Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Bài học từ buổi ra mắt Hội Cải Lương Về Nguồn

Đăng ngày:

Ngày 06/10 vừa qua, buổi biểu diễn ra mắt Hội Cải Lương Về Nguồn của nhóm nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân đã diễn ra tại rạp hát 2 Rives Charenton, ngoại ô Paris. Buổi diễn đã mang đến cho khán giả tại Pháp một chương trình không quy mô, nhưng đầy sự nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Thanh Điền và Hà Mỹ Liên  hội ngộ tại Paris  (Ảnh : RFI / Lê Phước)
Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Thanh Điền và Hà Mỹ Liên hội ngộ tại Paris (Ảnh : RFI / Lê Phước)
Quảng cáo

Tại buổi diễn này, khán giả và nghệ sỹ đã tìm thấy một điểm chung: Cả hai cùng trân trọng sân khấu cải lương. Đó cũng là một bài học quý giá cho việc bảo tồn cải lương trong thời buổi sân khấu cải lương khó khăn như hiện nay.

Như kế hoạch ban đầu, buổi biểu diễn ra mắt Hội Bảo tồn Cải Lương Về Nguồn diễn ra với các trích đoạn hay nhất trong hai vở : Bên Cầu Dệt LụaNgao Sò Ốc Hến. Bên Cầu Dệt Lụa là vở tuồng kinh điển cho thể loại chính kịch với thông điệp giáo dục cao : Tấm gương vượt khó học tập và tấm lòng son sắt thủy chung.

Còn Ngao Sò Ốc Hến là một vở cải lương hài kinh điển, mang ý nghĩa châm biếm độc đáo, mà tính đến hiện tại, chưa vở cải lương hài nào vượt qua được. Nó phê phán những tiêu cực của mọi thời đại : Quan tham và quan dê.

Hội Về Nguồn đã cố gắng huy động những nghệ sỹ gạo cội để thực hiện hai vở tuồng kinh điển này. Đối với Bên Cầu Dệt Lụa, vai Quỳnh Nga do nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân thủ diễn. Đây là một trong những vai thành công nhất của cô. Sau khi Thanh Nga mất vào năm 1978, Hà Mỹ Xuân đã tiếp bước Thanh Nga thể hiện thành công vai diễn này. Vai Trần Minh do nghệ sỹ Trọng Phúc thủ diễn.

Trọng Phúc có thế mạnh là một giọng ca và một cách ca tạo được chỗ đứng riêng trong làng sân khấu cải lương. Hai nghệ sỹ gạo cội Thanh Điền và Thanh Kim Huệ thủ vai Quan Huyện và Công Chúa. Thêm vào đó, Hội cũng tranh thủ mời được nhà báo-MC-đạo diễn Thanh Hiệp nhân dịp anh đến du lịch tại Paris. Thanh Hiệp cùng MC Tố Nga của Hội đã biên tập một chương trình có chất lượng nghệ thuật cao. Ngoài ra, còn có các nghệ sỹ tại Pháp tham gia: Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước và Tuấn Anh.

Đến với vở Ngao Sò Ốc Hến thì khán giả đã tái ngộ Thanh Điền trong vai Huyện Trìa và Thanh Kim Huệ trong vai Thị Hến. Hai nghệ sỹ này đã làm khán phòng không ngớt tiếng vỗ tay với cách ca diễn thuộc trình độ bậc thầy. Nhà báo-MC Thanh Hiệp đã bất ngờ xuất thần với vai Thầy Đề, một ông Đề dê xồm rất có duyên, không bị che khuất bởi cái bóng mà nghệ sỹ Nam Hùng đã tạo cho vai diễn này.

Nghệ sỹ Lý Kim Thành bấy lâu nay chuyên đóng kép mùi, cũng đã bất ngờ tạo dấu ấn mới với vai Thầy Lý. Đặc biệt, nghệ sỹ Tuấn Anh, một sinh viên đang học tại Bordeaux, lần đầu tiên lên sân khấu, nhưng đã thu được không ít sự vỗ tay tán thưởng của khán giả khi anh thủ vai Lệ Cửu.

Sau buổi diễn, các nghệ sỹ đã gấp rút về nước để làm bù lại những việc mà họ đã phải tạm dừng để sang Pháp tham gia chương trình ra mắt Hội Về Nguồn. Trước khi rời Paris, hai nghệ sỹ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đã dành chút thời gian quý báu trao đổi cùng phóng viên RFI Việt Ngữ.

Thanh Kim Huệ: “Thợ ca”

Nghệ sỹ Thanh Kim Huệ dù tuổi đã gần lục tuần, nhưng giọng ca vẫn ngọt ngào đến mức không tưởng được. Thanh Kim Huệ có giọng kim, ca rất ngọt. Cô có lối ca lạng bẻ rất hoa lá, nhưng cách điều hơi rất chuẩn và rất vừa, cộng với nhịp nhàng chắc chắn, khiến cho tiếng ca của Thanh Kim Huệ như hương hoa lan thoang thoảng, không quá nồng, nhưng đủ để người ta cảm nhận được hương thơm và vì thế để nó len lỏi vào tâm can lúc nào mà không hay biết.

Lâu nay, Thanh Kim Huệ và Thanh Tuấn được mệnh danh là “thợ ca” trong làng sân khấu cải lương. Thanh Kim Huệ tham gia quay vở Ngao Sò Ốc Hến vào năm 1982. Vai Thị Hến là một dấu son trong sự nghiệp ca hát của cô. Trong vai Thị Hến, Thanh Kim Huệ đã tạo ra một cái ngưỡng mà đến hiện tại chưa ai bước qua được.

Lê Phước: Thân chào nghệ sỹ Thanh Kim Huệ, đầu tiên xin cô chia sẻ đôi điều về bí quyết thành công vai Thị Hến?

Nghệ sỹ Thanh Kim Huệ : Thoạt đầu, khi nhận vai này, Thanh Kim Huệ rất lo, vì đây là một vai ngoài tính chất của mình. Thế nhưng, từ rất lâu rồi, từ khi bắt đầu đi diễn thì Thanh Kim Huệ đã thích những vai lẳng, vai độc, những vai quậy. Khi nhận vai Thị Hến, lúc đầu Thanh Kim Huệ thấy lo vì không biết phải hát thế nào. Đây không phải là vai độc, lẳng cũng không phải lẳng.

Nhưng mà cô Thị Hến lẳng lơ là để trừng trị bọn quan tham háo sắc,thì mình phải diễn thế nào cho có chừng mực, mình phải diễn cho lẳng lơ nhưng phải có một chút gì đó để khán giả thấy là cô này có ý đồ trừng trị tham quan. Thanh Kim Huệ sáng tạo ra những động tác, từ cái tay vẫy vẫy với Thầy Đề, hay là lắc lắc mông ở giữa huyện đường. Thanh Kim Huệ diễn như vậy thì được khán giả thích thú. Thanh Kim Huệ rất mừng vì mình đã làm tròn được vai trò của mình.

Lê Phước : Thưa cô, còn bí quyết để ca hay?

Nghệ sỹ Thanh Kim Huệ : Lúc đầu Thanh Kim Huệ ca rất dở vì không biết bí quyết ca thế nào cho hay. Sau đó, Thanh Kim Huệ nghiên cứu và thấy là phải học hỏi theo đàn chị đi trước. Thanh Kim Huệ học hỏi theo cách ca của chị Lệ Thủy và chị Mỹ Châu, vì hai người đó Thanh Kim Huệ rất hâm mộ.

Có một giai đoạn, Thanh Kim Huệ ca rất giống chị Lệ Thủy. Sau đó, Thanh Kim Huệ mới từ từ sáng tạo thêm. Thanh Kim Huệ nghĩ rằng, phải tìm một hướng đi, thử ca lạng lách coi thế nào. Như câu vọng cổ thay vì vô bình thường, thì mình thử vô lạng lách xem sao. Sau đó được hãng dĩa Việt Nam mời, Thanh Kim Huệ áp dụng cách hát này thì được thành công.

Lê Phước: Được biết ở Việt Nam, hiện tại hoạt động nghệ thuật của cô rất sôi nổi ?

Nghệ sỹ Thanh Kim Huệ : Hiện tại, ở Việt Nam, Thanh Kim Huệ cũng chạy show thường xuyên, trực tiếp truyền hình cũng có, từ thiện cũng có, các show tiệc lớn, show ở hội chợ thương mại ….

Thanh Điền: “Đạo diễn cột trống”

Nghệ sỹ Thanh Điền rất bận rộn suốt với việc đóng phim tại Việt Nam. Thế nhưng, như bà xã Thanh Kim Huệ, khi biết Hội Cải Lương Về Nguồn có buổi ra mắt, Thanh Điền đã lập tức gác lại mọi chuyện để cùng vợ sang Pháp tham gia trong hy vọng góp phần bảo tồn nghệ thuật cải lương. Lần này, Thanh Điền sang Pháp, ngoài vai trò diễn viên, Hội Về Nguồn còn nhờ chú kiêm luôn phần đạo diễn, toàn quyền dàn dựng hai vở tuồng trong buổi lễ ra mắt.

Lê Phước: Thưa nghệ sỹ Thanh Điền, xin chú cho biết cảm tưởng về buổi biểu diễn ra mắt của Hội Cải Lương Về Nguồn ?

Nghệ sỹ Thanh Điền : Tôi rất thích chữ “về nguồn”, là vì có thế nào đi nữa, thì con người ta cũng phải về nguồn. Trong chương trình này, một chương trình cải lương trên đất người, nghệ sỹ không chuyên tham gia cũng khá nhiều. Những nghệ sỹ không chuyên này đều có địa vị và việc làm ổn định trên đất Pháp. Cái xúc động nhất của tôi là ở chỗ đó. Chứ còn tất cả những người chuyên, để làm chương trình chuyên trở về nguồn, thì thôi tôi không nói nhiều về điều đó, mà tôi chỉ nói về những người nghệ sỹ không chuyên.

Liên quan đến điều kiện để thực hiện chương trình, tôi xin nói về những cái thiếu, những cái cần thiết mà không có để phục vụ cho một chương trình, cho một vở diễn cải lương. Cái này rất quan trọng trên đất người, vì điều kiện để làm cải lương không phải như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, khi tôi dàn dựng một vở cải lương, tôi muốn cái gì là được đáp ứng ngay, nhưng mà ở đây thì điều kiện không cho phép. Vì thế tôi phải làm sao cho phù hợp với điều kiện bên này, mà phải làm sao cho khán giả thấy rằng chúng tôi làm đàng hoàng, chứ không phải làm theo kiểu cho có. Cái khó là ở chỗ đó.

Sung sướng nhất là chúng tôi đã làm được điều đó. Khi xem rồi, khán giả thấy rằng : À, đây là một chương trình đàng hoàng, tuy rằng không quy mô, không như ở một chỗ đầy đủ điều kiện làm cải lương, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu muốn xem một chương trình nghiêm túc, một sự biểu diễn có tâm hồn và có trách nhiệm.

Có một điểm không thể ngờ, đó là nơi tập là một chỗ rất nhỏ - phòng khách của một căn hộ nhỏ ở quận 13-Paris, mười mấy hai chục người chen chúc tập tuồng, cả nghệ sỹ, thầy đờn…, thế mà chúng tôi tập được một chương trình như thế. Khi ra sân khấu lớn, rộng, mà chúng tôi diễn cũng không thấy chỏi, không thấy “loai choai” (cười).

Một điểm bất ngờ nữa, đó là hai người chạy cảnh, đó là những sinh viên không thích sân khấu cải lương, nhưng khi nghe chương trình này thì họ cũng trở về với tâm hồn dân tộc, cũng tham gia để đóng góp phần nhỏ bé của mình cho buổi biểu diễn. Hai người đó, khi xem biểu diễn rồi, họ bắt đầu thấy thích cải lương. Đó là một điều mà tôi ghi nhớ.

Lê Phước : Chú có nhận xét gì về thái độ thưởng thức cải lương của khán giả bên này?

Nghệ sỹ Thanh Điền : Tuyệt vời ! Tôi không biết những chương trình khác như thế nào, chứ còn trong chương trình này, khi chúng tôi biểu diễn, một điều khiến tôi rất thích, là khán giả tôn trọng buổi biểu diễn đó. Khán giả vào khán phòng ăn mặc rất lịch sự. Nói chung, nhìn xuống khán phòng rất đẹp, trang nghiêm và lịch sự.

Và khi chúng tôi biểu diễn, khán giả vỗ tay từng cử chỉ. Diễn viên bước ra sân khấu: Vỗ tay ! Khi chúng tôi biểu diễn, từng cử chỉ, từng động tác nào làm khán giả vừa ý : Vỗ tay ! Và mỗi khi nhân vật diễn xong vai bước vào trong, dù là một vai diễn nhỏ: Vỗ tay ! Tôi cho đó là những khán giả mà chúng tôi đang cần để cho sân khấu cải lương được trân trọng.

Bài học rút ra từ sự thành công của buổi diễn

Trên phương diện lịch sử cải lương, ta thấy rằng, buổi biểu diễn ngày 06/10 vừa qua thật sự là một điểm nhấn quan trọng đối với công tác bảo tồn cải lương. Trước tiên ta thấy, ngay cả trong nước hiện tại cũng không có nhiều những buổi biểu diễn thuần túy cải lương. Đó là chưa nói đến dù có tổ chức một buổi thuần túy cải lương, nhưng nghệ sỹ tham gia biểu diễn chưa chắc đã sống hết mình với nhân vật. Hoặc là những chương trình làm theo kiểu cho có, theo kiểu cho đạt chỉ tiêu.

Ấy vậy mà, ở hải ngoại, mà cụ thể là trên đất Pháp, nhóm cải lương Về Nguồn đã tổ chức được một buổi thuần túy cải lương theo kiểu chuyên nghiệp: Thuê hẳn một rạp hát rộng 500 chỗ ngồi với thiết kế đặc dụng cho sân khấu biểu diễn; quy tụ được những nghệ sỹ cộm cán mà tên tuổi đã gắn liền với hai vở diễn ; tập dợt bài bản có đạo diễn hẳn hoi; điều đặc biệt là dù các nghệ sỹ thủ vai chính tuổi đã thuộc hàng 60, 70, nhưng tất cả kiên quyết không hát nhép.

Xin mượn lời nhận xét về buổi diễn của một khán giả Paris rất am hiểu về cải lương như sau: “Đó như một cố gắng khơi than trong đống tro tàn để thổi bùng lên ngọn lửa cải lương, trong khi có những nơi lửa vẫn còn mà người ta lại không biết giữ”.

Buổi diễn đã thành công trong điều kiện tổ chức hết sức khó khăn. Thế thì giờ đây, điều quan trọng là chúng ta xem xét lại để rút ra những kinh nghiệm từ sự thành công đó, một điều có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo tồn sân khấu cải lương trong thời buổi cải lương khó khăn như ngày nay. Những kinh nghiệm cơ bản nhất có lẽ là:

Nghệ sỹ biết trân trọng cải lương:

+ Việc tôn trọng cải lương trước hết được thể hiện thông qua tinh thần “liều mạng” của nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân. Thật ra, khi biết Hà Mỹ Xuân bỏ tiền ra tổ chức chương trình này thì không chỉ tôi, mà nhiều anh em khác gọi cô là “nghệ sỹ liều mạng”. “Liều mạng” là bởi vì, tính tới tính lui, thì buổi diễn này Hà Mỹ Xuân lấy huề đã là tổ đãi rồi.

Thế nhưng, Hà Mỹ Xuân vẫn bất kể tiền bạc để tổ chức buổi biểu diễn trong hy vọng khi sức khỏe còn cho phép, cô muốn làm một chương trình cải lương nghiêm túc để phục vụ những khán giả yêu mến cải lương nghiêm túc. Như vậy, Hà Mỹ Xuân đã đặt lợi ích nghệ thuật lên trên lợi ích vật chất. Mà cần khẳng định rằng, việc xem nặng lợi ích vật chất dẫn đến việc làm cho cải lương không nghiêm túc cũng là một nguyên nhân không nhỏ cho tình trạng mất dần khán giả của sân khấu cải lương.

+ Việc tôn trọng cải lương kế đến được thể hiện thông qua tinh thần hết mình để làm cải lương một cách nghiêm túc. Sự hết mình đó thể hiện ở chỗ anh em nghệ sỹ cùng nhau vượt khó để làm cải lương trong điều kiện thiếu thốn mọi bề để tổ chức một chương trình cải lương đúng nghĩa. Như nghệ sỹ Thanh Điền cho biết bên trên, hai chục con người, nghệ sỹ lẫn nhạc sỹ, phải chen chúc nhau tập tuồng trong một phòng khách nhỏ hẹp.

Hay như “bà bầu” Hà Mỹ Xuân, nếu làm bầu cải lương ở Việt Nam đã không như vậy, ngày nào cũng phải vào bếp kiêm luôn chức tổng khậu để nấu nướng phục vụ cho anh em tập tuồng. Hay như nghệ sỹ Thanh Điền, với vai trò đạo diễn mà phải ngồi lấy dây vải cột trống chuẩn bị cho nhân vật Lệ Cửu để anh này mang trên cổ cho khỏi rớt. Hay như nghệ sỹ Lý Kim Thành, ngoài việc tập tuồng, còn kiêm luôn rất nhiều việc khác.

Khai thác được yếu tố văn hóa của cải lương

Trong buổi biểu diễn vừa qua, các nghệ sỹ đã khai thác tốt yếu tố văn hóa của cải lương. Yếu tố này được thể hiện ở chỗ các nghệ sỹ đã nghiên cứu kỹ yếu tố văn hóa và lịch sử của vở tuồng để dàn dựng và diễn đúng với bối cảnh lịch sử đó. Ví dụ như trong Bên Cầu Dệt Lụa, màn Quỳnh Nga tiễn Trần Minh lên đường ứng thí. Nên nhớ rằng, Quỳnh Nga là một tiểu thư có gia giáo, nhưng vì nặng chữ chung tình nên buộc lòng phải rời nhà mà dựng quán chăn tằm dệt lụa, vừa để trọn lòng chung thủy vừa để chuộc tội cho cha.

Còn Trần Minh lại là một nhà chân nho, một người có phong độ quân tử. Bởi vậy, trong bối cảnh lịch sử mà Nho Giáo thống trị, thì cái câu “Nam nữ thọ thọ bất tương thân” luôn được dân gian tôn trọng, chứ huống hồ chi là đối với những bậc chân Nho hay những nữ lưu có gia giáo.

Bởi vậy, cảnh Quỳnh Nga tiễn Trần Minh đi thi, sự yêu thương lưu luyến chỉ được thể hiện trong ánh mắt chân tình mà thôi, những ánh mắt nhìn nhau mà như không dám nhìn lâu. Và cái tài diễn xuất của diễn viên là ở chỗ đó, tức phải làm sao mà không cần chạy lại ôm ấp cũng cho khán giả thấy hai bên có một tình yêu mãnh liệt.

Ngày nay, trong thời đại mới, có người cho rằng, đoạn này là đoạn cao trào của tình cảm, thì Trần Minh và Quỳnh Nga phải lại gần, có cử chỉ âu yếm nhau để bày tỏ. Nếu nói như vậy, thì tức là ta lấy cái bối cảnh xã hội của thời đại chúng ta mà gán ghép cho thời đại của người xưa.

Đoạn chia tay này, hồi trước Thanh Nga và Thanh Sang diễn xuất thần, hai người không hề có cái chạm tay nhau, nhưng ánh mắt của họ đã làm cho khán giả cảm nhận ở họ một tình yêu không bờ bến. Trong buổi biểu diễn vừa rồi, Hà Mỹ Xuân và Trọng Phúc cũng đã diễn được như vậy.

Chi tiết này cho thấy: Cải lương không chỉ là ca hát, mà còn là nơi để làm văn hóa, để truyền tải kiến thức lịch sử và văn hóa; ví dụ như thông qua một vở diễn cổ trang, Bên Cầu Dệt Lụa chẳng hạn, người xem, đặt biệt là tuổi trẻ, có thể hiểu được phần nào cách sống của con người ở thời đại mà tác giả đề cập đến trong vở diễn.

Trình độ thưởng thức của khán giả

Ngày nay, không phải là không có nghệ sỹ nghĩ rằng, nghệ sỹ diễn sao thì khán giả xem vậy, chứ khán giả không hề biết gì về cải lương. Nhận thức đó là hoàn toàn sai. Và sự sai đó thêm một lần đã được khẳng định qua buổi biểu diễn ra mắt Hội Về Nguồn vừa qua.

Trước tiên, ta nói về những cái vỗ tay tán thưởng của khán giả trong khán phòng vừa qua, như đã nói là khán giả vỗ tay cho rất nhiều động tác ca diễn trên sân khấu. Câu hỏi đặt ra là liệu khán giả có vỗ tay chỉ vì lịch sự chăng? Theo quán tính chăng? Xem kỹ lại, ta thấy họ vỗ tay đúng nơi đúng chỗ, tức là để chia sẻ sự hết mình của nghệ sỹ trên sân khấu, chứ không phải họ vỗ tay vì thần tượng.

Bằng chứng là, như nghệ sỹ Thanh Điền nói bên trên, ngay cả một nghệ sỹ đóng vai nhỏ mà khán giả thấy hay họ cũng vỗ tay tán thưởng. Điểm lại toàn bộ hai vở tuồng, ta thấy sự vỗ tay của khán giả cho thấy họ theo dõi tuồng rất kỹ, họ hiểu rõ từng động tác, từng lời thoại trên sân khấu, để rồi họ vỗ tay mỗi khi họ thấy hay.

Trình độ thưởng thức của khán giả được thể hiện ở chỗ họ xem xét rất kỹ cách diễn xuất của nghệ sỹ trên sân khấu. Họ hiểu rõ người nghệ sỹ diễn xuất như vậy có phù hợp với nhân vật hay không, và nếu phù hợp thì trình độ diễn xuất như vậy đã cao chưa. Một ví dụ là, sau khi xem Hà Mỹ Xuân diễn vai Quỳnh Nga, tôi thấy hay quá, nhưng chưa tìm ra được từ nào thích hợp để mô tả cách diễn của cô.

Thế là vô tình một khán giả trẻ nói với tôi rằng: “Hà Mỹ Xuân diễn sang trọng quá, sang trọng từ cái nhìn, từ bàn tay…”. Tôi chợt hiểu ra và lại giật mình tự bảo: “Trình độ thưởng thức cải lương của anh bạn trẻ này ghê thật”. Ghê, là bởi vì anh đã nói đúng từ mà tôi chưa tìm ra, đó là từ “sang trọng”. Nên nhớ rằng, Hà Mỹ Xuân diễn vai Quỳnh Nga theo trường phái của Thanh Nga, mà trường phái này thì sang trọng trong từng lời ca nét diễn.

Một ví dụ khác, đó là khi nghệ sỹ Thanh Điền diễn vai Quan Huyện trên sân khấu, lúc chạm mặt công chúa Bích Vân trong quán gấm của Quỳnh Nga. Khi biết đó là công chúa, Quan Huyện-Thanh Điền sợ quá, nên sau khi quỳ xuống thì đứng lên không được nữa. Và khi cố đứng lên thì vừa toan đứng lên hai chân lại mềm nhũn quỳ xuống. Đây là một cách diễn thượng thừa, nhìn thì dễ nhưng để đạt được như vậy thì rất khó.

Thanh Điền xưa nay nổi tiếng là bậc thầy diễn xuất, nên trình độ diễn xuất cao như vậy cũng không có gì lạ. Thế nhưng, cái lạ ở đây đó là có một em sinh viên phục vụ hậu đài đứng bên cánh gà theo dõi, thấy động tác đó của Thanh Điền, em sinh viên chợt thốt lên với người bên cạnh: “Diễn xuất thượng thừa, sao chú Điền diễn hay dữ vậy?!”. Điều đáng nói ở đây không phải là một lời khen, mà là việc một thanh niên trẻ tuổi chưa biết nhiều về cải lương, nhưng cũng nhận ra được cái thượng thừa trong nét diễn đó.

Tất cả cho thấy, để tỏ ra tôn trọng cải lương thì người nghệ sỹ phải tìm hiểu kỹ vở tuồng, phải hát nghiêm túc. Và khi làm được như vậy thì tức là người nghệ sỹ cũng đã tôn trọng người xem, bởi vì người nghệ sỹ không bao giờ được quên rằng, khán giả luôn là người giám khảo có cặp mắt nhìn nhận chính xác và khách quan nhất. Và vừa qua, như đã nói trên, các nghệ sỹ đã biết tôn trọng cải lương khi đã gác lại lợi ích và khó khăn riêng tư để cùng chung tay làm một chương trình cải lương nghiêm túc.

Một khán giả Paris sau vở diễn đã nhận định rằng: “Ngồi bên dưới xem thấy trên sân khấu các nghệ sỹ đã diễn bằng cả trái tim”. Và chính vì các nghệ sỹ diễn bằng cả trái tim nên khán giả cũng đã xem bằng cả trái tim, xem một cách trân trọng cải lương và trân trọng nghệ sỹ, đúng như lời nghệ sỹ Thanh Điền nhận xét bên trên.

Như vậy, ở đây nghệ sỹ và khán giả đã gặp nhau ở một điểm: Tôn trọng cải lương, và điều đó đã dẫn đến sự tôn trọng lẫn nhau, và dẫn đến sự thành công ngoài mong đợi của buổi diễn. Đối với nghệ sỹ, thì đây quả là một bài học quý giá, đó là để đạt được thành công và bảo tồn được cải lương thì người nghệ sỹ trước hết phải biết tôn trọng cải lương, bởi vì nếu chính nghệ sỹ cải lương mà không làm cải lương một cách trân trọng và nghiêm túc thì làm sao tìm được người thưởng thức cải lương một cách nghiêm túc và trân trọng ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.