Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Portofino, tượng thanh thắng cảnh mộng lành địa danh

Đăng ngày:

Vào đầu năm 2013, danh ca tenor người Ý Andrea Bocelli cho phát hành tập nhạc mang tựa đề Đam Mê (Pasione). Ngoài các bản bolero tiêu biểu cho dòng nhạc La Tinh, Andrea Bocelli còn đưa người nghe vào thế giới âm nhạc đầy nắng ấm, đi thăm các địa danh nên thơ, hữu tình của Brazil và của miền Địa Trung Hải.

Thị trấn Portofino trở nên nổi tiếng nhờ bài hát cùng tên (DR)
Thị trấn Portofino trở nên nổi tiếng nhờ bài hát cùng tên (DR)
Quảng cáo

Nếu như bờ biển Ipanema và đỉnh đồi Corcovado là những danh lam tiêu biểu cho thành phố Rio de Janeiro, thì bản nhạc Love in Portofino lồng câu chuyện tình vào một thắng cảnh nổi tiếng của nước Ý. Bài hát được ghi âm lần đầu tiên vào tháng Năm năm 1958, do tác giả Ferdinando (Fred) Buscaglione (1921-1960) sáng tác và trình bày.

Sinh trưởng tại Torino, miền bắc nước Ý, Ferdinando có năng khiếu âm nhạc từ thuở thiếu thời nên được cha mẹ cho theo học đàn tại nhạc viện thành phố Torino. Sau khi tốt nghiệp, ông kiếm sống nhờ nghề chơi nhạc jazz tại các quán nhạc, phòng trà.

Nhạc cụ sở trường của ông là đàn contrebasse và violon. Thời nhập ngũ đi lính, ông chủ yếu tham gia vào ban nghệ quân đội, nhưng chỉ được hát và sáng tác ca khúc tiếng Ý, bởi vì trong giai đoạn toàn trị của nhà độc tài Mussolini, phim ảnh cũng như các ca khúc nhạc ngoại đều hoàn toàn bị cấm.

Sau khi nước Ý bại trận, chiến tranh thế giới thứ nhì chấm dứt, Ferdinando bị quân đội đồng minh giam cầm trong gần một năm, nhưng nhờ có tài nghệ đàn hát, nên ông được quyền tham gia biểu diễn cho các đài phát thanh địa phương. Một khi được giải ngũ, ông trở về nguyên quán và chính thức chọn con đường sân khấu từ năm 1949 trở đi.

Vào đầu những năm 1950, làn sóng điện ảnh Hollywood đổ ập vào châu Âu trong giai đoạn tái thiết. Nhạc phim, nhạc jazz cũng như phong cách của các ngôi sao màn bạc Mỹ ảnh hưởng sâu đậm đến lối sáng tác của Ferdinando. Ông chọn nghệ danh là Fred Buscaglione, và vay mượn cung cách ăn mặc của thần tượng điện ảnh Clark Gable, từ mép râu dày cho đến cách chải tóc mượt. Để hát nhạc tình, có lẽ không có gì lý tưởng bằng việc hóa thân thành một trong những người đàn ông đẹp trai nhất hành tinh.

Thành danh nhờ nghề ca hát và đóng phim, Fred Buscaglione trong cách diễn đạt thiên về lối hát đầy ngẫu hứng, dùng ca từ rất ngắn mà tượng thanh (scat) của dòng nhạc jazz nhiều hơn là nhạc nhẹ. Có thể nói Fred Buscaglione là một trong những scatman đầu tiên, chứ không phải là crooner của nước Ý.

Phong cách này ảnh hưởng sau đó đến ca sĩ Paolo Conto trong bài hát Via Con Me ăn khách vào năm 1981. Nhưng khi hát nhạc tình, Fred Buscaglione cũng biết nhã chữ thì thầm. Ông sáng tác bài Love in Portofino (Tình yêu tại Portofino) vào năm 1958, sau một chuyến ghé thăm thị trấn ven biển này, nằm cách thành phố Torino 140 cây số về phía nam.

Bản nhạc nhanh chóng trở thành sáng tác ăn khách nhất của ông, cho dù chỉ có câu mở đầu là bằng tiếng Anh, toàn bộ phần còn lại được viết bằng tiếng Ý. Đây cũng là ca khúc duy nhất ông viết theo thể điệu rumba vào thời mà dòng nhạc khiêu vũ đang trở nên cực thịnh tại châu Âu. Đang trên tột đỉnh danh vọng, ông đột ngột qua đời vào năm 38 tuổi do tai nạn giao thông.

Với hơn hai triệu đĩa đơn bán chạy trong mùa hè năm 1958, bài Portofino tiếp tục ăn khách một năm sau đó với các phiên bản chuyển dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Hà Lan, Hy Lạp … Riêng trong tiếng Pháp, bài hát có đến hai lời khác nhau. Lời đầu tiên được tác giả Jacques Larue chuyển dịch khá gần sát, giúp cho phiên bản ghi âm của Dalida phá kỷ lục số bán vào năm 1959.

Lời tiếng Pháp thứ nhì do hai tác giả G. Coulonges & R. Denoncin dịch rất thoát ý, hoàn toàn là một bản phóng tác được ca sĩ Nathalie Degand (nghệ danh là Zóe) ghi âm vào năm 1966 dưới tựa đề La Mélodie Mélancolique (Khúc nhạc buồn). Trong vòng nửa thế kỷ, hàng trăm nghệ sĩ đều cùng ghi âm một bản nhạc tình.

Trái với nhạc phẩm Portofino, từng được nhiều người thu đi thu lại, bài hát đề tựa Monaco 28° à l’ombre (có nghĩa là 28 độ dưới bóng râm) thuộc vào hàng ‘‘one hit wonder’’, tức là bản nhạc ăn khách duy nhất của một nghệ sĩ.

Bản nhạc này có giai điệu ngọt ngào khá quen thuộc, nhờ tiếng đệm đàn du dương, tiếng sóng vỗ dạt dào. Nhưng khi nhắc đến cái tên Jean François Maurice, thì chẳng có người nào biết tác giả là ai. Đằng sau cái nghệ danh này là nhà sản xuất kiêm nhạc sĩ người Pháp Jean Albertini (1947-1996).

Lúc còn trẻ, ông vào nghề sáng tác một cách tình cờ ngẫu nhiên, vì bố mẹ ông là bạn thân của gia đình nam ca sĩ Claude Nougaro. Khi phong trào nhạc trẻ những năm 1960 bắt đầu rộ lên ở Pháp, ông bắt đầu viết ca khúc cho lớp ca sĩ mới.

Chính ông là người đã viết lời ca cho hai ca khúc cực kỳ nổi tiếng của danh ca Christophe là Aline và Les Marionnettes. Ông cũng viết bài La Plage aux Romantiques cho ca sĩ Pascal Danel cũng như nhiều ca khúc khác cho Hervé Vilard hay Michèle Torr.

Sau hơn một thập niên viết nhạc cho người khác, ông ghi âm nhạc phẩm 28° à l’Ombre (tiểu tựa là Monaco) vào năm 1978, xen kẻ giọng đọc với giọng hát, kết hợp hình ảnh sang trọng của thành phố Moncaco với bờ biển cát ngà của hải đảo Maurice (Mauritius Island). Bởi vì ở Monaco, chẳng hề có rặng dừa xanh bên bờ cát trắng.

Được sáng tác ban đầu như một điệu nhạc quảng cáo du lịch, điều mà sau này sẽ nhiều lần được khai thác qua phim ảnh, bản nhạc này phá kỷ lục số bán vào mùa hè năm 1978, ăn khách hơn cả nhạc phẩm L’Été Indien của Joe Dassin phát hành ba năm trước đó. Bản nhạc của Jean Albertini cũng tiếp tục thành công trong hai lần tái bản vào những năm 1980.

Vô hình chung, cả hai bài hát Portofino và Monaco (28° à l’Ombre) đều góp phần là giàu bộ vựng tập bao gồm các bản nhạc chọn địa danh làm tựa đề. Đó là trường hợp của Syracuse, Ipanema, Corcovado, Granada, Venise, Solenzara hay Porto Vecchio.

Khác biệt hay chăng là tầm vóc và uy tín sẵn có của các địa danh, xinh như mộng, đẹp như tranh. Nói cách khác, các thành phố như Capri hay Monaco đã nổi tiếng từ lâu rồi chứ không cần có bài hát của Hervé Vilard hay của Jean Albertini.

Đổi lại, nhờ vào tác giả Fred Buscaglione, mà thị trấn hiền hoà Portofino trở nên một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước Ý, với tháp chuông của nhà thờ San Martino lơ lững trên đỉnh đồi, gióng lên tiếng gọi mời cho bao đôi bạn đời, lúc tình yêu vừa tới.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.