Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

"Món Quà" âm nhạc của Maxime Le Forestier

Đăng ngày:

Trong tháng vừa qua, Maxime Le Forestier trình làng một tập nhạc mới mang tựa đề ngắn gọn Le Cadeau (Món Quà). Đây là album studio thứ 15 của nam ca sĩ người Pháp, thành danh từ đầu những năm 1970. Một hành trình sự nghiệp trải dài trên bốn thập niên, qua đó, người nghệ sĩ đã dâng hiến cho làng nhạc Pháp hơn một chục ca khúc để đời, kinh điển.

Ảnh bìa tập nhạc Le Cadeau - Món Quà (DR)
Ảnh bìa tập nhạc Le Cadeau - Món Quà (DR)
Quảng cáo

Maxime Le Forestier nổi tiếng cùng thời với nhiều ca sĩ như Véronique Sanson, Julien Clerc, Alain Souchon, Laurent Voulzy hay Michel Delpech. Điểm khác biệt lớn nhất so với phong trào nhạc trẻ 1960, là thế hệ thành danh vào thập niên 1970 thường là tác giả kiêm ca sĩ. Họ có thể viết nhạc cho chính mình hay sáng tác cho những người khác, và nhờ vậy mà trụ lại được lâu hơn. Bài hát Un P’tit Air (Một giai điệu nho nhỏ) là trích đoạn ăn khách của album này.

Maxime Le Forestier sinh năm 1949 tại Paris trong một gia đình, mà bố là người Anh, mẹ là người Pháp. Cùng với hai người chị, Maxime thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ gia đình. Maxime Le Forestier vào nghề ca hát là do sự lôi kéo của người chị thứ nhì là Catherine Le Forestier. Cô khởi nghiệp từ năm 1965 rồi sau đó thành lập ban song ca Cat & Maxim.

Ban nhạc này tan rã vài năm sau đó khi Maxime buộc phải nghỉ biểu diễn để thi hành nghĩa vụ quân sự. Vào cái thời mà nam ca sĩ Hugues Aufray chuyển dịch rất nhiều ca khúc của Bob Dylan sang tiếng Pháp, thì Maxime không muốn bắt chước những gì người khác đã làm, mà chọn một hướng đi riêng. Anh bắt đầu sáng tác những ca khúc mang nhiều âm hưởng thính phòng, rồi chuyển sang nhạc folk, chuộng lối hoà âm rất mộc, ca từ đơn giản mà trong sáng.

Mãi đến năm 1972, Maxime Le Forestier mới phát hành album đầu tay mang tựa đề Mon Frère (Em tôi), nhưng thật ra anh đã có gần 7 năm kinh nghiệm sàn diễn và sáng tác. Tác giả này soạn nhạc khá đều đặn, cũng như anh nói, mỗi tháng anh viết ít nhất là ba bài, nhưng không phải bài nào cũng đáng được giữ lại, và anh chỉ ghi âm nhưng ca khúc vừa ý nhất. Tập nhạc đầu tiên của Maxime Le Forestier phá kỷ lục số bán. Tính tổng cộng, có năm ca khúc trích từ album này, đều trở thành những đĩa đơn ăn khách.

Ca khúc trích đoạn đầu tiên và cũng là bài hát chủ đề của album Mon Frère (Em tôi) tiêu biểu cho lối sáng tác của Maxime Le Forestier, trong cách dùng hư cấu để vạch trần thực tế. Bài hát nói về tình huynh đệ, của một người anh ước gì có được một đứa em trai để đùm bọc lẫn nhau, để cùng chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ, từ những trò chơi ngỗ nghịch sân trường cho đến những lần cúp cua trốn học.

Qua hình tượng của người em trai mà anh sẽ chẳng bao giờ có, Maxime thật ra đề cập đến nỗi bất hạnh trong gia đình anh. Thời còn nhỏ, Maxime sống trong một gia đình không hòa thuận và đã chứng kiến cái cảnh cơm không lành canh chẳng ngọt giữa ông bố với bà mẹ. Do vậy, trong bài hát Mon Frère (Em tôi), Maxime đã lý tưởng hóa nhân vật của người em trai. Hai anh em quấn quýt với nhau tựa như hình với bóng. Một cách gián tiếp, tác giả ước gì bố mẹ anh gần gũi và hạnh phúc bên nhau.

Trong hơn bốn thập niên sáng tác, Maxime Le Forestier đã soạn nhiều ca khúc rất hay. Nhưng bài hát gắn liền với tên tuổi của anh, và quen thuộc nhất với công chúng Pháp vẫn là nhạc phẩm San Francisco. Đằng sau ca khúc này là cả một giai thoại đáng ghi nhớ. Vào mùa hè năm 1971, Maxime và người chị Catherine đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác nhân một kỳ liên hoan ca khúc tiếng Pháp ở Bỉ. Nhờ vào khoản tiền thưởng mà hai chị em mới sang San Francisco, sống trong cộng đồng hippie, hoà mình vào phong trào phản chiến thịnh hành thời bấy giờ.

Tại San Francisco, họ sống trong một căn nhà ở góc phố Castro, số 3841 trên đường 18th Street, nơi mà giới văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới, quây quần đàn hát với nhau, nhúm lửa trại hè. Đến khi trở về Pháp, Maxime nhận được một bưu kiện mà trong đó có nhiều tấm ảnh chụp, các bức vẽ mà các nghệ sĩ gửi tặng cho hai chị em. Ban đầu, Maxime định gửi thư hồi âm, nhưng rốt cuộc anh viết thành một ca khúc để đền đáp những tình cảm quý mến.

Tất cả các những nhân vật mà tác giả kể trong ca khúc đều có thật, chỉ có một chi tiết đã được thay đổi. Căn nhà ở góc phố Castro, nằm trên một ngọn đồi, thật ra màu xanh lục. Khi sáng tác, Maxime đổi thành ngôi nhà màu xanh dương cho hợp với giai điệu. Bài hát San Francisco, với tiểu tựa là C’est une maison bleue, trở nên rất nổi tiếng, đến nỗi giới hâm mộ thường tổ chức những chuyến đi sang Mỹ để viếng thăm căn nhà này. Mãi đến mùa hè năm 2011, nhân 40 năm ngày ca khúc này ra đời, ngôi nhà đã được sơn phết lại thành màu xanh dương với sự hiện diện của tác giả Maxime Le Forestier, cho vừa với ca từ của bài hát.

Sự nghiệp của Maxime Le Forestier cất cánh từ album đầu tay và kéo dài cho tới năm 1979. Anh trở thành một ngòi bút sáng tác phản kháng và dấn thân qua các buổi trình diễn gây quỹ giúp đỡ các trẻ em nghèo, tài trợ cho việc mở trường lớp tại các nước châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ. Anh sáng tác thêm nhạc phim hay nhạc thiếu nhi cũng nhằm mục đích này, tham gia phong trào sáng tác đòi công lý cho các nạn nhân chế độ độc tài Chilê, chống chế độ kỳ thị chủng tộc apartheid ở Nam Phi.

Nhưng công chúng ở Pháp không hẳn chia sẻ những quan điểm hay lập trường dứt khoát của Maxime Le Forestier. Sự nghiệp ba chìm bảy nổi : người nghệ sĩ bắt đầu cuộc hành trình băng qua sa mạc trong vòng nhiều năm trời. Tác giả vẫn ghi âm nhưng không nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Anh sống chủ yếu nhờ chuyển qua sáng tác cho các ca sĩ khác.

Mãi đến gần một thập niên sau, sự nghiệp của Maxime Le Forestier mới khởi sắc trở lại, mở ra giai đoạn thành công thứ nhì cho tới tận ngày nay. Tác giả hai lần đoạt giải thưởng âm nhạc Pháp Victoires de la Muisque. Lần đầu tiên là nhờ vào nhạc phẩm Né quelque part (Sinh ra ở chốn nào), ca khúc xuất sắc nhất vào năm 1988. Nội dung ca khúc chỉ trích nạn kỳ thị chủng tộc vì theo quan niệm của tác giả trên đời này, không ai có thể biết trước nơi chốn mình sinh ra, tự mình chọn lựa quốc tịch hay màu da.

Lần thứ nhì là vào năm 1996, Maxime Le Forestier đoạt danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc nhất trong năm nhờ nhạc phẩm Passer ma route hiểu theo nghĩa Rong rủi hành trình. Bài hát có cả hai ý : hành trình nghệ sĩ không phải lúc nào cũng thẳng tắp, điều quan trọng là ta có dám đi vào những khúc rẽ hay chăng, thay vì phải đi trên những con đường mà người khác đã vạch sẵn. Ý thứ nhì là bất cứ ai trên đời này cũng đều là kẻ qua đường, vì nhân gian suy cho cùng vẫn chỉ là cõi tạm. Chính trong cách nói gián tiếp mà ngòi bút sáng tác Maxime Le Forestier mới đạt đến tầm phổ quát, trong những rung cảm tâm hồn gần gũi thân thiết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.