Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Vesoul 2012 vinh danh Kore-Eda và Trần Anh Hùng

Đăng ngày:

Aruitemo, Aruitemo là một bộ phim hết sức cảm động, và nó là một sự nối dài của dây chuyền nhân loại, là một sự tuần hành của vũ trụ. Còn đối với Trần Anh Hùng, qua tác phẩm Mùa hè chiều thẳng đứng, thời gian như đọng lại trên gương mặt ba chị em Sương, Khanh và Liên. Vesoul giới thiệu toàn bộ tác phẩm của hai đạo diễn này.

Hai đạo diễn Hirokazu Kore-Eda và Trần Anh Hùng (DR)
Hai đạo diễn Hirokazu Kore-Eda và Trần Anh Hùng (DR)
Quảng cáo

Không phải tình cờ mà đạo diễn Nhật Bản, Kore-Eda đã ba lần tham dự liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes. Trong đó đã có tới hai lần phim của ông được chọn để tranh Cành cọ vàng. Đó là tác phẩm « Distance- Khoảng Cách » năm 2001 và « Nobody Knows - Không ai biết » năm 2004.

Cũng không phải tình cờ mà liên hoan phim châu Á lần thứ 18 tại Vesoul dành một phần lớn chương trình để giới thiệu đến công chúng toàn bộ 14 tác phẩm của Kore-Eda và trao tặng ông giải thưởng đặc biệt Xích lô vàng danh dự để vinh danh 18 năm sự nghiệp.

Chiều hôm qua, 17/02/2012,  Kore-Eda đã nhận được những tràng pháo tay rất dài sau khi bộ phim "Aruitemo, Aruitemo" của ông được chiếu trong xuất thứ nhì tại Vesoul. Bộ phim kể lại câu chuyện của một gia đình người Nhật trung lưu sống ở thành phố Yokoama ven biển. Những đứa con từ xa về họp mặt nhân ngày giỗ của người con trai cả, đã qua đời trước đó 15 năm.

Trong một căn nhà khang trang và ấm cúng, bà mẹ già sửa soạn bữa cơm cúng với tất cả tình thương và nỗi đau của người mẹ mất con. Ông bố tóc bạc phơ ít nói, nhưng vết thương gần như chưa khép lại. Mọi vật trong ngôi nhà như không hề thay đổi. Nhưng mỗi con người trong gia đình ấm cúng đó đã đổi thay nhiều theo năm tháng. Bề ngoài phẳng lặng và yên ả thực ra ẩn chứa biết bao nỗi niềm.

Với một cái nhìn ý nhị, duyên dáng, dịu dàng mà cay đắng, Kore- Eda phác họa ra chân dung của một gia đình, như biết bao nhiêu gia đình khác, nơi mà chỉ có tình yêu là sợi dây mãnh liệt cầm chân mỗi thành viên, cho dù là mỗi cá nhân đều mang nặng những uẩn khúc, hiếm có thể nói thành lời.

Kore-Eda Hirozaku trong gần hai mươi năm lăn lộn với nghề luôn đem ống kính soi rọi vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vấn đề kỳ thị của xã hội Nhật Bản (I Just Wanted to be Japanese) đến trường hợp của người Nhật đầu tiên dám nhìn nhận trước công chúng ông là một người đồng tính, và là nạn nhan HIV (August without him). Nhưng có lẽ hai đề tài ám ảnh Kore-Eda hơn cả là cái chết và ký ức. Đây là hai chủ đề ông đã khai thác nhiều lần với những tác phẩm như « However », « Maborosi » « After Life », hay « The Day After ».

"Aruitemo, Aruitemo" là một bộ phim hết sức cảm động và nó là một sự nối dài của dây chuyền nhân loại, là một sự tuần hành của vũ trụ. Còn đối với Trần Anh Hùng, qua tác phẩm « Mùa hè chiều thẳng đứng », thì thời gian như đọng lại trên gương mặt ba chị em Sương, Khanh và Liên.

Trả lời phỏng vấn đài RFI vào chiều hôm qua, đaọ diễn Trần Anh Hùng cho biết cảm nghĩ của ông về liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul cho dù ông chưa có nhiều thời gian để xem các bộ phim khác. Cuối cùng Trần Anh Hùng khiêm tốn cho rằng : còn quá sớm để toàn bộ những tác phẩm của ông được trình chiếu trong một chương trình đặc biệt tại một liên hoan như ở liên hoan Vesoul lần này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.