chưa phải phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội.

Về phần mình, cô Isabelle Mathieu, xuất thân từ một gia đình sản xuất sâm banh từ bốn đời nay. Công ty gia đình cô thuộc vào cỡ trung bình, nên thường kết hợp với nhiều công ty khác thành một tổ hợp sản xuất. Gọi là công ty cỡ trung bình nhưng gia đình cô lại sản xuất 120 ngàn chai champagne mỗi năm, trong đó có đến 80% được dành cho xuất khẩu ra nước ngoài. Cô Isabelle Mathieu cho biết là tùy theo mỗi quốc gia, người dân thường thích tiêu thụ mỗi loại champagne khác nhau :

Rượu champagne của Pháp chủ yếu được chế biến từ ba giống nho khác nhau : chardonnay (nho trắng vỏ xanh), pinot noir và pinot meunier (hai loại nho hồng hay nho trắng vỏ đen). Đối với các loại champagne chế biến từ giống nho pinot noir, thì thức uống này hợp với khẩu vị của người dân các nước phía nam châu Âu, đặc biệt là người Ý hay Tây Ban Nha vì loại champagne này có hương vị đậm đà hơn, uống vào là thấy ngay độ nồng ở đầu môi.

Đổi lại, người dân các nước Bắc Âu thì chuộng các loại champagne chế biến với giống nho trắng chardonnay. Loại champagne này ít đậm mùi hơn, nhưng đổi lại có nhiều hương thơm của hoa quả, trái cây. Người Anh Mỹ cũng thích hơn lọai champagne chế biến với giống nho chardonnay. Theo tôi nghĩ thì đó một phần là do thói quen trong khẩu vị của họ. Tại Mỹ chẳng hạn, các nhà sản xuất rượu nho chủ yếu trồng giống chardonnay, chỉ từ khoảng hai thập niên gần đây, họ mới chuyển qua trồng thêm nhiều giống nho pinot noir.

Về phần người châu Á, thì họ uống cả hai. Trái với các xứ khác, họ thích uống lọai champagne có vị ngọt hơn so với người Tây phương. Điều đó không tùy thuộc vào giống nho, mà vị ngọt ít hay nhiều chủ yếu là do quá trình chế biến rượu champagne. Để tóm tắt thì có thể nói là dân châu Á chuộng các lọai champagne gọi là sec (chai có vị ngọt vừa vừa) và demi-sec (có nghĩa là khá ngọt), trong khi người Tây Âu thích các loại brut (không ngọt mà lại dễ tiêu hóa hơn).

Thời buổi khó khăn, giá sinh hoạt đắt đỏ, các gia đình người Pháp tiết kiệm chi tiêu trên mọi thứ. Vậy thì trên các bữa tiệc cuối năm nay, liệu người Pháp sẽ bớt dọn ra trên bàn các chai champagne. Thực tế cho thấy dường như không phải vậy, vì lượng tiêu thụ champgne nội địa vẫn ở một mức tương đối cao, không tăng mà cũng không giảm. Có thay đổi hay chăng là trong cung cách tiêu thụ, cân nhắc và kén chọn hơn. Anh Jean Michel Tamin chủ nhân của một hiệu bán rượu ở Paris quận 11 cho biết :

Cách đây vài năm, giá của một chai champagne thuộc cỡ ngon trung bình là khỏang 15 euro. Giờ đây khách hàng phải tính khỏang chừng 20 euro cho một chai như vậy. Nhưng không phải vì thế mà người tiêu dùng sẽ chạy đi mua các hiệu champagne rẻ tiền nhất. Người Pháp có thể sẽ vẫn uống champagne mà lại tiết kiệm trên các thức ăn khác hoặc là họ mua ít champagne hơn và uống xen kẻ với các lọai rượu trắng sủi bọt khác như Crément, Vouvray, Clairette de Die hay là Montlouis sur Loire. Cùng với một giá tiền thì nên uống các lọai rượu trắng sủi bọt thượng hạng hơn là uống champagne rẻ tiền, vốn không dễ tiêu hóa.

Nhưng theo kinh nghiệm bán hàng, tôi nghĩ rằng năm nay cững sẽ đắt hàng như những năm trước. Những ngày lễ cuối năm thường là dịp để cho người Pháp quây quần lại với nhau, bên những bữa ăn truyền thống, trong bầu không khí ấm cúng với người thân trong gia đình bay bằng hữu. Do một năm chỉ có một lần, nên nhìn chung, người Pháp có thể sẽ tiết kiệm rất nhiều thứ nhưng vẫn thích uống rượu ngon. Vì lý do đó cho nên, bàn tiệc cuối năm của các gia đình ở Pháp không thể nào mà không có rượu champagne.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.