Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Matisse : Triển lãm tranh đôi tại Paris

Đăng ngày:

Kể từ trung tuần tháng 3 cho đến ngày 18 tháng 6 năm 2012, trung tâm văn hóa Beaubourg tại Paris tổ chức một cuộc triển lãm lớn về Matisse, với 60 tấm tranh và 30 bức phác họa vẽ trong giai đoạn từ 1899 đến 1952, tức là khá tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa người Pháp.

Tranh đôi "Capucines à la Danse" nhân cuộc triển lãm Matisse tại Beaubourg, Paris (REUTERS)
Tranh đôi "Capucines à la Danse" nhân cuộc triển lãm Matisse tại Beaubourg, Paris (REUTERS)
Quảng cáo

Nét độc đáo lần này là thay vì đơn thuần vinh danh cánh chim đầu đàn của trường phái dã thú (fauvisme), Paris lại đối chiếu các tác phẩm của Matisse qua các tấm tranh đôi (paire) và các bức vẽ xếp theo từng bộ (série). Cách đây hai năm, hai viện bảo tàng Orsay và Grand Palais đều có tổ chức triển lãm về Matisse.

Sự khác biệt lần này tại phòng trưng bày của trung tâm Beaubourg là cách sắp đặt song song giúp cho người xem hiểu rõ hơn về khuynh hướng tìm tòi miệt mài của họa sĩ. Về điểm này, cô Claudie Gamond, tác giả của tập sách biên khảo về trường phái dã thú, nhận xét về lối sáng tác của Henri Matisse :

Các nhà nghiên cứu đã bàn rất nhiều về Matisse. Để trình bày một góc độ khác lạ hơn, trung tâm Beaubourg chỉ chọn lựa các bức tranh đôi và các tác phẩm vẽ theo bộ. Lúc sinh tiền, Matisse nổi tiếng là người đi truy tìm sự cân bằng của sắc độ. Trong tranh của ông, lúc nào cũng có một sự nghiên cứu tỉ mỉ, sắp đặt chi tiết, bố cục mạnh bạo. Khách đến xem triển lãm lần này có cảm tưởng là càng miệt mài tìm tòi, Matisse lại càng không vừa ý với các tác phẩm mà ông đang vẽ. Ông có thể lặp đi lặp lại một chi tiết, vẽ nhiều tấm tranh trên cùng một chủ đề nhưng với lối diễn đạt rất khác nhau, từ màu sắc, ánh sáng, góc nhìn cho đến cách sắp đặt chiều sâu.

Chẳng hạn như trong loạt tranh mang tựa đề Người đàn bà khỏa thân ngồi trên ghế (Femme nue dans un fauteuil) hay là các bức vẽ bến sông Seine nhìn từ khung cửa sổ xưởng vẽ (Quai Saint Michel de la Fenêtre de l’Atelier), các tác phẩm thường bổ túc cho nhau, khi thì đối đáp, lúc thì đối chọi. Cũng như Matisse đã từng giải thích trong các bức thư mà ông gửi cho bạn bè, thân hữu : sự lặp đi lặp lại là một cách để nắm bắt thực tế thời gian. Khi nhìn cùng một cảnh vật, cảm xúc của người họa sĩ không bao giờ giống nhau, cho dù khoảng cách thời gian chỉ có vài phút hay dài đến hàng chục năm. Nơi Matisse, người ta tìm thấy cái tài của một người vẽ theo cảm xúc sáng tạo trong khoảnh khắc, ông không phản ánh thực tế theo kiểu sao chép, trong cách sắp đặt ánh sáng và bố cục sắc độ, lại càng không có chuyện tình cờ đẹp mắt.

Trả lời đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, cô Cécile Debray, ủy viên điều hành và trưởng ban tổ chức triển lãm tại Beaubourg, cho biết đâu là những nét đặc trưng của Matisse. Do các tác phẩm trưng bày trải dài trên một giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, cho nên khách viếng thăm có thể thấy những ảnh hưởng đầu đời của danh họa Matisse, cũng như sự phát huy tài năng trong những năm tháng cuối đời :

Ngay từ những năm tháng khởi đầu sự nghiệp hội họa, Matisse là một họa sĩ chuyên về màu sắc. Thời thanh niên ông đam mê các tác phẩm của Paul Signac thuộc phong trào Tân Ấn tượng (néo-impressionnisme), ông bị mê hoặc bởi cách dùng sắc độ của bậc họa sĩ đàn anh (ngoài Paul Signac, còn có Georges Seurat), đã sáng lập ra trường phái chấm màu (pointillisme). Càng về cuối đời, Matisse lại càng dày công nghiên cứu cách diễn đạt bằng sắc độ. Khi vẽ tranh, ông thường dùng màu sắc nguyên sơ mà biểu cảm, tùy theo độ lỏng hay chất sơn đậm đặc, sắc độ của Matisse là một ngôn ngữ hội họa hẳn hoi, có hệ thống chứ không vụn vặt. Vào những năm 1920, Matisse trở thành gương mặt tiên phong của trường phái dã thú, để khẳng định sự khác biệt của mình với cách dùng những vờn sáng tối của trường phái ấn tượng, hoặc là cách diễn đạt theo hình khối của trường phái lập thể. Nét đặc trưng của Matisse nằm ở chỗ cách tân màu sắc triệt để : đường viền dứt khoát mạnh bạo, sắc độ có thể gay gắt trong chi tiết nhưng vẫn không lòe loẹt trong tổng thể.

Cũng theo lời cô Cécile Debray, trưởng ban tổ chức triển lãm tại trung tâm văn hóa Beaubourg, trong số các tác phẩm được trưng bày lần này, có những bức tranh đôi đã được vẽ trong cùng một thời điểm, nhưng bên cạnh đó cũng có những tác phẩm từng được Matisse vẽ đi rồi vẽ lại trong vòng nhiều năm trời :

Cách vẽ tranh từng đôi hay theo từng bộ giúp cho Matisse suy ngẫm về cách sáng tạo của mình. Trong số các bức tranh đôi, có tác phẩm rất nổi tiếng mang tựa đề Nội thất với bồn cá đỏ (L’intérieur aux poissons rouges). Cả hai bức tranh đều được vẽ trong cùng một thời điểm, tức là vào mùa hè năm 1914, nhưng có một biến cố đã vô tình ảnh hưởng đến cách dùng màu của Matisse trong lúc ông đang vẽ tranh. Ngôn ngữ màu sắc là cách để cho họa sĩ Matisse diễn đạt cảm xúc nhưng đồng thời biểu hiện nội tâm.

Trong trường hợp của bộ tranh đôi Nội thất với bồn cá đỏ : một bức đã được vẽ trước khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ : bồn cá cũng như cảnh vật trong nhà được vẽ với gam màu tươi sáng, với cách nhìn của một người mơ mộng yêu đời trong một buổi chiều mùa hạ. Trong bức tranh thứ nhì vẽ trên cùng chủ đề, nhưng sau khi giao tranh xung đột bắt đầu, bồn cá và cảnh vật trong nhà lại có những gam màu u tối hơn. Nét vẽ đường viền cũng trở nên mạnh mẽ, cách sắp đặt các chi tiết cũng co cụm khép kín hơn.

Còn trong bộ tranh mang tựa đề Bình hoa bên cạnh bức vẽ (Capucines à la Danse), các tấm tranh ở đây do Matisse sáng tác theo đơn đặt hàng của một nhà sưu tầm người Nga, cách vẽ của Matisse càng lúc càng tỉ mỉ hơn như thể ông rọi kính vào từng chi tiết theo lối nhìn cận ảnh, sắc độ cũng trở nên đậm đặc nhất là cách dùng gam màu xanh dương. Điều đó dự báo cho những tìm tòi sau đó của Matisse trong lãnh vực trang trí và đồ hoạ.

Nổi tiếng là cánh chim đầu đàn của trường phái dã thú, phong cách sáng tác của Matisse sau đó lại rẽ sang một hướng khác : phong trào fauvisme chỉ thịnh hành trong vòng vài năm. Theo lời cô Cécile Debray, sự nghiệp của Matisse được chia thành nhiều giai đoạn, nhưng mục tiêu mà ông suốt đời đeo đuổi là dùng ngôn ngữ của màu sắc để đi tìm sự thanh thản trong tâm hồn. Giới phê bình cho rằng : các bức họa đầy màu sắc của Matisse lại phản ánh thế giới nội tâm của một người hay bị dằn vặt, ám ảnh.

Danh họa Matisse sinh trưởng trong một gia đình thương gia khá giả ở miền bắc nước Pháp. Viện bảo tàng lưu trữ nhiều tác phẩm Matisse nằm ở vùng Nord Pas de Calais, nguyên quán của ông. Dòng họ Matisse sống nhờ nghề buôn ngũ cốc, nên từ thuở thiếu thời, ông Matisse thường được khuyến khích nối nghiệp gia đình, chứ không ai nghĩ rằng ông lại chọn con đường hội họa.

Trái với các thiên tài hội họa như Monet hay Picasso, ông Matisse không có năng khiếu bẫm sinh mà chỉ phát hiện khả năng nghệ thuật của mình khi ông đã đến tuổi trưởng thành, vào thời ông theo học trường Luật ở Paris. Vào năm 18 tuổi, ông Matisse phải vào bệnh viện để mỗ ruột thừa. Trong lúc còn nằm nhà thương điều trị, ông được thân mẫu tặng cho một hộp bút chì, ông vẽ màu để giết thời gian, để khuây khỏa trong những lúc nhàm chán trước khi được xuất viện.

Trên giường bệnh, ông Matisse mới khám phá con vi trùng hội họa, vì càng vẽ ông càng thích cho dù sau đó niềm đam mê này gây ra nhiều mối bất đồng giữa ông và thân phụ. Quyết định đeo đuổi con đường nghệ thuật khiến cho gia đình ông bị thất vọng, chỉ có người mẹ mới khuyến khích ông là một khi đã chọn lựa rồi thì phải theo đuổi cho tới cùng.

Từ trường Luật nhảy qua Mỹ thuật, ông Matisse bắt đầu học vẽ từ những năm 1891 trở đi. Ông ban đầu học vẽ tranh theo lối cổ điển, sau đó được đào tạo với một trong những bậc thầy là Gustave Morau, người đi đầu trường phái Tượng Trưng (Symbolisme) của Pháp. Do khám phá nghệ thuật hội họa một cách tình cờ ngẫu nhiên : ông Matisse thường hay nói đùa với bạn hữu đồng nghiệp là vì ‘‘tai nạn’’ mà ông trở thành họa sĩ, trong trường hợp của ông thì có thể hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhưng cũng vì thế mà ông Matisse luôn bị ám ảnh bởi một câu hỏi : nếu sáng tạo hội họa là một tài năng thực thụ, vậy thì tại sao năng khiếu này đã không manh nha bộc lộ sớm hơn ? Suốt đời, Matisse đã tự tìm cho mình câu trả lời bằng cách vẽ tranh một cách miệt mài, chăm chỉ và cần mẫn. Khách đi xem tranh của ông chợt hiểu ra rằng : việc lặp đi lặp lại một chi tiết hội họa thoạt nhìn nơi Matisse có vẽ như để trao dồi tay nghề, nhưng chỉ có các tài năng cỡ lớn mới gieo vào lòng người những cảm xúc mạnh đến như vậy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.