Vào nội dung chính
ĐẦU CƠ

1637: Vụ vỡ bong bóng đầu cơ đầu tiên trong lịch sử

Ngày nay, người ta nghe nói rất nhiều đến các bong bóng đầu cơ, như bong bóng địa ốc đang đe dọa Trung Quốc, bong bóng cổ phiếu đã xì hơi tại Việt Nam cách nay vài năm, hay bong bóng internet đã nổ tung ở các nước phương Tây vào đầu thập niên 2000. Thế nhưng, hiện tượng bong bóng đầu cơ không phải là đặc điểm của thời nay, mà đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước đây.

Một cánh đồng hoa tuy-lip (uất kim hương).
Một cánh đồng hoa tuy-lip (uất kim hương). DR
Quảng cáo

Một trong những vụ được cho là vỡ bong bóng đầu cơ đầu tiên trong lịch sử đã xảy ra tại Hà Lan hồi nửa đầu thế kỷ 17, liên quan đến một sản phẩm nổi tiếng của xứ này : hoa tuy-lip (uất kim hương).

Theo các tài liệu lịch sử, các thương nhân Hà Lan đã du nhập hoa tuy-lip từ Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng năm 1593. Loại hoa này đã nhanh chóng được người Hà Lan ưa chuộng, và giá bán ngày càng cao. Thế là cả một phong trào kinh doanh hoa tuy-lip bắt đầu bùng lên, được mọi tầng lớp trong xã hội tham gia.

Nhiều đại gia bắt đầu tung tiền thu mua củ tuy-lip (vì loại hoa này được trồng bằng củ, tương tự như hành) để chuẩn bị cho những mùa thu hoạch sắp tới, tạo nên một sự khan hiếm. Mức cung quá ít làm cho giá hoa tuy-lip vốn đã đắt, lại càng tăng một cách chóng mặt. Một ví dụ thường được nhắc lại : Giá hoa tuy-lip trong một tháng đã tăng lên gấp 20 lần !

Trong một quyển sách xuất bản năm 1841, Charles Mackay, một nhà báo Scotland đã nghiên cứu kỹ cuộc khủng hoảng hoa tuy-lip đó đã trích dẫn một chứng từ viết từ năm 1635 ghi nhận việc bán 40 củ tuy-lip với giá 100.000 guilder (đơn vị tiền tệ Hà Lan thời đó) !

Để hiểu rõ giá này đắt như thế nào thì phải biết rằng vào khi ấy, chỉ cần 100 guilder là ta có thể mua được một tấn bơ ! Và một công nhân có tay nghề cao chỉ kiếm được 150 guilder mỗi năm. Theo ước tính của Viện Lịch sử Xã hội Quốc tế, tại thời điểm đó, một đồng guilder tương đương với hơn 10 euro vào năm 2002.

Trước triển vọng lợi nhuận cực cao, nhiều người Hà Lan lúc bấy giờ đã bỏ toàn bộ vốn liếng, cơ ngơi tài sản vào việc kinh doanh và đầu cơ hoa tuy-lip, mà không mảy may nghĩ rằng giá trị thực của một bông hoa không thể nào bằng giá được bán ra vào lúc đó. Mackay đã nêu ví dụ của một lời hứa đổi một khu đất rộng 49.000 m2 để lấy một hoặc hai củ tuy-lip loại hiếm Semper Augustus, hay là thương vụ đổi một lô hàng trị giá 2.500 guilder để lấy một củ tuy-lip duy nhất loại Viceroi.

Vấn đề là hoa tuy-lip chỉ nở vào mùa xuân. Vì thế, nhiều người Hà Lan lúc bấy giờ đã sáng tạo ra hình thức hứa bán - mua trước, rồi giao - nhận hàng sau. Dân đầu cơ đã lợi dụng hình thức này để kiếm lời. Theo Mackay, vào năm 1636, hoa tuy-lip được giao dịch trên thị trường tiền tệ của rất nhiều thị trấn tại Hà Lan.

Thế nhưng, lượng củ tuy-lip trong thực tế có hạn và chẳng mấy chốc, lượng hàng hứa bán trở thành quá cao, trong lúc giá bị đẩy lên đến mức không còn người mua nữa. Vào tháng Hai năm 1637, thị trường này bị sụp đổ, giá tuy-lip hạ một cách thê thảm : Bong bóng đầu cơ đã bị vỡ.

Những người đặt mua trước từ chối nhận hàng, vì không muốn thanh toán các món hàng mà giá cao gấp 10 lần giá thị trường. Còn những người đầu cơ thì phải ôm một đống củ tuy-lip mà giá trị chẳng còn là bao nhiêu so với vốn liếng mà họ đã phải bỏ ra để có được. Tinh ra trong vụ này, hàng ngàn người Hà Lan đã bị lâm vào cảnh phá sản.

Theo Mackay, cơn sốt hoa tuy-lip cũng lan qua các nước châu Âu khác, nhưng không nơi nào có quy mô to lớn và dữ dội như ở Hà Lan, cứ như là cả một tập thể bị lợi nhuận làm cho điên dại.

Đó chính là suy nghĩ của Charles Mackay khi ông đặt tựa cho quyển sách của ông là Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds tạm dịch là Cơn vỡ mộng khủng khiếp của quần chúng và sự điên dại của đám đông.

Tác phẩm của Mackay đã giả định rằng đám đông thường hành động một cách phi lý và các sự cố như Phong trào mua bán hoa tuy-lip ở Hà Lan năm 1637, cũng như vụ Sụp đổ chứng khoán gọi là « Krach » vào năm 1720 ở Anh Quốc và thất bại của Công ty Mississipi tại Pháp, nằm trong số những cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên bắt nguồn từ phản ứng hám lợi của tập thể, đến mức không còn mảy may lý trí.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.