Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Ngày tận thế, nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà sáng tác

Theo các diễn dịch bí truyền từ lịch cổ maya, ngày thứ sáu 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế của nhân loại. « Chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta vào ngày đó ? », cho đến giờ vẫn chưa thể nào biết chính xác được. Chỉ biết rằng ý tưởng Ngày Tận thế đã được lưu truyền trong các kinh thánh và sau này là những nguồn cảm hứng bất tận cho văn học và phim ảnh.

Theo diễn dịch từ lịch cổ maya, 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế (DR)
Theo diễn dịch từ lịch cổ maya, 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế (DR)
Quảng cáo

Le Figaro đăng bài viết về chủ đề này trên mục Văn hóa và Độc giả. Tờ báo điểm lại những tác phẩm nghệ thuật kinh điển có liên quan đến đề tài này, đã được phát hành trong những thế kỷ và thập niên gần đây. Các diễn giải bí truyền từ lịch cổ Maya cho rằng trái đất sẽ bị tận diệt vào ngày thứ sáu 21/12/2012. Không biết thực hư như thế nào chỉ biết rằng các cảnh tượng đó đã được mô tả nhiều qua các tiểu thuyết, phim ảnh hay các tác phẩm hội họa tại các bảo tàng mà thôi.

Le Figaro cho biết, tại Pháp, từ đây cho đến tuần đầu tiên của năm mới, một loạt các hoạt động văn hóa có liên quan đến chủ đề này sẽ diễn ra. Một loạt các tiểu thuyết đã được xuất bản : Ngôi làng của ngày Tận thế (Le Village de la fin du monde) của tác giả Nicolas d’Estienne d’Orves, Les fins du monde (Giây phút cuối cùng của thế giới) của François Bourin hay như Si le soleil ne se lève plus (Nếu Mặt trời không còn mọc) của Jean-Noel Lafargue.

Một diễn đàn về hình ảnh Ngày Tận thế cũng sẽ được tổ chức tại Paris từ ngày 12/12/2012 cho đến hết ngày 06/01/2013. Các kênh truyền hình của Pháp cũng không bỏ qua cơ hội hiếm có, đua nhau phát sóng các bộ phim về chủ đề này.  Tại thành phố Lille của Pháp, hai đợt triển lãm tranh sẽ được tổ chức. Dĩ nhiên sẽ rất là thiếu sót nếu không kể đến triển lãm mang chủ đề « Babel » nói về thành cổ Babylone và sự tàn phá của nó.

Những kịch bản phim hay nhất về thảm kịch

Điều kỳ lạ là ngày được ấn định là thứ sáu 21/12 chứ không phải là thứ sáu 13 rủi ro như thường lệ… Như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày thứ sáu đó ? Các biện pháp cần phải thực hiện để có thể thực hiện một cam kết đầy tham vọng như thế ? Kinh thánh là nơi phơi bày cảm nhận đầu tiên về các công cụ của sự tàn phá : Đại hồng thủy, chất lưu huỳnh và hỏa hoạn… Từ đó, các nhà viết kịch bản và nhà văn đã vắt óc và tưởng tượng thêm ra nhiều cách thức khác nhau để dàn dựng nên một cảnh tượng đẹp về ngày Tận thế.

Đầu tiên hết là phải kể đến sự xâm lấn của người ngoài hành tinh hay các âm binh được mô tả qua các tiểu thuyết viễn tưởng như La guerre des Mondes (Chiến tranh các vì sao) của H.G. Wells, phát hành năm 1898 ; rồi đến bộ phim Mars Attacks (1996) của Tim Burton, Independance Day (1996) của Roland Emmerich.
Dịch bệnh cũng là chủ đề ưa thích, dẫn đến thảm họa diệt vong. Từ Contagion (2011) của Steven Soderbergh, 28 jours plus tard – tạm dịch là « 28 ngày sau đó » (2002) của Danny Boyle. Le Figaro cho rằng chủ đề này đã được bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, với tác phẩm Le dernier Homme (Người cuối cùng) của Mary Shelley năm 1826, hay như La Peste (Tai họa – 1947) của Albert Camus.

Dần dà với sự phát triển của khoa học công nghệ, nguyên nhân Ngày Tận thế còn được giải thích bởi các thảm họa công nghệ - chủ yếu là hạt nhân. Một loạt các phim có liên quan đến yếu tố khoa học đã ra đời như bộ phim hài Docteur Folamour (1964) của Stanley Kubrick, hay bộ phim Le Syndrome chinois – tạm dịch là Hội chứng Trung Quốc của Jane Fonda, Jack Lemmon và Michael Douglas năm 1979. Hay như chuyện những người có khả năng để cho các máy móc và người máy chiếm lấy quyền lực và giam giữ con người cũng là những giả thuyết dẫn đến Ngày Tận thế.

Cuối cùng, khi công nghệ không thể nào chống lại con người được nữa, thì khi đó lại đến lượt thiên nhiên. Các thảm họa thiên nhiên có thể biến một Paris tràn lệ thành một sa mạc trong Peut-être (1999) của Cedric Klapisch, Le jour d’après - Ngày sau đó (2004) do Roland Emmerich… Tờ báo tự hỏi : « nếu như không có chuyện gì xảy ra vào ngày 21/12 thì sao ? ». Những người có tinh thần vững sẽ nói rằng lời tiên đoán của người Maya chỉ là điều hảo huyền.

Ukraina : bệnh Sida bùng phát do chính quyền mù quáng

Tại Ukraina, tính đến nay đã có 30 ngàn người tử vong vì căn bệnh Sida. Bên cạnh đó, tỷ lệ người mắc bệnh không ngừng gia tăng và còn cao hơn cả tại châu Phi. Tuy nhiên, chỉ vừa đúng có 1/3 số người bệnh được chăm sóc, trong khi đó ở châu Phi là hơn 50%. Các tổ chức ONG tại Ukraina chỉ trích mạnh mẽ sự thờ ơ của chính quyền Kiev. Chủ đề này được tờ Libération quan tâm đến qua bài viết đề tựa « Ukraina : bệnh Sida bùng phát bởi do sự mù quáng của chính phủ ».

Theo các tổ chức ONG tại Ukraina, chính sự lạnh lùng và nạn tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lan tràn. Nhất là vấn đề nhân quyền đã không được tôn trọng. Một quan chức của một tổ chức ONG cho Libération biết có đến 55% số người xét nghiệm dương tính đều là các con nghiện. Thế nhưng, duy chỉ có 7,7% là được điều trị kháng vi-rút. Bởi lẽ, tại quốc gia này, tất cả các con nghiện đều bị xem là tội phạm, bị xã hội ruồng bỏ, do đó tuổi thọ cũng rất thấp. Vấn đề ở đây là do chính sách của nhà nước, thủ tục hành chính khó khăn nên người bệnh không thể tiếp cận được các trung tâm điều trị.

Tổ chức chống bệnh Sida của Liên Hiệp Quốc đánh giá tình hình dịch bệnh tại Ukraina cũng thảm hại như là tại Nga. Do tiêu thụ nhiều chất gây nghiện, tỷ lệ người mắc bệnh liên tục gia tăng từ 10 năm nay. Cho đến ngày hôm nay, đã có 30 ngàn người tử vong. Theo các tổ chức ONG, nghèo khổ và sự ghẻ lạnh của chính phủ cũng như xã hội là những tác nhân chính khiến bệnh dịch lây lan nhanh chóng. Thêm vào đó, nạn quản lý thuốc lỏng lẻo, con nghiện có thể tìm mua dễ dàng các chất gây nghiện tại các nhà thuốc tây.

Nếu như tại các nước phương Tây khác như Đức, Anh và Pháp, các chương trình phòng ngừa như trao đổi các ống tiêm và sử dụng các sản phẩm thay thế khác đã gặt hái nhiều thành công, giúp phần hạn chế tỷ lệ lây nhiễm bệnh, thì tại Ukraina, lại đi ngược lại. Không một chính sách phòng ngừa nào được triển khai. Thậm chí, các quan chức chính quyền còn cho rằng tất cả các biện pháp phòng ngừa đó chỉ thúc đẩy nhanh hơn sự lây lan.

Cận thị : một dịch bệnh trên toàn cầu

Cũng liên quan đến sức khỏe, báo Le Monde có bài viết báo động đề tựa « Cận thị : một dịch bệnh toàn cầu hóa ». Tờ báo trích dẫn kết quả một nghiên cứu khoa học cho biết tại châu Á và tại nhiều nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới, dân cư tại các đô thị thường gặp các rối loạn về mắt, mà nguyên nhân chính là do thiếu ánh sáng tự nhiên.

Theo nghiên cứu của giáo sư Ian Morgan, thuộc trường đại học Canberra của Úc, đăng trên tạp chí The Lancet, gần 90% giới trẻ châu Á (Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc) tại các khu đô thị ở những nước phát triển đều bị cận thị vào cuối các học kỳ. Tỷ lệ này chỉ ở mức 25% đến 40% ở các thế hệ trước đó. Trong số 90% đó, có đến từ 10% đến 20% là bị cận thị nặng. Tỷ lệ gia tăng này bắt đầu vào khoảng giữa những năm 1990. Tình hình này cũng xảy ra tương tự tại châu Âu và Hoa Kỳ nhưng với tỷ lệ thấp hơn.

Ông Marc Klein, giám đốc hiệu mắt kính Lissac cho rằng di truyền là yếu tố hàng đầu của chứng bệnh, nhưng cũng phải kể đến yếu tố môi trường (nơi cư ngụ, thực phẩm…). Tuy nhiên, nghiên cứu của GS Ian Morgan đã làm nổi rõ tác hại của sự thiếu ánh sáng tự nhiên. Theo bà, « chất dopamine, một chất dẫn trong hệ thần kinh được tạo ra trong võng mạc dưới tác động của ánh sáng, đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải các hình ảnh lên não và ngăn ngừa sự tăng trưởng quá mức của mắt từ khi sinh ra cho đến 25 tuổi. Một con mắt ‘quá dài’ là mắt cận thị ».

Một chuyên gia khác nói thêm rằng những trẻ nào ít hoạt động ngoài trời dễ bị cận thị. Theo đánh giá của Hiệp hội cải thiện mắt của Pháp, việc trẻ con ngồi nhiều giờ trước màn ảnh tivi, vi tính hay trò chơi điện tử cũng là những tác nhân gây cận thị. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị giáo sư Hoàng Xuân Thanh, trưởng khoa mắt thuộc bệnh viện Hoa Kỳ tại Paris phản bác cho là chưa có cơ sở khoa học. Một yếu tố cuối cùng mà Asnav đề cập đến đó là việc những người đang điều chỉnh thị giác nhưng không đeo kính hay kính áp tròng trong khi làm việc với máy vi tính cũng dẫn đến tình trạng làm mỏi mắt, có thể bị cận thị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.