Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Phong trào nhạc trẻ 1960 : Vở ca nhạc kịch đầu tiên

Đăng ngày:

Trong chương trình này, Góc vườn Âm nhạc đài RFI đưa qúy thính giả và các bạn trở về với thời kỳ huy hoàng của những năm 1960. Nhân dịp lần đầu tiên có một vở ca nhạc kịch Pháp gắn liền với chủ đề này, RFI mời các bạn nghe lại hàng chục ca khúc vang bóng một thời, tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, nối lại thành nhiều liên khúc.

Đoàn diễn viên Salut les Copains, phong cách gợi hứng từ Glee
Đoàn diễn viên Salut les Copains, phong cách gợi hứng từ Glee (DR)
Quảng cáo

Vào mùa thu năm 2012, một vở ca nhạc kịch nói về phong trào nhạc trẻ những năm 1960 sẽ ra mắt khán giả Pháp. Nếu như répertoire của thập niên 1960 thường được hát đi hát lại dưới dạng chuyển thể hay phá cách, tiêu biểu nhất là các nhạc phẩm của Françoise Hardy, thì bù lại đây là lần đầu tiên một vở ca nhạc kịch chẳng những nói riêng về thời kỳ này mà còn thể hiện các ca khúc gần sát với nguyên tác.

Cách đây đúng nửa thế kỷ, vào tháng 8 năm 1962, một nguyệt san tên là Salut les Copains (có nghĩa là Thân chào các bạn do Daniel Filipacchi sáng lập) ra mắt độc giả trẻ tuổi ở Pháp. Tờ báo này được phát hành song song với chương trình phát thanh cùng tên, chuyên thông tin về các thần tượng ca nhạc mà giới trẻ thời bấy giờ hằng yêu thích.

Với khoảng cách thời gian, có thể nói rằng tờ báo này tuy gọi là thông tin nhưng thật ra là một hình thức quảng cáo để hỗ trợ cho việc bán đĩa nhựa. Cũng nhờ vào tờ báo và chương trình phát thanh, mà rất nhiều ca sĩ thời đó như Sylvie Vartan, France Gall, Françoise Hardy, Johnny Hallyday, Christophe, Hervé Vilard, Claude François, Eddy Mitchell, Richard Anthony được nâng lên hàng thần tượng.

Từ một câu chào hỏi mở đầu chương trình trên làn sóng phát thanh, Salut les Copains đã trở thành biểu tượng của một thế hệ. Vì thế cho nên, vở ca nhạc kịch nói về những năm 1960, đã chọn cái tên này làm tựa đề. Một cách tượng trưng, các ca khúc chính của vở kịch sẽ được chính thức giới thiệu vào tháng 8, tức là trùng hợp với ngày phát hành số báo đầu tiên của Salut les Copains, cách đây vừa đúng 50 năm. Nhưng mãi đến ngày 18 tháng 10, album mới được cho ra mắt cùng lúc với đêm diễn đầu tiên của vở ca nhạc kịch tại nhà hát Folies Bergères.

Nhạc phẩm Laisse tomber les filles là ca khúc trích đoạn đầu tiên của vở ca nhạc kịch Salut les Copains. Trong nguyên tác, bài này do nhạc sĩ Serge Gainsbourg sáng tác cho cô búp bê tóc vàng France Gall vào năm 1964. Cũng nhờ vào sự hợp tác này, mà France Gall đoạt giải thưởng ca nhạc truyền hình châu Âu Eurovision (với nhạc phẩm Poupée de cire, poupée de son) đúng một năm sau đó.

Trong phiên bản mới, bài Laisse tomber les filles do ba giọng ca nữ cùng thể hiện (Anaïs Delva, Fanny Fourquez và Marie Facundo). Cũng như vở ca nhạc kịch trước đây kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nam danh ca quá cố Joe Dassin, các nhà sản xuất kiêm đạo diễn Stéphane Jarny et Pascal Forneri, ngay từ đầu chọn lối thể hiện đồng ca nhiều hơn là độc diễn, nói cách khác đề cao diễn xuất của cả nhóm thay vì của một cá nhân.

Vở ca nhạc kịch Salut les Copains quy tụ 16 diễn viên (8 ca sĩ và 8 diễn viên múa) trên sân khấu, phần lớn là những tên tuổi mới xuất hiện, trong đó có một số đã từng biểu diễn trong các vở ca nhạc kịch, hay đã từng tham gia các cuộc thi tiếng hát truyền hình Trên sàn diễn, 16 nghệ sĩ trẻ tuổi lần lượt thay phiên nhau để trình bày các ca khúc nổi tiếng những năm 1960.

Do số lượng nhạc phẩm ăn khách vào thời này khá cao, cho nên việc chọn lựa các bài tiêu biểu nhất chẳng những không dễ dàng mà còn bị ràng buộc bởi vấn đề tác quyền. Dựa trên một danh sách bao gồm hơn 200 bài, đoàn kịch chọn ra khoảng 50 ca khúc, xen kẽ tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, và không phải chỉ có những bản nhạc tình nhẹ nhàng trẻ trung, mà còn là những ca khúc nhanh nhẹn sôi động, vì những năm 1960 còn là thời kỳ vàng son của nhạc rock và twist.

Vở ca nhạc kịch Salut les Copains đánh đấu 50 năm ngày khởi xướng phong trào nhạc trẻ tại Pháp (còn được gọi là phong trào yé yé). Nhưng không chỉ riêng gì ở Pháp, mà làng nhạc Anh Mỹ cũng đang ngược dòng ký ức để tìm lại quá khứ vàng son của 50 năm về trước. Năm 1962 được xem là một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhạc rock, bởi vì có đến ba ban nhạc huyền thoại là The Beatles, The Beach Boys và the Rolling Stones ra đời hầu như vào cùng một thời điểm. Sự đóng góp của ba ban nhạc này, mỗi nhóm một vẻ, đã thay đổi cục diện của làng nhạc rock một cách sâu rộng.

Không phải ngẫu nhiên mà nam danh ca Claude François trong nhạc phẩm Cette année là nhắc đến năm 1962 như là một thời điểm trọng đại, đáng ghi nhớ mãi. Trên phương diện quốc tế, thập niên 1960 là thời kỳ hoàng kim của đĩa nhựa, với hàng loạt tên tuổi thành công, trước khi có sự trỗi dậy của nhóm "Tứ quái The Beatles (Fab Four) " và Những hòn đá lăn (The Rolling Stones ) mà đài RFI sẽ giới thiệu trong một kỳ tới.

Vào lúc mà ngành sản xuất băng đĩa đang bị khủng hoảng trầm trọng, đang tìm cho mình một mô hình vận hành mới với cách phân phối âm nhạc trực tuyến, tức là dưới dạng phi vật thể (immaterial), chứ không còn nhất thiết là qua đĩa hình (DVD) hay đĩa hát (CD), thì xu hướng hoài niệm thời kỳ vàng son có thể được xem như là một dịp may. Các hãng đĩa có thể khai thác trở lại các bản nhạc vang bóng một thời, tồn đọng trong catalogue hay kho lưu trữ. Dưới dạng tuyển tập hay toàn tập, song ca hay liên khúc, phát hành trực tuyến hay qua CD, các hãng đĩa trông cậy vào những dịp sinh nhật năm chẳn để kinh doanh mà không có nhiều đầu tư rủi ro.

Theo giới phê bình chuyên ngành, thái độ dè dặt của các hãng đĩa đặt lại vấn đề sáng tạo nghệ thuật cũng như nỗ lực khám phá các tài năng mới. Còn đối với giới yêu nhạc, thì đây là dịp để khám phá lại rất nhiều bản nhạc tưởng chừng đã lãng quên, (có ai còn nhớ đến các ban nhạc như The Searchers hay Brothers Four), nhưng chỉ cần vài nốt nhạc trỗi lên trong không gian im lìm, thì giai điệu lắng chìm bỗng nhiên gợi lại trong ta cả một khung trời kỷ niệm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.