Vào nội dung chính
LIÊN HOAN PHIM CANNES 2014

« Về nhà » : Cách mạng Văn hóa và ký ức bị lãng quên

Tuy là phim không tranh giải, nhưng Gui Lai -Về nhà- của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã được khán giả Liên hoan Cannes nóng lòng chờ đợi từ mấy ngày qua. Sự chờ đợi này quả là không uổng phí, bởi vì qua buổi chiếu đầu tiên sáng nay 20/05/2014, ai cũng thấy đây là một tác phẩm gây xúc động mạnh cho người xem qua phần thủ diễn xuất thần của hai ngôi sao màn bạc kỳ cựu Củng Lợi và Trần Đạo Minh.

Trương Nghệ Mưu- cùng các diễn viên Củng Lợi, Trần Đạo Minh tại liên hoan Cannes 2014. Ảnh ngày 20/05/2014
Trương Nghệ Mưu- cùng các diễn viên Củng Lợi, Trần Đạo Minh tại liên hoan Cannes 2014. Ảnh ngày 20/05/2014 Reuters
Quảng cáo

02:15

Thanh Phương- Cannes 20/05/2014

Tuy là phim không tranh giải, nhưng Gui Lai ( Về nhà ) của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã được khán giả Liên hoan Cannes nóng lòng chờ đợi từ mấy ngày qua. Sự chờ đợi này quả là không uổng phí, bởi vì qua buổi chiếu đầu tiên sáng nay, ai cũng thấy đây là một tác phẩm gây xúc động mạnh cho người xem qua phần thủ diễn xuất thần của hai ngôi sao màn bạc kỳ cựu Củng Lợi và Trần Đạo Minh.

Phim « Về nhà » được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Lục Phạm Yên Thức của nhà văn Trung Quốc Nghiêm Ca Linh. Nội dung phim lấy bối cảnh của thời Cách Mạng Văn Hóa, thời kỳ mà cho tới nay vẫn in đậm trong tâm trí người dân Trung Quốc. Nhà trí thức Lục Yên Thức ( do Trần Đông Minh thủ diễn ) là một tù chính trị được thả ra sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, nhưng khi trở về nhà, người vợ ( Củng Lợi ) không nhận ra chồng nữa vì bà bị mất trí nhớ.

Nguyên do của căn bệnh này có lẽ là vì một ngày nọ, Yên Thức trốn trại và nhắn với vợ hẹn gặp nhau ngày 5 (nhưng lại không nói rõ là tháng nào !) ở ga xe lửa. Hai người chưa kịp gặp nhau thì Yên Thức bị bắt lại, do bị chính con gái ( do nữ diển viên trẻ Trương Tuệ Văn thủ diễn ) tố giác.

Từ ngày đó, bà hận con gái đến mức đuổi cô khỏi nhà. Nhưng cũng từ ngày đó, ký ức của người vợ như bị khựng lại ở thời điểm của cuộc gặp không thành ở nhà ga. Bà vẫn nghĩ là con gái vẫn còn học múa, mà không biết là cô đã bỏ trường múa ra làm công nhân, do thất chí vì đã không được chọn đóng vai chính trong một vở múa.

Từ khi được thả về, Yên Thức cùng với con gái đã tìm đủ mọi cách để giúp cho bà nhận ra chồng trở lại, lúc thì giả vờ đi xe lửa về để bà ra đón, khi thì giả làm « đồng chí » hàng xóm đọc cho bà nghe những bức thư mà ông viết trong tù nhưng chưa kịp gởi, thậm chí đọc những thư mà ông mới bịa ra thêm. Có lúc tưởng chừng bà đã nhận ra chồng khi ông lẻn vào nhà ngồi đàn những giai điệu quen thuộc trên chiếc piano cũ kỹ. Nhưng mọi công sức của hai cha con đều vô ích.

Kể cả khi đã chấp nhận cho con gái trở về nhà, bà vẫn xem người chồng yêu dấu như kẻ xa lạ. Cho đến nhiều năm sau, khi Trung Quốc đã hoàn toàn thay da đổi thịt so với thời Cách mạng Văn hóa, khi đã tuổi già sức yếu, cứ đến ngày 5 mỗi tháng, bà đều ra ga xe lửa để đón chồng, và người đưa bà ra ga chính là chồng và đứa con gái. Bộ phim kết thúc với cảnh ba người đứng trong tuyết lạnh bất động chờ đợi, với tấm bảng ghi tên Lục Yên Thức.

Khi làm bộ phim này, Trương Nghệ Mưu có lẻ muốn nhấn mạnh đến một điều, đó là dù trong tiềm thức, người dân Trung Quốc có muốn quên đi khá khứ của thời Cách mạng Văn hóa, thì cái sự cố gắng lãng quên ấy cũng chính là dấu vết không thể xóa đi của ký ức đau thương này. Và vẫn có nhiều người như nhân vật Lục Yên Thức kiên trì làm tái hiện những hậu quả tai hại của thời kỳ mà người trong gia đình sẵn sàng tố nhau, hoặc không dám nhìn nhau. Với phim « Về nhà », Trương Nghệ Mưu một lần nữa đã chứng tỏ ông là đạo diễn bậc thầy của châu Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.