Vào nội dung chính
VĂN HOÁ - ĐỜI SỐNG

Ngày 29/02 : truyền thống thời xưa, ý nghĩa thời nay

Hôm nay là ngày 29/02 dương lịch. Trong đời sống, cái ngày năm nhuận này trở nên khá đặc biệt vì cứ 4 năm mới diễn ra một lần. Tùy theo góc nhìn, tùy theo văn hóa địa phương, ngày 29/02 thường dự báo cho nhiều điềm lành, nhưng cũng có nơi kỵ ngày này vì nó hàm chứa nhiều điều hung dữ nhiều hơn là cát tường.

Quảng cáo

Trên phương diện đời sống, các thương hiệu lớn mỗi lần có dịp đều chọn ngày 29 tháng hai để phát động các chiến dịch tiếp thị của họ. Bởi vì trong tâm lý của người tiêu dùng, cũng như đối với giới truyền thông, 29 tháng hai là một cái ngày dễ nhớ, điều đó giúp cho các tập đoàn quảng cáo sản phẩm dễ dàng hơn. Chính cũng vì thế mà Ferrari thương hiệu xe đua nổi tiếng của Ý chọn ngày 29 tháng 2 năm nay để tung ra thị trường kiểu xe hơi tối tân nhất là Ferrari F620.

Được xem như là kiểu xe đua mạnh nhất với công suất động cơ trên hơn 700 mã lực. Trong cuộc chạy đua giành lấy thị phần, hiệu xe Ferrari đã khéo léo chọ ngày này để khẳng định nét đặc biệt khác thường của mình so với đối thủ nặng ký là Lamborghini với kiểu xe Aventador, được trình làng nhân kỳ Hội chợ triển lãm xe hơi Genève cuối tháng 2 năm 2011.

Một cách tương tự, không phải ngẫu nhiên mà hai tập đoàn tin học khổng lồ là Apple và Microsoft đều chọn hôm nay để thông tin về các sản phẩm đời mới của họ. Microsoft tung ra phiên bản Windows 8, trong khi Apple hâm nóng cơn sốt của giới hâm mộ bằng cách thông tin nhỏ giọt về màn hình Ipad 3. Đó là trong lãnh vực công nghệ tin học, nhưng bên cạnh đó, nhiều ngành nghề cũng xem ngày 29 tháng 2 là thời điểm lý tưởng để phổ biến thông tin .

Chẳng hạn như ngành y tế chọn ngày này năm nhuận để thu hút sự chú ý của công luận về các căn bệnh hiếm thấy mà lại hiểm nghèo. Trong tiếng Pháp là maladies rares còn trong tiếng Anh là rare disease day. Ngày 29 tháng 2 cũng được rất nhiều công ty may mặc Tây phương chọn để giới thiệu các bộ sưu tập thời trang áo cưới. Dĩ nhiên là trong xã hội Âu Mỹ thời nay, đời người không còn chỉ có một lần, nhưng các công ty thương hiệu đánh vào tâm lý phụ nữ, vốn xem ngày cưới là cái ngày trọng đại trong đời người, dù chỉ một lần hay đã nhiều lần lên xe hoa.

Chuyện vườn hoa nay đã có chủ, đẹp nhất đêm nay trong bộ áo cưới bắt nguồn từ một truyền thống dân gian có từ xa xưa của nền văn hóa celtique. Nếu như ngày 14 tháng 2 là ngày lễ tình yêu Valentine Day, thì ngày 29 tháng 2, theo quan niệm của người Ai Len, là ngày cầu hôn của phái nữ. Theo truyền thống, thì đàn ông phải ngõ lời xin cưới vợ, nhưng ngày 29 tháng 2 là ngày duy nhất mà phụ nữ độc thân có quyền cầu hôn với một người đàn ông, chứ không còn cần trung nhân ngõ ý, tình nhân tỏ lời. Truyền thống này có tại Ai Len từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, liên quan tới truyền thuyết nữ thánh Bridget cầu hôn với thánh Patrick. Sau nhiều thế kỷ, 29 tháng 2 đã trở thành Ngày tỏ tình của phái đẹp, và như vậy phụ nữ có vai trò chủ động hơn trong việc cầu hôn với đấng mày râu.

Theo phong tục có từ lâu đời này, thì người Ai Len cũng như người Anh, thì người đàn ông nếu từ chối phải nộp tiền phạt hay là phải tặng một tấm áo lụa cho người đàn bà cầu hôn với mình. Nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra, vì theo thăm dò gần đây, hơn 90% đàn ông đều nhận lời, với lý do đơn giản là phụ nữ sẽ chẳng bao giờ tỏ ý cầu hôn mà không hề có thăm dò trước ý kiến của đối tượng, hay nắm chắc câu trả lời của người bạn đời.

Văn hóa celtique xem 29 tháng 2 như một ngày tốt, nhưng đối với các dân tộc thuộc các nước phía Nam Địa Trung Hải, thì ngày này lại là một ngày xấu, dữ nhiều hơn lành. Theo truyền thống dân gian, người Hy Lạp, dân đảo Chypre, đảo Crète hay vùng Sicile kỵ chuyện cầu hôn, cưới hỏi ngày 29 tháng hai vì họ quan niệm rằng tình yêu là một điều quan trọng, đáng quý từng ngày, chăt chiu từng giây chứ không thể bốn năm mới ghi nhớ một lần. Sự húy kỵ này có thể bắt nguồn từ mê tín dị đoan có từ thời Hy La cổ đại. Tháng hai tuy có ít ngày nhưng lại là thời khắc xấu trên Địa Trung Hải, đa số các dân tộc thời xưa sống ven biển tránh ra khơi chài lưới vào mùa này.

Một nguồn gốc khác xuất phát từ tập tục của La Mã. Có nhiều phạm nhân, tử tù thọ án tử hình vào tháng 2 dương lịch, cho nên trong dân gian mọi người đều truyền tụng rằng tháng hai là tháng xấu. Bất kể mọi chuyện nếu muốn được may mắn thì không nên tiến hành vào mùa này. Thật ra thì ban đầu, theo quy định dương lịch của người La Mã, tháng lẽ (Ba, Năm, Bảy ...) có 31 ngày và tháng chẳn (Hai, Sáu, Tám...) có 30 ngày, nhưng làm như vậy mỗi năm sẽ có đến 366 ngày. Sau hai lần sửa đổi (dưới thời của hoàng đế César Julius và Augustus), tháng hai do bị xem là tháng xấu cho nên bị trừ bớt hai ngày từ 30 xuống còn 28. Theo chu kỳ năm nhuận, cứ bốn năm người ta lại cho tháng hai, thêm một ngày thứ 29.

Các dân tộc Địa Trung Hải khi có con vào ngày 29 tháng 2 thường chọn ghi trên giấy khai sinh là 1 tháng 3 nhiều hơn là là 28 tháng 2, tức là chọn tháng tốt hơn là tháng xấu. Nếu ghi ngày 29 tháng hai, thì đứa trẻ chỉ ăn mừng đúng ngày sinh nhật 4 năm một lần. Mà 4 năm mới nhận được món quà sinh nhật một lần thì cũng y hệt như chào đời đúng vào ngày Giáng sinh. Người khác được tặng qùa nhiều lần, mình thì chỉ được một lần. Không biết điều này đáng vui hơn là đáng buồn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.