Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Hà Mỹ Xuân lập hội bảo tồn cải lương "Về Nguồn"

Đăng ngày:

Ở cái tuổi gần thất thập cổ lai hy, thế mà cái máu cải lương của nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân vẫn luôn sôi sục như thuở mới vào nghề. Với mong muốn góp chút sức lực còn lại cho việc bảo tồn nghệ thuật cải lương, Hà Mỹ Xuân đã cùng với một số anh em nghệ sĩ tại Paris thành lập một hội bảo tồn cải lương mang tên Về Nguồn.

Quảng cáo

Buổi biểu diễn ra mắt của hội Về Nguồn đang được ráo riết chuẩn bị với hai vở tuồng cải lương kinh điển : Bên Cầu Dệt Lụa và Ngao Sò Óc Hến.

Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân sinh năm 1950 tại vùng Tứ giác Long Xuyên. Hà Mỹ Xuân từng nổi tiếng một thời bên cạnh Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Người mộ điệu vẫn còn chưa quên được hình ảnh hai chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị qua sự phối hợp tài tình của cặp đào nữ Thanh Nga (đào chánh) và Hà Mỹ Xuân (đào nhì).

Sau khi Thanh Nga mất vào năm 1978, Hà Mỹ Xuân được xem là người kế thừa thành công nhất những vai diễn của Thanh Nga, đặc biệt là hai vai : Thái Hậu Dương Vân Nga trong vở tuồng cùng tên, và Quỳnh Nga trong Bên Cầu Dệt Lụa.

Được biết, Thanh Nga rất thích đóng với Hà Mỹ Xuân vì hai người diễn rất ăn khớp. Mà trong nghệ thuật vải lương, thì diễn ăn khớp là một yếu tố quan trọng, bởi nó giúp cho các nghệ sĩ có thể tung hứng bất chợt trên sân khấu, để tạo ra những khoảnh khắc xuất thần ngoài kịch bản.

Về phần mình, Hà Mỹ Xuân rất khâm phục tài ca diễn của Thanh Nga. Đến hiện tại, mỗi khi trò chuyện với cô về cải lương, Hà Mỹ Xuân vẫn luôn nhắc về tài ca diễn của Thanh Nga với tất cả niềm thương yêu và kính trọng. Có lẽ vì thế mà phong cách diễn xuất của Hà Mỹ Xuân chịu ảnh hưởng rất nhiều của Thanh Nga, nhất là cách diễn xuất có chiều sâu nội tâm chứ không phô trương hình thức. Tuy vậy, Hà Mỹ Xuân không rập khuôn Thanh Nga, mà cô biết phát huy thế mạnh riêng của mình, đó là giọng ca cao vút (trong khi Thanh Nga có giọng trầm).

Nói về kỹ thuật ca, ta thấy Hà Mỹ Xuân có lối ca nhấn dấu vô cùng độc đáo. Có thể nói, trong làng sân khấu cải lương đến hiện tại, Diệu Hiền và Hà Mỹ Xuân là hai "Thợ ca nhấn dấu” điêu luyện nhất. Hà Mỹ Xuân đã tận dụng lối ca nhấn dấu của mình để đưa vào lời thoại, vì thế những câu nói lối, những khúc ca ngâm thể hiện tâm trạng, Hà Mỹ Xuân nhấn vào những chữ cần thiết với âm thanh trầm bổng vô cùng độc đáo. Lối nói này đã giúp cho Hà Mỹ Xuân có thể thể hiện được tâm trạng bi hùng của Thái Hậu Dương Vân Nga một cách tài tình, hay làm khán giả xé lòng khi cô thoại Quan Âm Thị Kính, hoặc thấy được bản lĩnh vững vàng trước phong ba của nàng tiểu thư Quỳnh Nga.

Hà Mỹ Xuân đã định cư ở Pháp gần 30 năm. Trong giai đoạn này, cô vẫn không ngừng tham gia ca diễn cải lương. Tuy nhiên, ở cô có cái đặc biệt, đó là cô hơi « khó tính » trong nghệ thuật, bởi vậy không phải sô nào cô cũng nhận lời, mà cô luôn chọn lọc những nơi có thể cho cô không gian ca diễn cải lương thật sự. Dù sô lớn hay nhỏ, Hà Mỹ Xuân luôn tỉ mỉ từng lời ca từng động tác biểu diễn.

Tuổi đã về chiều, Hà Mỹ Xuân vẫn luôn tâm niệm đóng góp cho cải lương. Và vừa qua, Hà Mỹ Xuân đã đứng ra thành lập một Hội bảo tồn cải lương mang tên là Về Nguồn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về ý nghĩa của cái tên Về Nguồn, Hà Mỹ Xuân cho biết, mục đích của việc thành lập hội không phải là để kinh doanh, mà là để góp phần bảo tồn cải lương trên đất khách. Hà Mỹ Xuân nói thêm, đây là một hội thuần túy về văn hóa, với phương châm là “ca diễn đúng bản chất của cải lương”. Và chính vì thế mà Hội có cái tên Về Nguồn.

Một số gương mặt của Hội Cải lương Về Nguồn

Sát cánh Hà Mỹ Xuân trong việc thành lập hội còn có nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Liên, nam nghệ sĩ Lý Kim Thành, MC Tố Nga và nhà sử học Lê Hồng Phước.

Hà Mỹ Liên là nghệ sĩ từng chia vai với nghệ sĩ Lệ Thủy trong những năm 1960 khi hai người ở đoàn Kim Chung. Hà Mỹ Liên chính là người đã đặt nghệ danh cho nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và dìu dắt Hà Mỹ Xuân trong những ngày chập chững vào nghề. Vì lý do gia đình, Hà Mỹ Liên đã rời sàn diễn và đến định cư ở Pháp trên 30 năm nay.

Tuy phải vất vả chạy ngược chạy xuôi với nhiều nghề khác nhau như MC, ca sĩ hay tấu hài, nhưng cái máu cải lương trong Hà Mỹ Liên vẫn luôn sôi sục. Hà Mỹ Liên dù bận rộn đến đâu cũng tranh thủ mọi cơ hội để được hát cải lương. Hiện tại, dù sức khỏe và giọng ca đã yếu đi rất nhiều, nhưng khi lên sân khấu là Hà Mỹ Liên ca diễn hết mình, đặt biệt tài năng diễn xuất của Hà Mỹ Liên thì thuộc đẳng cấp thế hệ nghệ sĩ vàng.

Nam nghệ sĩ Lý Kim Thành cũng đã định cư ở Pháp gần 30 năm. Đây là một nghệ sĩ luôn sôi nổi trong các hoạt động cải lương. Lý Kim Thành hầu như có mặt ở khắp nơi trên đất Pháp để biểu diễn cải lương. Bất kể sô lớn sô nhỏ, miễn được hát cải lương là anh nhận lời ngay.

Trên đất Pháp, dù không sống bằng nghề cải lương, nhưng Lý Kim Thành vẫn luôn chăm chút cho cải lương. Vợ chồng anh đã phải làm nghề khác để lấy tiền bù qua cho các hoạt động cải lương của mình. “Gia tài” cải lương của Lý Kim Thành tại Pháp có hẳn một căn phòng dành riêng cho việc cất giữ phục trang, từ áo, mão, cân, đai đến kích, thương, gươm, giáo.

Cái quý nhất ở Lý Kim Thành là một tấm lòng yêu cải lương vô hạn, sẳn sàng làm mọi thứ cho cải lương. Đây là một điều đáng quý trong bối cảnh hiện tại có không ít nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp trong nước trở nên «lạnh nhạt » với nghề.

Nói về MC Tố Nga, có thể nói rằng, đây là một MC có mặt khắp nơi ở Pháp, nhất là tại khu vực Paris. Điều đáng quý ở Tố Nga đó là : chị là một MC rất có duyên của sân khấu cải lương, và bản thân cũng rất mê làm MC cho các tiết mục cải lương, dù nó không có nhiều trên đất Pháp. Điều đặc biệt ở Tố Nga, đó là chị là một MC song ngữ Pháp-Việt rất có nghề với khả năng chuyển ngữ chuyên nghiệp, đặc biệt là trong các chương trình cải lương. Điều này rất có ích cho việc quảng bá cải lương trên đất Pháp.

Buổi biểu diễn ra mắt : Hương sắc cải lương

Với những nhân vật chủ chốt trên, Hội Bảo Tồn cải lương Về Nguồn đã ra đời và sẽ có buổi biểu diễn ra mắt vào ngày 06/10/2013 tại Théâtre de Charenton ngoại ô Paris. Buổi biểu diễn sẽ bao gồm những đoạn trích hay nhất trong hai vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa và Ngao Sò Ốc Hến với nhiều diễn viên : Tại Pháp có Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước, ca sĩ Trung Hiếu và ca sĩ Hoàng Thành ...Từ Việt Nam sang có vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ, nam nghệ sĩ trẻ Trọng Phúc, và MC-đạo diễn Thanh Hiệp. Từ Hoa Kỳ thì có nam nghệ sĩ Mai Thế Hiệp.

Nói về hai vở tuồng được chọn trong buổi ra mắt nói trên, ta thấy đây có thể được xem lại hai vở tuồng kinh điển đại diện cho cải lương chính kịch và cải lương hài.

Bên Cầu Dệt Lụa hay Trần Minh Khố Chuối là một trong những vở tuồng thuộc thể loại chính kịch hay nhất. Vở tuồng này của soạn giả Thế Châu, kể về số phận của chàng hàn sĩ tên Trần Minh. Do gia cảnh suy sụp sau khi cha mất, mẹ thì lâm bệnh nặng, Trần Minh bị gia đình người vợ hứa hôn bội ước. Duy chỉ có người vợ hứa hôn của Trần Minh là Quỳnh Nga đã giữ trọn tấm lòng chung thủy.

Nàng đã thoát ly gia đình ra dựng quán chăn tầm dệt lụa bên cầu để lấy tiền nuôi Trần Minh ăn học. Bằng hành động này, nàng cũng muốn chuộc tội thay cha. Về phần mình, Trần Minh đã cố công ăn học và đổ trạng nguyên. Khi được vua ra lệnh tứ hôn cho công chúa, Trần Minh đã liều chết từ chối ngôi phò mã để trọn tình vẹn nghĩa với Quỳnh Nga. Tình yêu và lòng son sắc của hai người cuối cùng đã chiến thắng uy quyền và thế lực để đạt đến cái chân thiện mỹ.

Đây là một vở tuồng mang tính giáo dục cao về lòng thủy chung và ý chí vươn lên của con người. Vở tuồng nổi tiếng đến mức mà người Nam Bộ mỗi khi muốn khen ai vượt khó học hành thì bảo người đó là bảo « Trần Minh khố chuối”. Cái công “dân gian hóa” Bên Cầu Dệt Lụa lớn nhất có lẽ là của đôi nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga. Thanh Sang đã để đời với vai Trần Minh qua lối diễn xuất chân phương và giọng ca “trời sầu đất thảm ». Thanh Nga thì đã trở nên bất tử với vai Quỳnh Nga qua giọng ca trầm buồn và lối diễn xuất nội tâm thượng thừa. Với vai diễn này, Thanh Nga đã làm khó cho các thế hệ sau bởi mỗi khi nhắc đến Quỳnh Nga trong Bên Cầu Dệt Lụa là người ta nghĩ ngay đến Thanh Nga.

Thanh Nga đã về cõi vĩnh hằng hơn 30 năm. Như đã nói, Hà Mỹ Xuân được xem là người kế thừa thành công nhất vai diễn Quỳnh Nga của Thanh Nga. Đến với Hà Mỹ Xuân, khán giả sẽ được thưởng thức một lối diễn xuất theo trường phái nội tâm như Thanh Nga. Nhưng với giọng ca cao và lối ca nhấn chữ độc đáo, Hà Mỹ Xuân sẽ mang đến cho vai Quỳnh Nga một hơi thở mang dấu ấn rất riêng.

Đến với vở Ngao Sò Ốc Hến, đây là một vở tuồng tiêu biểu cho thể loại cải lương hài. Vở tuồng này của tác giả Nguyễn Thành Châu, và đã trở nên bất tử qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn Ba Vân.

Ngao Sò Ốc Hến là tên của bốn nhân vật trong vở tuồng: thầy bói Ngao, tên trọc phú Trùm Sò, tên trộm Ốc và người phụ nữ góa chồng Thị Hến. Số là do quá nghèo túng, Bói Ngao và Ốc đã rũ nhau đến nhà Trùm Sò ăn trộm. Sau đó, cả hai bị Lý Trưởng bắt quả tang. Nhưng Lý Trưởng không bắt hai người này, mà lại cho người mang đồ mất trộm của Trùm Sò lén để vào nhà Thị Hến với mưu đồ ghép cho y thị tội « chứa đồ gian », với thâm ý ép Thị Hến làm vợ bé. Sau đó, Lý Trưởng đã thông đồng cùng bọn lên đồng đến nhà Thị Hến tìm ra tang vật. Sự việc được giải lên Huyện Trìa. Thế là, giữa công đường, nhan sắc của Thị Hến đã làm điên đảo Huyện Trìa và Thầy Đề. Cán cân công lý của huyện đường đã nghiên hẳn về nhan sắc của Thị Hến và thế là Thị Hến thắng kiện, còn Trùm Sò và Lý Trưởng phải bị phạt tiền. Riêng Trùm Sò còn bị cảnh đòn roi. Đây là một vở cải lương hài có tính châm biếm sâu sắc, có tính thời sự ở mọi thời đại, bởi thời nào mà không có quan tham, không có những thói hư tật xấu.

Có thể nói rằng, Ngao Sò Ốc Hến là vở tuồng đã tạo ra nhiều “ngôi sao” nhất vì nó đã bất tử hầu hết các diễn viên tham gia : Thanh Điền đã bất tử với vai Huyện Trìa, Thanh Kim Huệ bất tử với vai Thị Hến, Giang Châu bất tử với vai Trùm Sò, Nam Hùng bất tử với vai Thầy Đề, Kép độc Trường Xuân bất tử với vai Bói Ngao, Hoàng Ấn bất tử với vai Ốc... Đặc biệt hơn hết, hễ nhắc đến Ngao Sò Ốc Hến, là người ta nghĩ ngay đến Thanh Điền-Thanh Kim Huệ-Giang Châu. Trong buổi ra mắt vào ngày 06 tháng 10 tới đây, khán giả sẽ tái ngộ Thanh Kim Huệ trong vaiThị Hến và Thanh Điền trong vai Huyện Trìa.

Trong hai vở tuồng nêu trên, phần “cây nhà lá vườn” sẽ có những nghệ sĩ của Hội Về Nguồn như Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước, MC Tố Nga. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của hai nam ca sĩ Trung Hiếu và Hoàng Thành. Đây là hai ca sĩ trẻ năng động và rất có tiềm năng, được cảm tình của nhiều bà con Việt Nam tại Pháp. Về phần dàn đờn thì sẽ có những cây đờn độc đáo như Minh Thanh, Thanh Dũng, Ngân Hà, Xuân Phước và Thanh Sơn.

Buổi biểu diễn sẽ có sự góp mặt của một dàn nghệ sĩ hùng hậu từ hải ngoại: Đến từ Việt Nam thì có Thanh Điền, Thanh Kim Huệ. Khán giả cũng sẽ được dịp thưởng thức tài năng ca diễn của nam nghệ sĩ Trọng Phúc-một trong những nam nghệ sĩ hàng đầu trong thế hệ nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam. Bên cạnh còn có MC-Đạo diễn cải lương Thanh Hiệp. Đến từ Hoa Kỳ thì có nam nghệ sĩ Mai Thế Hiệp.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, và trong giai đoạn cải lương ít khách như hiện nay, thì việc dàn dựng một chương trình cải lương với “cây nhà lá vườn” đã là khó, chứ đừng nói chi đến việc mời những nghệ sĩ lớn từ nước khác. Đây không chỉ là khó khăn trong công tác tổ chức, mà điều đáng nói là nó sẽ là một thách thức tài chính to lớn.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với Hội Về Nguồn, và được nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, với tư cách Hội trưởng, cho biết: “Thách thức về tài chính thì chắc rồi, nhưng Hội phải cố hết sức, cầu cho lấy huề đã là Tổ đãi rồi. Thế nhưng, cái lớn nhất mà Hội cũng như cá nhân tôi mong muốn đó là có thể làm được một chương trình cải lương đúng nghĩa để giới thiệu cùng bà con Việt Nam mình ở Pháp. Nếu buổi biểu diễn thành công và ghi được dấu ấn tốt đẹp trong lòng bà con, thì đó sẽ là món lợi to lớn nhất đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi”. Hà Mỹ Xuân cho biết thêm : « Trong cái tinh thần « làm cải lương đúng nghĩa » đó, nên chúng tôi đã đặt tên cho buổi biểu diễn ra mắt của Hội là Hương sắc cải lương » .

Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, cải lương trong nước cũng gặp lắm khó khăn, không ít chương trình cải lương đã bị lai tạp và thương mại hóa. Vì thế, cải lương ngày càng mất khán giả, bởi thế hệ già từng tâm huyết với cải lương thì cảm thấy bị hụt hẳn, còn thế hệ trẻ vốn đã xa lạ với cải lương lại càng khó lòng yêu được bởi chưa cảm nhận được « hương sắc » thật sự của cải lương.

Trong bối cảnh đó, việc thành lập Hội bảo tồn cải lương Về Nguồn và buổi biểu diễn « Hương sắc cải lương » là một cố gắng và là một tấm lòng vì cải lương đáng trân quý và đáng ghi nhận. Và đây rõ ràng cũng là một tin « đại hỉ » cho nền sân khấu cải lương nói chung trong giai đoạn cải lương khó khăn như hiện nay.

***

Trình diễn từ 14h Chủ nhật 06/10/2013
Théâtre 2 Rives Charenton
107 rue de Paris – 94220 Charenton le Pont

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.