Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Helmut Newton nâng ảnh thời trang lên hàng nghệ thuật

Đăng ngày:

Được mệnh danh là thần đồng ngỗ nghịch của làng nhiếp ảnh thời trang, Helmut Newton đã xoá mờ cái ranh giới phân chia khỏa thân nghệ thuật với ảnh chụp khiêu dâm. Trung thành với quan niệm : góc nhìn làm nên tác phẩm, ông có cái tài dựng bố cục để tạo ra nét khác lạ trong những tình huống rất thực và rất thường.

Viện bảo tàng Grand Palais vinh danh Helmut Newton (Reuters)
Viện bảo tàng Grand Palais vinh danh Helmut Newton (Reuters)
Quảng cáo

Kể từ ngày 24 tháng 3 cho đến 17 tháng 6 năm 2012, viện bảo tàng Grand Palais tổ chức cuộc triển lãm của nhà nhiếp ảnh Helmut Newton. Paris đã nhiều lần trưng bày các bức ảnh chụp của ông lúc sinh tiền. Nhưng đây là lần đầu tiên, từ khi ông mất do tai nạn giao thông vào đầu năm 2004, thủ đô Pháp dành một cuộc triển lãm lớn để vinh danh Helmut Newton, một trong những bậc thầy của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Cuộc triển lãm Helmut Newton bao gồm hơn 300 tác phẩm, trong đó có đến 240 tấm ảnh chụp khổ lớn và trung bình, 40 tấm polaroid (khổ nhỏ), cộng thêm hàng chục tờ tuần báo và nguyệt san thời trang nổi tiếng từng đăng ảnh chụp của ông. Đặc biệt hơn nữa là cuộn phim video mang tựa đề Helmut by June, qua đó vợ của tác giả là bà June Newton giải thích về cách làm việc cũng như góc nhìn của nhà nhiếp ảnh. Điều này giúp cho người xem hiểu hơn về khuynh hướng tìm tòi của tác giả và tăng thêm giá trị của cuộc triển lãm lần này, so với các lần trưng bày trước đó tại hai viện bảo tàng nghệ thuật đương đại tại Paris là trung tâm văn hóa Beaubourg và Palais de Tokyo.

Bước vào phòng triển lãm, các tác phẩm ‘‘bắt mắt’’ nhất vẫn là các bức ảnh chụp với kích cỡ cực lớn (photographie monumentale – 2m50 x 1m40), xen kẽ các tấm ảnh chụp của những người mẫu khỏa thân với các bức chân dung của những nhân vật nổi tiếng như các nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent hay Karl Lagerfeld, các ngôi sao màn bạc Catherine Deneuve hay Brigitte Bardot, các danh họa Salvador Dali và Andy Warhol, các thần tượng nhạc rock David Bowie hay Mick Jagger.

Đa số các tác phẩm của Helmut Newton được trưng bày lần này là ảnh chụp trắng đen, lại càng nổi bật hơn khi được treo tường với phong nền màu xanh hạt điều, xanh xám tro và tím hoa cà. Còn trong các tấm ảnh màu, đẹp nhất vẫn là các bức cận ảnh, nhất là khi ông chụp bàn chân phụ nữ đi giầy cao gót, dùng một chi tiết rất nhỏ để nói lên sức quyến rũ mãnh liệt, vẻ đẹp mê hồn của người đàn bà, không cần khỏa thân trực diện mà vẫn tràn đầy dục vọng, táo bạo triệt để nhờ gợi ý hơn là phơi bày lộ liễu.

Sinh trưởng trong một gia đình mà bố là người Đức, mẹ là người Mỹ, ông Helmut Newton cùng với song thân di cư sang Úc. Đến Paris lập nghiệp vào năm 21 tuổi, ông thành danh nhanh chóng nhờ làm việc cho các tạp chí thời trang, đặc biệt cho ấn bản tiếng Pháp của tuần báo Vogue Magazine. Được Được mệnh danh là thần đồng ngỗ nghịch của làng nhiếp ảnh thời trang, Helmut Newton đã xoá mờ cái ranh giới phân chia khỏa thân nghệ thuật với ảnh chụp khiêu dâm. Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp đài RFI, ông Jérôme Neutres, ủy viên đặc trách cuộc triển lãm cho biết người ta thường gọi Helmut Newton là một nhà nhiếp ảnh thời trang, nhưng cách định nghĩa này lại quá hạn hẹp :

Helmut Newton khởi đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của mình bằng cách làm việc theo đơn đặt hàng của các tạp chí thời trang. Tuy nhiên, nhờ có quan điểm cá nhân mà ông đã thoát ra khỏi khuôn khổ cứng ngắc, vượt lên trên những ràng buộc áp đặt của nhiếp ảnh thời trang. Lúc sinh tiền, ông quan niệm rằng một bức ảnh thời trang phải thể hiện góc nhìn của nhà nhiếp ảnh về thế giới này, chứ không thể đơn thuần chụp một người mẫu khoe bộ trang phục. Nói cách khác, quan điểm của tác giả làm nên chủ đề bức ảnh chụp, chứ không phải là sao chép thực tế, bằng cách bấm máy thu hình vào ống kính.

Điều đó tạo ra một cảm giác rất lạ là khi ta ngắm nhìn các bức ảnh của Helmut Newton, ta không có cảm tưởng là ông chụp những người mẫu đứng trước phong nền một màu, ngược lại trong mỗi tấm ảnh thường có một sự dàn dựng khá công phu, chi tiết để tái tạo không gian và thế giới của ngành thời trang. Vào đầu những năm 1960, ông là một trong những gương mặt tiên phong trong việc tạo dựng bố cục, chụp người mẫu không phải là trong studio nhiếp ảnh, mà lại chụp ở ngoài trời. Bối cảnh thì rất thực, nhưng lại có nhiều yếu tố, tình huống táo bạo làm nảy sinh nơi người xem sự ngạc nhiên, bất ngờ.

Để minh họa cho ý tưởng này, ban tổ chức triển lãm đã chọn một tấm ảnh khá nổi tiếng của Helmut Newton chụp tại Paris vào năm 1975. Bức ảnh cho thấy một người đàn bà mặc một bộ âu phục của Yves Saint Laurent. Đầu tóc chải mượt như đàn ông, tay cầm điếu thuốc lá nhưng chân lại đi giầy cao gót. Theo lời ông Jérôme Neutres, cách chụp này tạo nên tính hiếu kỳ nơi người xem.

Helmut Newton đã tìm thấy nơi Paris một khung cảnh lý tưởng để phát huy những ý tưởng của mình. Các kiểu áo của các nhà thiết kế trứ danh thể hiện cho thời trang hạng sang của Pháp (haute couture), nhưng thay vì kết hợp nét lộng lẫy hào nhoáng của thời trang với các di tích thắng cảnh nổi tiếng của Paris, nhà nhiếp ảnh lại chụp người mẫu sang trọng trong một bối cảnh hết sức đời thường. Bức ảnh chủ đề của cuộc triển lãm đã được chụp tại con đường Aubriot ở Paris quận tư, nơi mà hai vợ chồng Helmut Newton dọn về sinh sống trong vòng 15 năm. Helmut Newton giải thích sau đó là ông thích tìm nơi Paris những nét gần giống với thành phố Berlin, nơi mà ông đã từng lớn lên, chứ không phải là hình tượng của Paris đẹp như tranh hay chụp hình giống như bưu thiếp. Nhưng cũng từ nét tương phản này, mà nhà nhiếp ảnh lại tạo ra được sự khác lạ, bất ngờ.

Lúc đầu các tạp chí thời trang như Elle, Marie Claire và Vogue không tán đồng cách chụp hình của ông, bởi vì quan điểm của nhà nhiếp ảnh khiến cho các tấm ảnh chụp không giống như ảnh chụp thời trang mà độc giả thường thấy. Nhưng sau đó, các tờ báo này chợt hiểu ra rằng : chính những yếu tố khác thường ấy mới làm nên tính độc đáo, nét riêng biệt của một tạp chí. Bằng không, tất cả các tuần báo chuyên về thời trang sẽ hoàn toàn giống hệt nhau, chỉ có cái tựa là mới thay đổi. Từ cuối những năm 1960 trở đi, các tờ báo này dù là đặt hàng nhưng vẫn để cho Helmut Newton toàn quyền quyết định sau khi ông thực hiện loạt ảnh chụp táo bạo với những người mẫu da đen đầu tiên trong bộ sưu tập thời trang của nhà may Courrèges

Nổi danh nhờ nhiếp ảnh thời trang, ông Helmut Newton còn được biết đến nhờ nghệ thuật chụp ảnh khoả thân, khai thác bối cảnh và bố cục để gợi lên một số ý tưởng táo bạo. Có một điều rất lạ là một số bức ảnh chụp của ông tuy trực diện nhưng không thô tục, sống sượng. Ông Jérôme Neutres, ủy viên đặc trách cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Grand Palais giải thích vì sao :

Helmut Newton là người đầu tiên từ năm 1980 khi ông bắt đầu chụp hàng loạt ảnh phụ nữ khỏa thân, thường chụp toàn thân tức là chụp nguyên hình đối tượng từ đầu đến chân trong tư thế đứng thẳng. Các hình chụp cũng thường được in trong khổ cực lớn, chiều dọc khoảng chừng hai thước rưỡi. Trong làng nhiếp ảnh, chỉ có hai người dùng phương pháp này là ông Helmut Newton và nhà nhiếp ảnh Richard Avedon. Dĩ nhiên là vào thời đó, các bức ảnh này đã gây nhiều tranh luận. Nhưng 30 năm sau, khi ta nhìn lại các tấm ảnh với khổ cực lớn này, ta nhận thấy là các bức khỏa thân do ông chụp thường giống như những pho tượng. Các bức ảnh chụp ở đây tựa như những trang giấy trắng, nơi mà những khán giả sẽ in lên đó những cảm giác rất khác biệt của họ.

Theo tôi, ảnh chụp khoả thân của Helmut Newton không thuộc vào hàng hình ảnh khiêu dâm, bởi vì nó có một khoảng cách giữa tác giả bức ảnh chụp và đối tượng. Ảnh chụp của Helmut Newton thường có một góc nhìn khôi hài, hóm hỉnh. Ảnh của ông cũng thường có những ngụ ý, chủ đích như thể ông chất vấn người đang đứng xem ảnh : đối tượng trong hình chụp hết sức thản nhiên, nhưng người xem sẽ có phản ứng, có thể thích hay không thích nhưng khó mà dửng dưng thờ ơ.

Hình chụp chân dung, nhiếp ảnh thời trang hay các tấm khoả thân, tác phẩm của Helmut Newton giống như một cuộc đối thoại giữa tác giả với người xem ảnh, nhiều hơn là giữa tác giả với đối tượng mà ông đang chụp. Nơi Helmut Newton, trung thành với ý tưởng : quan điểm làm nên tác phẩm, việc nắm bắt ‘‘vẻ đẹp’’ chỉ là một phần, cảm xúc bất chợt nảy sinh trong khoảnh khắc mới thật sự là quan trọng. Nhà nhiếp ảnh này đã tạo dựng ra một phong cách riêng biệt mà giờ đây giới chuyên ngành gọi là thẩm mỹ ‘‘porno chic’’, hàm ý một sự khơi gợi dục vọng nhưng không rẻ tiền. 30 năm sau, hầu hết các tạp chí thời trang, các bộ phim video clip và thậm chí một số tên tuổi của nghệ thuật thứ 7 đều ít nhiều sao chép, bắt chước.

Ngoài cách dùng bố cục tài tình để tạo ra những yếu tố khác lạ trong những bối cảnh rất thực và rất thường, Helmut Newton thường dùng ánh sáng tự nhiên để chụp hình người mẫu, và như vậy phá vỡ khuôn thước của thể loại này. Chính ở chỗ xóa bỏ ranh giới, đẩy lùi khuôn khổ, đạp đổ hạn chế mà Helmut Newton đạt đến một tầm mức tư tưởng cao hơn, nâng ảnh chụp thời trang lên hàng nghệ thuật. Đa số các tác phẩm của Helmut Newton thường là ảnh chụp trắng đen, nhưng các chủ đề mà ông đề cập tới như tiền tài, danh vọng, tình dục hay quyền lực không bao giờ toàn một màu trắng hoặc nguyên một sắc đen.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.