Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Làng nhạc disco đánh mất nữ hoàng Donna Summer

Đăng ngày:

Dòng nhạc kích động vừa đánh mất một nữ hoàng. Chưa đầy ba tháng sau ngày ra đi của Whitney Houston, lại đến phiên một thần tượng khác của làng nhạc quốc tế đột ngột từ trần. Hôm 17/05/2012 vừa qua, Donna Summer còn được mệnh danh là nữ hoàng disco, đã qua đời ở tuổi 63 tại bang Florida vì bệnh ung thư phổi.

Donna Summer trong kỳ thu âm bài hát From Paris with Love (DR)
Donna Summer trong kỳ thu âm bài hát From Paris with Love (DR)
Quảng cáo

Lần cuối Donna Summer trình diễn trực tiếp trước công chúng là tại thủ đô Paris, nơi mà cô phát hành đĩa nhạc cuối cùng mang tựa đề From Paris with Love vào năm 2010. Tuy lúc đó đã ngoài 60 tuổi, nhưng Donna Summer vẫn giữ phong độ của một người chuyên hát nhạc kích động, với phong cách vũ bão mà khiêu gợi như Tina Turner. Chất giọng mezzo soprano của Donna không khàn đục bằng bậc đàn chị, nhưng cô lại có lối hát chẻ giọng óc khá đặc biệt, xen kẽ những đoạn thở mạnh với những lời mơn trớn thì thầm. Đó lại cái dấu ấn riêng biệt mà cô đã tạo cho mình, để không giống như rất nhiều ca sĩ da màu nổi danh vào những năm 1970.

Tên thật là LaDonna Andrea Gaines, cô sinh ra vào cuối năm 1948 tại thành phố Boston trong một gia đình có bảy người con. Từ năm lên 10, cô bắt đầu đi hát ở nhà thờ và là giọng hát chính của dàn đồng ca. Thời còn nhỏ, Donna rất ngưỡng mộ giọng ca của Mahalia Jackson trong cách thể hiện dòng nhạc Phúc Âm (gospel). Năm 18 tuổi, cô bỏ học để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, tham gia vào một ban nhạc rock và thường đi diễn với nhóm trong các quán nhạc ở Boston và New York.

Chính tại sân khấu Broadway của Manhattan, Donna tham gia vào các cuộc thi hát thử để tuyển diễn viên cho vở ca nhạc kịch Hair (Tóc Dài). Tuy không được chọn để đóng vai chính trên sân khấu New York, nhưng Donna lại giành được một vai trong đoàn kịch nhân vòng lưu diễn châu Âu. Trong vòng ba năm đầu từ năm 1968 đến 1971, cô rèn luyện giọng ca của mình trên sàn diễn và bắt đầu ghi âm đĩa hát với tên thật là Donna Gaines.

Hầu hết các đĩa nhạc mà cô ra mắt trong thời gian này đều gặp thất bại. Mãi đến năm 1974, sau khi vừa lập gia đình với một họa sĩ người Áo (Dieter Sommers), cô trả lời một tin rao vặt đăng trên báo đang tuyển ca sĩ hát phụ họa cho một ban nhạc. Khi gặp mặt nhà sản xuất kiêm tác giả Giorgio Moroder (sau này rất nổi tiếng với nhạc chủ đề của bộ phim Midnight Express 1978), cô chọn tên của chồng làm nghệ danh : Donna Gaines trở thành Donna Summer nhưng với cách viết theo phiên âm tiếng Anh, thay vì tiếng Đức (Donna Sommers).

Nhờ vào hợp đồng ghi âm mới, Donna Summer cho ra mắt album đầu tay phát hành vào năm 1974. Nhóm sáng tác của Moroder soạn một album mang tựa đề Lady of the Night vừa tầm với giọng hát của cô, nhưng vẫn không thành công. Kể từ album thứ hai trở đi (Love to Love you Baby 1975), sự nghiệp của cô ca sĩ da màu mới thật sự cất cánh. Donna Summer thay đổi cung cách, từ chất giọng trung trầm chuyển sang cách hát giọng óc, các bản nhạc thường được phối với nhạc cụ điện tử.

Do việc ghi âm trên album bằng đĩa nhựa (33 vòng) bị hạn chế thời gian, cho nên các bài hát khi được phát hành dưới dạng đĩa đơn, phiên bản thường được hoà âm lại (remixed), kéo dài và tăng thêm thời lượng (extended version). Vào lúc mà dòng nhạc disco đang trở nên cực thịnh tại Âu Mỹ, các hộp đêm vũ trường nở rộ ở khắp nơi, tiêu biểu nhất là Studio 54 ở thành phố New York (1977-1986), Donna Summer nhanh chóng trở thành gương mặt tiêu biểu của những ca khúc dành cho giới yêu chuộng sàn nhảy. Một nữ hoàng của màn đêm, của muôn ánh đèn màu lấp lánh phản chiếu dưới quả cầu bạc.

Cùng với nhóm sáng tác Moroder, giọng ca của Donna Summer ăn khách trong hơn 8 năm liên tục, khởi xướng phong trào EuroDisco. Hầu hết các bản nhạc do cô ghi âm trong giai đoạn này đều chiếm hạng cao trên thị trường đĩa nhựa. Điển hình nhất là các ca khúc I Feel Love, Last Dance, Could It Be Magic (nguyên tác của Barry Manilow), On The Radio hay là Bad Girls.

Giai đoạn huy hoàng nhất của Donna Summer là những năm 1978-1980 (cuối thập niên 70), thời mà cô đoạt 5 giải Grammy, trong đó có giải dành cho giọng ca nữ và ca khúc xuất sắc nhất. Vào lúc mà ban nhạc Bee Gees thành công với album chủ đề của bộ phim Saturday Night Fever (Stayin' Alive và How Deep is Your Love) với diễn viên John Travolta trong vai chính, thì Donna Summer đoạt 3 giải Grammy, Oscar và Quả cầu vàng dành cho nhạc phẩm Last Dance (Điệu Vũ Cuối Cùng) ca khúc chủ đề của bộ phim Thank God, It’s Friday.

Từ đầu những năm 1980 trở đi, Donna Summer ngưng hợp tác với nhóm sang tác Moroder, để ký hợp đồng ghi âm với nhà sản xuất David Geffen. Tuy nhiên, sự nghiệp của cô lại bắt đầu đi xuống. Ngoại trừ album mang tựa đề She works Hard for the Money phát hành vào năm 1983, hầu hết những tập nhạc ghi âm trong thập niên này đều không ăn khách nhiều như trước.

Vầng hào quang của Donna Summer bắt đầu lu mờ vì nhiều nguyên nhân : bất đồng nội bộ giữa cô ca sĩ và nhà sản xuất mới, Donna Summer cũng không chọn đúng hướng đi khi chuyển qua hát nhạc pop rock và nhất là nữ hoàng disco đã không nắm bắt kịp thời thị hiếu của giới yêu nhạc. Sự trỗi dậy của đài truyền hình MTV, đánh dấu ngày đăng quang của Michael Jacksson và Madonna, chuyên dùng hình ảnh video clip và vũ đạo thuần thục để chuyển tải điệu nhạc, trong khi Donna Summer vẫn không đổi mới được hình ảnh và phong cách.

Theo tạp chí Billboard, Donna Summer đứng hạng thứ 8 trong số các giọng ca nữ thành công nhất mọi thời đại. Lúc sinh tiền, cô đã ghi âm 16 album và bán được hơn 130 triệu đĩa trên thế giới. Do là gương mặt tiên phong của dòng nhạc kích động, cho nên Donna Summer đã ảnh hưởng khá nhiều đến các phong trào nhạc nhảy (dance music) của các thập niên sau đó, hóa thân biến tấu và gợi hứng từ dòng nhạc disco. Vào cuối tuần này, hẳn chắc là rất nhiều hộp đêm trên thế giới sẽ phát lại nhạc phẩm Last Dance, tiễn đưa nữ hoàng mùa hạ Donna Summer về chốn yên nghỉ, nơi mà khung trời vẫn còn mông lung trong dư âm Điệu Vũ Cuối Cùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.