Vào nội dung chính
MỸ PHẨM

Nước hoa J’adore soán ngôi bá chủ của Chanel số 5

Một tỷ rưỡi đô la hàng năm. Đó là doanh thu của ngành chế biến nước hoa tại Pháp. Một ngành công nghiệp mũi nhọn, với lượng tiêu thụ trên thị trường nội địa khá cao, và lượng xuất khẩu sang nước ngoài dồi dào. Năm 2012, lần đầu tiên kiểu chai J’adore của thương hiệu Dior trở thành mùi hương bán chạy nhất thế giới.

Quảng cáo

Nước hoa J’adore của Dior là một mùi hương dành cho phái nữ. Được tung ra thị trường cách đây hơn 10 năm (nói cho chính xác là vào năm 1999), mùi hương này tính đến nay gồm ba kiểu chai. Thông dụng nhất là J’adore, nhẹ mùi hơn có J’adore l’Eau, đậm đà hơn nữa thì có J’adore l’Absolu. Một cái tên gọi rất Pháp, nhưng vẫn có từ tương xứng trong tiếng Anh. Chữ Adore đọc theo cách nào đi chăng nữa vẫn thể hiện cho một niềm Say Mê, lúc thì thoang thoảng nhẹ nhàng, khi thì tuyệt đối miên man đến mức phải tôn thờ, sùng bái.

Trong số các kiểu nước hoa của Pháp, J’adore là mùi hương đậm chất Đông phương hơn cả : bởi vì hầu hết các hương liệu ở đây đến từ các loài hoa thơm xứ nóng, các giống thảo mộc vùng nhiệt đới. Thành phần nguyên liệu của J’adore bao gồm mùi hương của hoàng lan đến từ Đông Nam Á (canaga odorata), hoa hồng Thổ Nhĩ Kỳ (rosa damascena), hoa lài bán đảo Ả Rập (jasminum sambac), hoa bưởi Ai Cập (citrus aurantium), mùi vani của đảo Tahiti và hương gỗ tếch của Brazil (dipteryx odorata).

Nghệ thuật chế tạo nước hoa của Pháp thường dùng ngôn ngữ của âm nhạc để diễn đạt một mùi hương qua những nốt trầm hay nốt bỗng. Chính cũng vì J’adore phảng phất nhiều hơi hướm Đông phương mà ngay từ đầu kiểu nước hoa này rất ăn khách tại Trung Đông và các nước vùng vịnh Ba Tư, vốn có truyền thống dùng các kiểu nước hoa đậm mùi hơn người Tây phương.

Từ khi phát hành J’adore trên thị trường mỹ phẩm, thương hiệu thời trang Dior đã ráo riết cạnh tranh với hai đối thủ đáng gờm là Chanel và Mugler. Ngân sách quảng cáo của Dior tăng đều đặn 7% mỗi năm, trong khi Chanel vẫn dẫm chân tại chỗ. Cũng cần biết rằng kể từ 90 năm qua, từ năm 1921 đến 2011, mùi hương ăn khách nhất vẫn là nước hoa số 5 của Chanel, trong khi ở hạng nhì J’adore của Dior luôn đối đầu với nước hoa Angel của Thierry Mugler.

Vào năm 2005, thương hiệu Dior thực hiện được cú đột phá ngoạn mục khi ký hợp đồng độc quyền với ngôi sao màn bạc người Nam Phi Charlize Theron. Hầu hết các bộ phim quảng cáo với Charlize Theron như người mẫu đều nhấn mạnh đến khía cạnh kích thích dục vọng của mùi hương này. Một khi đã xức vào thì không còn gì có thể kềm chế được nổi khao khát ái tình, chăn gối của người đàn bà : cảnh quay cực nóng, đường cong nẩy lửa.

Chính với thông điệp táo bạo này mà thương hiệu Dior đã lật ngược thế cờ, soán ngôi bá chủ của hiệu thời trang Chanel trong hàng chục năm qua để rồi chiếm lấy hạng nhất trên thị trường mỹ phẩm thế giới. Nhưng trong cuộc đọ sức tranh tài trên tột đỉnh, nước hoa số 5 của Chanel đang chuẩn bị phản công để giành lại ngôi vị số 1. Nước hoa J’adore của Dior chỉ mới ghi được một bàn thắng, chứ ván cờ chung cuộc vẫn chưa ngã ngũ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.