Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Hollywood, nơi quảng cáo của Lầu Năm Góc ?

Bộ Quốc Phòng Mỹ vừa bị chỉ trích đã thao túng Hollywood trong việc thực hiện bộ phim về vụ đặc công Mỹ tấn công và hạ sát Bin Laden tại Pakistan. Đây không phải là lần đầu tiên Lầu Năm Góc bị chỉ trích như vậy. 

Đạo diễn Kathryn Bigelow, tại Hollywood. Ảnh chụp ngày 10/12/2012
Đạo diễn Kathryn Bigelow, tại Hollywood. Ảnh chụp ngày 10/12/2012 REUTERS/Mario Anzuoni
Quảng cáo

Bộ phim mang tên « Zero Dark Thirty » sẽ được trình chiếu trong những tuần tới. Đây là một bộ phim điện ảnh do đạo diễn Kathryn Bigelow thực hiện. Đảng Cộng Hòa cho rằng, Lầu Năm Góc đã mở cửa quá rộng bằng việc cung cấp một số thông tin thuộc hàng bí mật quốc gia cho nhà làm phim. Hành động nói trên là nhằm sử dụng Hollywood làm công cụ tuyên truyền để lăng xê một chiến tích quan trong trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Barack Obama.

Trước những lời cáo buộc, đại diện Lầu Năm Góc cho rằng, chỉ có một cuộc gặp gỡ 45 phút giữa đạo diễn, người viết kịch bản và một quan chức bộ Quốc phòng, với mục đích là « giới thiệu tổng quát » về bộ phim. Ngoài cuộc gặp này ra, bộ phim không hề được sự phối hợp nào của bộ Quốc phòng Mỹ.

Hãng AFP ghi nhận, từ năm 1920 đến nay, việc phối hợp giữa Lầu Năm Góc và các nhà làm phim đã là chuyện thường xuyên. Các nhà sản xuất phim muốn hạn chế chi phí và muốn tăng tính chân thực trong những bộ phim có hình ảnh quân đội, nên thường đề nghị sự hỗ trợ của bộ Quốc phòng. Thường thì sự hỗ trợ chỉ là kỹ thuật, thế nhưng, đôi khi các nhà làm phim còn được phép vào những cơ sở quân sự hay sử dụng các xe tăng, máy bay hoặc tàu chiến để phục vụ cho phim.

Việc tiếp cận các thiết bị của bộ Quốc phòng đương nhiên không phải là miễn phí. Không miễn phí về mặt tiền bạc đã đành, mà còn không miễn phí về mặt nội dung phim, tức là lầu Năm Góc luôn yêu cầu xem kịch bản phim. Một quan chức Lầu Năm Góc khẳng định là chỉ yêu cầu nhà làm phim cho xem kịch bản, và để xem nhà làm phim cần hỗ trợ gì.

Thế nhưng, không ít nhà làm phim đã cho rằng, lợi dụng quyền xem kịch bản, bộ Quốc phòng muốn thi hành chính sách kiểm duyệt phim. Trong quyển sách mang tên « Operation Hollywood » của tác giả David Robb, đạo diễn Oliver Stone tỏ ra cay đắng khi than rằng : «Họ xem chúng tôi như gái mại dâm, vì thế họ muốn áp đặt quan điểm của họ cho chúng tôi ». Đạo diễn này đã từng bị Lầu Năm Góc từ chối hỗ trợ để thực hiện một số phim về chiến tranh Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.