Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Calypso, lễ hội nhịp nhàng đốt mía dân gian

Đăng ngày:

Trong suốt mùa hè này, đài RFI đã đưa quý thính giả và các bạn khám phá lại những bản nhạc quen thuộc. Trong các ca khúc nổi tiếng ấy, không phải chỉ có dòng nhạc La Tinh kinh điển, mà còn có những giai điệu đến từ Caribê, với âm thanh sống động rộn ràng những mùa lễ hội hóa trang.

Quảng cáo

06:07

Liên khúc Calypso 2013

Nhắc tới vùng biển Caribê, người ta thường nghĩ tới ngay thể điệu calypso của Trinidad Tobago, điệu reggae của Jamaica hay điệu zouk đến từ quần đảo Antilles. Dòng nhạc reggae ra đời vào cuối những năm 1960, còn zouk thành hình đầu thập niên 1980.

So với hai thể điệu này, calypso có nguồn gốc xa xưa hơn, chính thức ra đời từ đầu thế kỷ XX, nhưng thật ra là biến thể của truyền thống dân ca đồng án gọi là mento có từ thế kỷ XVII. Trong làng nhạc quốc tế, có rất nhiều ca khúc thường được chuyển thể theo điệu calypso.

Về từ ngữ, chữ calypso xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1930 trước khi du nhập vào các nước Âu Mỹ. Nhiều nguồn ghi rằng calypso bắt nguồn từ chữ kaa-iso hiểu theo nghĩa ‘‘cứ tiếp tục đi’’ trong thổ ngữ ibibio các vùng miền tây châu Phi.

Trong một bài ca dân gian, đó là một cách hát nện, thúc giục công việc đồng án, gặt hái mùa màng. Vào giữa thế kỷ XVII, các điền chủ người Pháp lập nông trại trên các vùng đất thuộc địa, họ đem theo nhân công nô lệ từ Tây Phi đến các hải đảo để trồng mía, cà phê hay cacao.

Tại Guadeloupe, Martinique, Saint Domingue hay Trinidad & Tobago (tiếng Pháp là Trinité & Tobago), điệu calypso ban đầu được hát với thổ ngữ creole với nhiều ảnh hưởng tiếng Pháp. Sau này, Trinidad & Tobago mới sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Sau một thời gian dài là vùng đất thuộc địa của Anh, hải đảo này mới tuyên bố độc lập vào năm 1962.

Dưới thời thuộc địa, người nô lệ do không được quyền tham dự lễ hội hóa trang carnaval, cho nên họ mới sáng lập ra một lễ hội tương tự gọi là canboulay, xuất phát từ chữ ‘‘cannes brûlées’’ có nghĩa là đốt ruộng mía, mở ra thời kỳ nghỉ ngơi ăn chơi sau khi làm xong công việc đồng án, thu hoạch mùa màng.

Cuộc Cánh mạng Pháp vào năm 1789 và nhất là sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ vào năm 1834 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt tại các hải đảo thuộc địa. Lễ hội đốt mía trở thành lễ hội hoá trang chính thức của Trinidad Tobago, và sẽ giúp phát triển mạnh dòng nhạc calypso.

Nói như vậy không có nghĩa là calypso chỉ đơn thuần là một điệu nhạc giải trí, calypso có thể dùng ca từ như một loại vũ khí để đả kích chính quyền, chỉ trích kiểm duyệt tư tưởng hay để nói lên khát vọng độc lập cũng như điệu reggae đã từng làm trên đảo Jamaica.

Bản nhạc ghi âm đầu tiên theo điệu calypso ra đời vào năm 1912 của nhóm Lovey’s String Band. Do chế độ kiểm duyệt gắt gao, thậm chí chính quyền thuộc địa lập ra danh sách những bài hát cấm được phổ biến, cho nên nhiều bản calypso ghi âm trong thời gian đầu thường là nhạc không lời, nếu có đặt ca từ thì các tác giả phải biết dùng lời cho khéo, dùng cách nói vòng hay ví von để dễ luồn lách kiểm duyệt.

Thập niên 1930 mở ra thời kỳ vàng son cho calypso khi thể điệu này được đem ra nước ngoài, phổ biến rộng rãi. Người đã góp trong việc phổ biến calypso là nhà kinh doanh Eduardo Gomes Sa, người gốc Bồ Đào Nha. Ngoài việc phát hành đĩa nhựa thông qua cửa hàng buôn bán ở thành phố cảng Port of Spain, ông còn là người đầu tiên đưa các nghệ sĩ quê nhà (như Roaring Lion, Attila the Hun, Lord Invader) ra nước ngoài để ghi âm và biểu diễn.

Bản nhạc calypso đầu tiên ăn khách trên thị trường quốc tế là bài Rum & Coca Cola mà ban tam ca Andrews Sisters ghi âm vào năm 1944. Trong nguyên tác, đây là một ca khúc của Lord Invader. Bản nhạc này rất ăn khách với cả trăm phiên bản ghi âm khác nhau, qua nhiều thời kỳ giai đoạn.

Người nghe chủ yếu giữ lại trong tâm trí cái nhịp điệu rộn ràng vui tươi, nhưng lại chóng quên rằng nội dung ca từ nguyên gốc chỉ trích việc thiết lập những căn cứ quân sự Mỹ đầu tiên trên hòn đảo, kéo theo sự bùng phát của nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mại dâm …

Sau thành công của bản nhạc Rum & Coca Cola, thể điệu calypso càng lúc càng trở nên thương mại. Ngoài một số bài thuần chất calypso như bản Jean & Dinah do Mighty Sparrow ghi âm vào năm 1956 (Mighty Sparrow sau đó trở thành một trong những tên tuổi lớn của dòng nhạc này), chữ calypso được khai thác như một thương hiệu quảng cáo.

Trong cùng một năm, Harry Belafonte phá kỷ lục số bán với hơn một triệu bản tập nhạc mang tựa đề Calypso. Trên album này có nhạc phẩm Banana Boat Song. Tuy nhiên khi nghe kỹ lại, ngoại trừ bài Banana Boat Song, tập nhạc này lại gần giống nhiều hơn với dân ca đảo Jamaica.

Trong vòng nhiều năm liền, kỹ nghệ điện ảnh giải trí Hollywood gắn nhãn mác calypso cho tất cả những âm thanh đến từ các quần đảo, mà ít có phân biệt đó có thật là calypso hay không ? Trường hợp điển hình là ca khúc chủ đề bộ phim Fun in Acapulco (1963) do ông hoàng Elvis Presley thể hiện.

Một vài bản nhạc khác như bài Calypso Mexico hoặc là bản Calypso do Michel Berger sáng tác cho France Gall dùng chữ này để làm giàu vần điệu trong khi khúc nhạc lại phối theo một nhịp điệu hoàn toàn khác hẳn.

Từ giữa những năm 1960 trở đi, trước sự trỗi dậy của nhiều dòng nhạc mới, trong đó có bossa nova đến từ Brazil, điệu calypso không còn thịnh hành như những thập niên về trước. Thể điệu này chỉ tìm được một luồng sinh khí mới khi hòa quyện với jazz, tiêu biểu qua album Jambo Caribe do Dizzy Gillespie ghi âm vào năm 1964 với James Moody và Kenny Barron.

Từ cuối những năm 1970 trở đi, calypso được kết hợp với điệu biguine, esay listening hay phong trào surf music để cho ra đời nhiều giai điệu mùa hè trữ tình tươi mát. Các nghệ sĩ thời nay khi phóng tác hoặc chuyển thể theo calypso chủ yếu muốn vay mượn những hình ảnh gắn liền với thể điệu này, phổ biến qua phim ảnh quảng cáo. Họ cũng kết hợp với nhiều làn điệu khác như soca, zouk hay reggae.

Các tác giả thời nay cũng chỉ giữ lại cái vỏ bọc nhiều hơn là cái cốt, họ yêu chuộng cái nhịp điệu tươi thắm rộn ràng chứ ít quan tâm đến cội nguồn dĩ vãng, cái truyền thống đốt mía dân gian, khi gốc rễ úa vàng. Khúc hoan ca đồng án với niềm hy vọng miên man thấy được một ngày mai tươi sáng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.