Vào nội dung chính
LỊCH SỬ

Khảo cổ học về người nô lệ thời thực dân : Hội thảo quốc tế tại Paris

Từ ngày thứ Tư 09/05 đến ngày 11/05/2012, tại bảo tàng Quai Brandly (Paris) sẽ diễn ra một hội thảo khảo cổ học quốc tế về chế độ nô lệ thời thực dân, với 27 học giả từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Các nghiên cứu khảo cổ mới đây cho thấy, tại đảo Réunion, trên một thung lũng ở độ cao 2.000 mét, chỉ có thể đến được bằng trực thăng hoặc bằng các phương tiện leo núi đặc biệt, vào đầu thế kỷ XIX, đã từng có rất nhiều người nô lệ bỏ trốn sinh sống.

Tượng đài Marron - người nô lệ nổi dậy - trước cửa dinh tổng thống Haiti (ảnh chụp năm 2005) (DR)
Tượng đài Marron - người nô lệ nổi dậy - trước cửa dinh tổng thống Haiti (ảnh chụp năm 2005) (DR)
Quảng cáo

Lâu nay, hiểu biết lịch sử về thời kỳ nô lệ chỉ dựa trên các tài liệu viết, thường là sản phẩm của giới chủ, dù rất quý giá, nhưng không tránh khỏi sự phiến diện và cái nhìn thiên vị. Sự phát triển môn khảo cổ học về nô lệ thời thực dân trong thời gian rất gần đây, mang lại một cái nhìn bổ sung.

Tại cuộc hội thảo quốc tế về khảo cổ học thời nô lệ thực dân ở Paris này, các nghiên cứu mới nhất từ Mỹ, Cuba, Jamaica, Haiti, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, đảo Réunion, đảo Maurice, … sẽ được trình bày. Thời điểm hội thảo trùng với ngày 10/05, ngày kỷ niệm lần thứ 7 ở Pháp đối với ký ức về thời nô lệ và việc hủy bỏ chế độ nô lệ.

Khác với các nước như Mỹ và Brazil, nơi chế độ nô lệ từng nằm ở trung tâm đất nước, đối với Pháp, chế độ nô lệ được duy trì ở phần ngoại vi, nằm ở các vùng đất rất xa với chính quốc, nên những ký ức về thời kỳ này thường dễ bị chôn vùi.

Từ khởi đầu chế độ nô lệ vào cuối thế kỷ XVII, cho đến năm 1848, hàng nghìn người nô lệ đã bỏ trốn để đi tìm tự do. Cho đến nay, các thông tin về cuộc sống của những người chạy trốn, chủ yếu đến từ những người săn bắt họ. Theo đó, những người bỏ trốn thường sống thành từng nhóm nhỏ khoảng mươi gia đình với một trưởng nhóm. Sống bằng ngô, khoai, đậu trồng được, và săn bắn thú rừng, những người bỏ trốn còn biết đúc đạn hay gò các dụng cụ làm bếp.

Những nghiên cứu khảo cổ mới đây cho thấy, trước khi chế độ nô lệ bị hủy bỏ hoàn toàn vào năm 1848, tại đảo Réunion (thuộc Pháp) – nằm trên Ấn Độ Dương, trên một thung lũng hết sức hiểm trở nằm ở độ cao 2.000 mét, đã từng có rất nhiều người « marron » (từ ngữ riêng để chỉ những người nô lệ bỏ trốn khỏi các đồn điền duyên hải) sinh sống.

Qua những gì ít ỏi biết được qua các đào bới khảo cổ, các nhà khoa học tham gia vào cuộc tìm kiếm này nhận xét, những người bỏ trốn khỏi các đồn điền đã chấp nhận sống trong các hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Họ đã chấp nhận trả giá rất đắt, để đổi lấy việc làm người tự do, bên cạnh việc những người nô lệ bỏ trốn có nguy cơ bị trừng phạt rất tàn khốc nếu bị bắt trở lại.

Năm 1860, ít năm sau khi chế độ nô lệ bị hủy bỏ trên toàn đế chế Pháp, toàn bộ các tài liệu lưu trữ liên quan đến giai đoạn này đã bị xóa bỏ. Còn câu hỏi về số phận của 62.000 người nô lệ, sau khi chế độ nô lệ chấm dứt vào năm 1848, hiện tại vẫn chưa có câu trả lời.

Năm 2007, cơn bão Gamède đã làm lộ ra một nghĩa trang của người nô lệ xưa. Các nghiên cứu khoa học về phần xương cốt còn lại của người nô lệ xưa được rất nhiều người quan tâm. Theo một nhà khảo cổ, dân cư trên đảo Réunion mong muốn vượt qua những chấn thương tinh thần trong quá khứ. Họ sẵn sàng đảm nhận việc mình là hậu duệ của cả người nô lệ và các chủ nô.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.