Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Django Unchained, khi nô lệ bứt gông xiềng

Đăng ngày:

Nhân kỳ trao giải Golden Globe hôm 13/01/2013 vừa qua, bộ phim Django Unchained của đạo diễn Quentin Tarantino đã đoạt được hai giải thưởng dành cho kịch bản xuất sắc và nam diễn viên phụ. Tác phẩm này đã gây ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi tại Hoa Kỳ, nhưng khi được công chiếu tại Pháp trong tuần này, lại nhận được nhiều lời khen thưởng từ phía công chúng lẫn giới phê bình.

Phim Django Unchained với Christoph Waltz và Jamie Foxx trong vai thợ săn tiền thưởng (Sony Pictures)
Phim Django Unchained với Christoph Waltz và Jamie Foxx trong vai thợ săn tiền thưởng (Sony Pictures)
Quảng cáo

Bộ phim Django Unchained chọn bối cảnh một năm trước cuộc nội chiến Hoa Kỳ, diễn ra tại Louisiana và các tiểu bang miền nam nước Mỹ, nơi mà chế độ nô lệ còn đang hiện hành. Màn đầu của bộ phim mở ra vào một buổi tối ngập sương mù, trong màn đêm đày đặc của một góc rừng sâu thẳm. Hai chàng cao bồi da trắng cưỡi ngựa dẫn giải một nhóm người đàn ông da đen, đem về thành phố để bán họ như nô lệ, làm việc trong các nông trại trồng bông vải. Những người đàn ông da đen lưng trần đầy vết sẹo quất roi, khố quần hôi hám rách rưới, hai vai khom còng lại do chuỗi xiềng xích nặng trĩu treo trên cổ.

Giữa đêm khuya, họ lại gặp một nhân vật quái gở khác thường : Một người đàn ông lái một cỗ xe ngựa, nói tiếng Anh rặc giọng Đức. Nhân vật này là bác sĩ King Schultz (do Christoph Waltz thủ vai) trước kia chuyên hành nghề nhổ răng, nay lại trở thành một kẻ chuyên đi săn người. Bất cứ tội phạm nào bị toà án phát lệnh truy nã, ông có quyền bắt họ dù sống hay chết. Thay vì tiếp tục nghề nha khoa, ông bác sĩ lại dùng sinh mạng con người để đổi lấy tiền thưởng. Chính ông là người giải thoát nhóm nô lệ da đen giữa rừng sâu, vì trong đó có Django, chàng thanh niên da đen này có thể giúp ông nhận diện những tội phạm da trắng đang tẩu thoát lẩn trốn.

Bác sĩ Schultz đề nghị Django (do Jamie Foxx thủ vai) hợp tác với mình. Theo thỏa thuận, thì Django giúp ông truy bắt các tội phạm để lãnh tiền thưởng. Đổi lại, bác sĩ này sẽ giúp thanh niên da đen, giải cứu người yêu của anh là cô gái Broomhilda, từng bị bán làm nô lệ trong một trang trại ở vùng Mississippi. Chủ nhân trang trại là Calvin Candie (do Leonardo DiCaprio thủ vai), một người nổi tiếng là hung tàn độc ác. Calvin mua đàn ông da đen làm nô lệ, để buộc họ chém giết lẫn nhau trong các trận đấu sinh tử, còn đàn bà da đen thì buộc phải làm đầy tớ người hầu hay gái điếm giải sầu.

Để bắt cọp thì phải vào hang cọp. Bác sĩ Schutz và Django bày mưu lập kế, trá hình trà trộn vào trang trại, trên danh nghĩa là mua bán nô lệ, nhưng thật ra là để cứu một cô gái da đen khỏi móng vuốt của một ông chủ da trắng tàn nhẫn, khát máu. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Vỏ quýt dày thường gặp móng tay nhọn. Liệu mưu kế của hai thợ săn tiền thưởng có thành hay không khi mà ông chủ Calvin Candie là một kẻ đa nghi, nham hiểm, xảo quyệt. Đấu súng không bằng đấu trí : Phim Django kết thúc với một màn tắm máu kinh khiếp hãi hùng. Kẻ đáng sống rốt cuộc phải chết. Không phải kẻ nô lệ nào cũng được giải thoát.

Tác phẩm Django Unchained của đạo diễn Quentin Tarantino đề cập đến vấn đề nô lệ, nhưng dưới góc độ của chủ thuyết “empowerment”. Thuật ngữ Mỹ này đề cập đến cái quá trình mà mỗi con người, ý thức để rồi sở hữu sức mạnh của chính bản thân mình. “Empowerment” dịch sát có nghĩa là trao quyền, nhưng không ai trao cho ta cái quyền tự do cả, mà tự bản thân ta phải giành lấy nó. Trong phim, nhân vật Django là mẫu người tự vứt bỏ gông xiềng, nhưng bên cạnh đó cũng có các nô lệ da đen (tiêu biểu qua nhân vật quản đốc Stephen, do Samuel L. Jackson thủ vai) hoàn toàn ủng hộ lập trường chủ tớ của người da trắng.

Có thể là do bị nhồi sọ, hay chỉ vì tính nhu nhược, hèn nhát, mà những người da đen này suốt đời cam chịu ách nô lệ. Họ ngả theo cái lập luận cho rằng người da trắng xứng đáng làm chủ, còn người da đen thì nên an phận đày tớ. Nói cách khác, ta dễ phá vỡ những gông xiềng mà người khác treo vào cổ ta, nhưng chưa chắc gì ta đã nhìn thấy những ràng buộc mà ta tạo ra để tự trói mình. Cách diễn giải này của đạo diễn Tarantino dễ đụng chạm đến lòng tự ái của cộng đồng người Mỹ đa đen thời nay. Trong tổ tiên của họ, nếu như có người đã dám vùng lên phá vỡ ách nô lệ, thì cũng có những kẻ đã tự dâng hiến sợi dây để cho người da trắng trói chặt người da đen. Chữ “Empowerment” thật sự phát huy ý nghĩa khi bắt nguồn từ nhận thức của nhân vật, tự mình làm chủ số phận, tự mình làm chủ bản thân.

Bộ phim Django Unchained cũng gây tranh cãi ở một điểm khác : Tuy nhìn lại một thời kỳ quá khứ đen tối của nước Mỹ, nhưng đạo diễn Tarantino không khai thác các chi tiết từng diễn ra trong lịch sử, mà lại trông cậy vào sức mạnh của trí tưởng tượng, dùng một câu chuyện hư cấu để đánh trúng tim đen của khán giả. Vào giữa thế kỷ thứ XIX, Nate Turner, một kẻ nô lệ tại bang Virginia đã huy động người da đen vùng lên. Cuộc nổi loạn vào năm 1831 đã để lại một trong những trang sử đẫm máu nhất của thời nô lệ, đội quân da đen này đã dùng mã tấu để chặt đầu các ông chủ đồn điền nông trại ở vùng Southampton.

Gần ba thập niên sau, đến phiên John Brown dẫn đầu cuộc nổi dậy vào năm 1859, nhưng sau đó bị đè bẹp bởi quân đội các tiểu bang miền nam do tướng Robert Edward Lee chỉ huy. Sự kiện này sau đó châm ngòi cho cuộc nội chiến Hoa Kỳ, giữa một bên đòi xóa bỏ, và một bên muốn duy trì chế độ nô lệ. Dưới ống kính của Tarantino, bộ phim Django không dựa theo các chi tiết hay nhân vật lịch sử, mà lại đi vay mượn ảnh hưởng của phim chưởng Hồng Kông, hay phim kiếm hiệp Nhật Bản, ở chỗ : Dùng độc trị độc, dùng tà khử ác. Đây không phải là lần đầu tiên đạo diễn Quentin Tarantino chọn phương châm tối hậu này để làm phim.

Chẳng hạn như trong Inglourious Basterds, tuy gọi là phim lịch sử chiến tranh, nhưng thật ra tạo cơ hội cho một nhóm biệt kích Mỹ tha hồ mà tàn sát quân lính và các sĩ quan Đức Quốc Xã. Trong phim Deathproof, một nhóm phụ nữ tìm thấy cơ hội trả thù một tay lái xe đua, một kẻ giết người hàng loạt chuyên gieo rắc kinh hoàng khi săn đuổi đàn bà trên xa lộ. Trong hai tác phẩm Kill Bill, hung thần tóc vàng Uma Thurman tìm cách trả thù người chồng vũ phu và đồng bọn sát thủ : Ăn miếng trả miếng, kẻ gieo nợ máu phải đền bằng máu.

Một cách tương tự, trong phim Django, thợ săn tiền thưởng không chỉ giải cứu người yêu mà còn có cơ hội ra tay rửa hận phục thù. Tất cả những gì thực tế ngoài đời không cho phép, thì trên màn ảnh lớn nhân vật hư cấu đều có thể làm, càng chém giết những kẻ ác, khán giả càng hả hê sung sướng. Phim Django đánh trúng tâm lý người xem là ở điểm này. Phe tà có thể không run sợ trước anh hùng, nhưng lại khiếp đảm khi chạm trán hung tinh.

Bằng cách đảo lộn vai trò, lật ngược tình huống, đạo diễn Tarantino thường biến các nạn nhân trong phim thành hung thần. Nó đặt ra hai vấn đề : Cách dùng bạo lực và quan niệm đạo đức. Một kẻ chuyên giết người không gớm tay, tàn nhẫn lạnh lùng không nháy mắt là điều đáng lên án, nhưng trong trường hợp kẻ này chỉ giết những tên tội phạm sát nhân, thì điều đó có đáng trách hay chăng ? Cũng như bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ Dexter, theo đó, một kẻ giết người hàng loạt nhưng chỉ chuyên trừ khử các tay serial killer, đạo diễn Tarantino xoá mờ, nếu không nói là đẩy lùi, cái ranh giới phân biệt chính tà, dùng sự khiêu khích để đả phá tính phải đạo.

Tại Hoa Kỳ, cuộc tranh luận về phim Django Unchained bắt đầu với những lời chỉ trích liên quan tới các cảnh bạo lực trong phim. Nhưng nói rằng phim của Quentin Tarantino đầy dẫy bạo lực là hơi thừa, vì từ trước tới nay, đạo diễn này làm phim trên ba yếu tố : Nhân vật lúc nào cũng nói nhiều, chuyện phim đầy màn chém giết, phim không thuộc hẳn vào một thể loại mà lại dung hòa kết hợp nhiều ảnh hưởng lại với nhau.

Ngoại trừ các tờ báo hay trang blog như Slate, Gawker và The Village Voice, thì hầu hết các kênh thông tin khác từ Drudge Report cho tới tạp chí chuyên ngành The Hollywood Reporter đều trách đạo diễn Tarantino đã thổi phồng quá trớn khi phác họa cá tính nhân vật, cũng như trong cách sử dụng từ ngữ mang nhiều ý nghĩa khinh rẻ miệt thị : Điển hình là từ Nigger (hiểu theo nghĩa mọi rợ đa đen) dùng đến 110 lần trong cuộn phim. Cuộc tranh luận tăng thêm một bậc khi đến phiên đạo diễn người Mỹ da đen Spike Lee tham gia khẩu chiến. 

Theo đạo diễn Spike Lee, tác giả của bộ phim Malcom X, thời kỳ nô lệ ở Mỹ là một vấn đề nghiêm túc, khó thể nào mà đem ra đùa giỡn hay làm trò hề theo kiểu quay phim cao bồi. Cá nhân đạo diễn Spike Lee cho biết, ông không đi xem phim Dajngo vì nội dung xúc phạm đến tổ tiên. Ông muốn vinh danh các thế hệ đời trước, thời mà người da đen bị bắt tại châu Phi rồi đem bán sang Âu Mỹ làm nô lệ.

Về điểm này, đạo diễn Tarantino đã phản pháo khi tuyên bố rằng, với tư cách là một tác giả, một nhà làm phim, ông có quyền tự do sáng tạo ra một nhân vật hư cấu để đề cập bất cứ một đề tài nào. Tất cả những ai nghĩ rằng bởi vì ông là người da trắng, cho nên không có đủ tư cách để bàn về vấn đề nô lệ da đen, thì chính họ đã có hành động phân biệt đối xử, họ rơi vào một tình huống đầy nghịch lý : Kẻ chống kỳ thị lại có thái độ kỳ thị.

Bộ phim Django Unchained cũng như một số tác phẩm trước đây của Tarantino có tác dụng của một tác phẩm trào phúng. Để vẽ tranh biếm họa, một tác giả ít khi nào tả chân mà buộc phải tô đậm đường nét hay phóng đại một số cá tính tiêu biểu của nhân vật. Tính chất phóng khoáng trào lộng đó khiến cho các bộ phim của Tarantino ít khi nào được xếp vào hàng chính kịch (drama), thể loại nghiêm túc nhất của làng điện ảnh. Cái tài kể chuyện và dàn dựng một thế giới giàu tưởng tượng trở thành dấu ấn riêng biệt của Tarantino, nhưng đôi khi lại phản tác dụng.

Ngoại trừ giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan Cannes vào năm 1994 cho bộ phim Pulp Fiction, đạo diễn người Mỹ chưa bao giờ đoạt giải đạo diễn tại các lễ trao giải Oscar, Quả Cầu Vàng hay BAFTA. Cho tới giờ này, Quentin Tarantino chỉ giành được giải kịch bản. Nhân kỳ Golden Globe vừa qua, một lần nữa, đạo diễn Tarantino đã để vuột mất hai giải quan trọng dành cho đạo diễn và tác phẩm xuất sắc nhất. Còn tại giải Oscar vào tháng hai 2013 sắp tới, phim Django chỉ được đề cử tranh giải kịch bản. Bụt nhà không thiêng hay đó chỉ là cái giá phải trả đối với nhà đạo diễn, để giành lấy trong làng điện ảnh, một chỗ đứng riêng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.