Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Adele, hiện tượng hiếm thấy của làng nhạc quốc tế

Đăng ngày:

Ca sĩ Adele là một hiện tượng hiếm thấy của làng nhạc quốc tế : chỉ với hai tập nhạc mà đã đoạt đến 8 giải Grammy. Trong khi nữ hoàng nhạc pop Madonna phải mất gần 30 năm sự nghiệp mới lập được một thành tích tương tự. Được giới chuyên nghiệp bình chọn làm nghệ sĩ xuất sắc nhất năm 2012, giọng ca Adele ăn khách hơn cả Lady Gaga và Rihanna.

Ca sĩ Adele tại lễ trao giải Grammy 2012 (REUTERS)
Ca sĩ Adele tại lễ trao giải Grammy 2012 (REUTERS)
Quảng cáo

Tên thật là Adele Laurie Blue Adkins, cô sinh ngày 5 tháng 5 năm 1988 tại Tottenham vùng ngoại ô phía bắc Luân Đôn. Thời còn nhỏ, Adele sống một mình với mẹ, sau khi kể cha cô rời bỏ gia đình. Adele bắt đầu ca hát từ năm lên bốn, sáng tác ca khúc đầu tay vào năm 16 tuổi (nhạc phẩm Hometown Glory), mang nhiều ảnh hưởng của các nghệ sĩ pop rock như Jeff Buckley, Gabrielle, The Cure, nhưng thể loại mà cô thích nhất thời niên thiếu vẫn là blues và jazz điển hình qua các giọng ca Peggy Lee và Etta James.

Trước khi khởi đầu sự nghiệp ca hát vào năm 2006, Adele được đào tạo tại trường BRIT School ở Croydon, tức là bạn học cùng lớp với Leona Lewis và cùng trường với Amy Winehouse, Katie Melua. Nhiều ca sĩ người Anh xuất thân từ trường này đều thành danh sau đó, do vậy BRIT School được xem như là một lò đào tạo các tài năng đầy hứa hẹn. Bốn tháng sau khi tốt nghiệp, Adele cho phát hành trực tuyến (trên mạng Myspace) hai sáng tác ưng ý của mình. Các bài hát này lọt vào tai các nhà sản xuất (Nick Huggett và Jonathan Dickins) của hãng đĩa XL Recording.

Adele ký hợp đồng ghi âm đầu tiên vào năm 2006. Đúng một năm sau, cô trình làng album đầu tay mang tựa đề 19 (tháng 10 năm 2007), vì đĩa hát này do Adele ghi âm vào năm 19 tuổi. Chưa đầy một tháng sau tập nhạc này đã chiếm hạng đầu thị trường Anh Quốc, được bán hơn 2 triệu bản trên khắp châu Âu. Trên đà thành công này, công ty XL Recording ký thỏa thuận với hãng đĩa Columbia Records, để phát hành album của Adele trên thị trường Bắc Mỹ.

Cô ca sĩ người Anh tạo được bước đột phá ngoạn mục khi giành lấy hàng loạt giải thưởng âm nhạc Anh Quốc trong năm 2008, nhưng quan trọng hơn nữa là nhân kỳ trao giải thưởng ca nhạc Hoa Kỳ năm 2009, cô đoạt được 2 giải Grammy dành cho ca sĩ nhạc pop và tài năng đầy triển vọng trên tổng số 4 đề cử.

Album thứ nhì của Adele được phát hành vào tháng Giêng năm 2011. Do được ghi âm năm cô 21 tuổi, nên tập nhạc này mang tựa đề đơn giản là 21. Toàn bộ các ca khúc của album thứ nhì được sáng tác trong lúc Adele lưu diễn các tiểu bang miền Nam nước Mỹ.

So với album trước với sắc thái pop jazz, tập nhạc 21 mang đậm thêm ảnh hưởng của nhạc folk và country, nhờ gợi hứng từ dòng nhạc Nashville (vành nôi của country), mà sáng tác của Adele trở nên ít bài bản hơn, có thêm chiều sâu trong khoảnh khắc cảm xúc, ngẫu hứng bất chợt.

Tập nhạc 21 đánh dấu ngày đăng quang của Adele. Album thứ nhì của cô giành lấy ngôi vị quán quân thị trường Anh Mỹ, cũng như trên toàn châu Âu. Với tổng cộng là 16 triệu rưỡi album được bán chạy, Adele trở thành giọng ca ăn khách nhất trong năm 2011, vượt qua mặt các đối thủ nặng ký là Lady Gaga và Rihanna.

Hầu hết các ca khúc trích từ album này như Rolling In The Deep, Someone Like You, Set Fire in The Rain đều chiếm hạng nhất nhì trên thị trường quốc tế, còn trên mạng YouTube, video clip của những bài hát này lọt cùng lúc vào danh sách 10 đoạn phim ca nhạc được truy cập nhiều nhất. Đến giữa tháng hai năm nay, nhân kỳ trao giải Grammy 2012, Adele lại thắng đậm vì được xướng tên đến 6 lần. Với tất cả là 8 giải Grammy chỉ trong vòng 3 năm, Adele thuyết phục công chúng lẫn giới phê bình. Theo bình chọn của giới chuyên nghiệp, Adele dẫn đầu danh sách ‘‘25 trừ 25’’ tức là 25 nghệ sĩ dưới 25 tuổi mà lại có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ.

Sở dĩ giới thanh thiếu niên ngưỡng mộ đến mức tôn sùng Adele, là vì đa số các sáng tác của cô đều nói về tâm trạng hoang mang của lứa tuổi biết yêu, nhưng xa hơn nữa là mặc cảm của những kẻ bị phản bội, bỏ rơi. Kẻ thất tình lúc nào cũng chán đời, ai oán, nhưng trong tiếng hát của Adele, tiềm tàng tiếng vọng não nuột ẩn chứa dư âm nức nở của ký ức tuổi thơ. Sự phản bội của người yêu càng đau đớn nhức nhối vì nó khơi gợi lại những vết gẫy tâm hồn đã có từ xa xưa, từ cái thời mà đứa bé bị người cha bỏ rơi, nên phải sống một mình với mẹ, lớn lên trong mặc cảm thiếu vắng tình người.

Về phong cách âm nhạc, Adele được xếp vào thế hệ thứ ba tiêu biểu cho làn sóng âm nhạc Anh Quốc ‘‘xâm chiếm’’ nước Mỹ (British Musical Invasion). Thế hệ đầu tiên là các nhóm The Beatles và Rolling Stone. Thứ nhì là các ban nhạc rock Oasis và Coldplay. Trong thế hệ thứ ba, Adele thường được so sánh với Amy Winehouse và Duffy. Cả ba đều có vết gẫy khàn đục trong làn hơi và thành danh nhờ phong trào blue eyed soul, hiểu theo nghĩa nhạc soul ban đầu dành cho người da đen, giờ đây cũng là thể loại sở trường của các nghệ sĩ mắt xanh da trắng.

Chất giọng của Adele thuộc vào hàng contralto, làn hơi không hẳn sâu vút đầy đặn, nhưng vô cùng biểu cảm ở những nốt trầm. Khác với Lady Gaga và Rihanna, chuyên dùng công đoạn hậu kỳ để tạo hiệu ứng âm thanh, Adele biết khuất lấp những khuyết điểm bằng lối diễn đạt. Giọng ca này thật sự phát huy với lối hát mộc, cách nhã chữ rất sang, đầy ngẫu hứng jazzy không đều đều và liền điệu, nhịp mạch đôi khi đứt quãng lại trở thành điểm nhấn, làn hơi khàn đục mang hơi hướm của dòng nhạc blue grass nhưng lại cộng hưởng với cách hát Phúc âm (gospel). Giọng ca của Adele nức nở ai oán, nhưng không cường điệu nhờ biết tiết chế dồn nén. Một tiếng gào thét của nội tâm, âm ỉ tiềm tàng như nhúm lửa dưới cơn mưa, không nên lời mà vẫn vang dội. Một lời than thở của linh hồn : Thà mồ côi còn hơn là bị bỏ rơi, thà từ chối còn hơn là phản bội.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.