Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Dijon, Rungis và Tours, tủ kính của nghệ thuật ẩm thực Pháp

Ba thành phố được chọn làm tủ kính của nghệ thuật ẩm thực Pháp : Dijon, Rungis và Tours. Đến cuối tháng 4/2013, bộ Văn Hóa, Nông Nghiệp và Nông Phẩm sẽ lấy quyết định cuối cùng. Paris không loại trừ khả năng mở rộng câu lạc bộ khép kín này tới một vài thành phố khác.

DR
Quảng cáo

Thể theo đề nghị của Ủy ban bảo vệ di sản và văn hóa ẩm thực MFPCA chính phủ Pháp vừa thông báo đưa vào danh sách các « trung tâm của nghệ thuật ẩm thực- Cités de la Gastronomie » ba thành phố : một ở vùng Bourgogne, một ở ngoại ô Paris và một ở vùng Touraine. Đây thực sự là một chiếc tủ kính để quảng bá nghệ thuật ẩm thực trên quê hương của Rabelais. Với danh hiệu tủ kính của nghệ thuật ẩm thực Pháp, những thành phố được chọn chắc chắn sẽ lại càng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách thập phương.

« Cités de la Gastronomie » là một trong những sinh hoạt tiêu biểu nhất sau khi nghệ thuật ẩm thực của Pháp đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO vào tháng 11/2010 đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của Nhân loại.

Một điều bất ngờ là thành phố Beaune cũng ở vùng Bourgogne nổi tiếng về rượu vang và Lyon, nơi có nhiều đầu bếp thượng thặng nhất trên toàn quốc đã bị loại. Đơn xin ứng cử của Beaune bị coi là « thiếu thực tế ». Riêng đối với hồ sơ của Lyon thì các bộ Văn Hóa, Nông Nghiệp và Nông Phẩm hãy còn lửng lơ để cánh cửa ngỏ.

Trở lại với Dijon, Rungis và Tours ba thành phố vừa được chọn : mọi người còn nhớ rằng trong một thời gian rất dài, Dijon đã từng là « kinh đô của nghệ thuật ẩm thức của nước Pháp. Danh hiệu đó đã bị thành phố Lyon tước đoạt mất vào đầu thế kỷ XX. Để được vinh dự mang danh hiệu là thành phố của nghệ thuật ẩm thực tiêu biểu cho nước Pháp, Dijon dự trù chi ra 55 triệu euro để xây dựng trung tâm ẩm thực rộng khoảng 24 000 m vuông và trung tâm đó sẽ được khánh thành trước năm 2016. Lợi thế của trung tâm ẩm thực Dijon là chỉ nằm cách xa nhà ga xe lửa có 800 thước.

Tên tuổi của thành phố này đã gắn liền với tương cải cay Moutarde de Dijon, nhưng thủ phủ của vùng Bourrgogne còn nổi tiếng với những món ăn như ốc đút lò với bơ, tỏi hay với món bò hầm rượu đỏ Bœuf Bourguignon.

Thế còn Rungis : thực tế là thị trấn Chevilly-Larue đã cùng hợp tác với Rungis vì muốn khai thác lợi thế của khu chợ Rungis ở ngoại ô Paris. Đây là khu chợ bán thực phẩm tươi lớn nhất thế giới và chợ Rungis trải dài trên hai thị trấn sát cạnh nhau này. Vì vậy ủy ban MFPCA nói đến khu vực Paris Rungis. Lợi thế của Rungis là ban điều hành thành phố muốn khai thác tối đa ưu thế có được nhờ khu chợ nổi tiếng cùng tên. Nên biết là doanh thu của khu chợ này hàng năm lên tới gần 8 tỷ euro. Vì vậy các giới chức Pháp cho rằng đây sẽ là khu trưng bày và chiếc tủ kính lợi hại nhất để quảng bá những đặc sản của nước Pháp.

 Về phần thành phố Tours, chúng ta đừng quên rằng đây là quê hương hai cha con Gargantua và Pantagruel, hai nhân vật nổi tiếng rất thích ăn ngon trong văn học Pháp. Họ đã trở thành bất tử dưới ngòi bút của văn hào François Rabelais. Tours cũng là nơi vào năm 1976 đã thành lập Viện nghiên cứu quốc gia về khẩu vị - l'Institut français du goût và cứ hai năm một lần thành phố Tours trở thành kinh đô châu Âu của nghệ thuật ẩm thực.

Những ai từng đến Tours và vùng Tourraine thì sẽ khó quên hương vị của những món chỉ có Tours mới có như là phó mát chế biến từ sữa dê của Sainte Maure, món dồi lòng andouillette hay gà nấu rượu đỏ của vùng Chinon. Nói về rượu thì tên tuổi của những nhà sản xuất ở Chinon, Bourgueil hay Amboise đã trở nên quá quen thuộc với giới sành điệu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.