Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

Liên hoan Cannes hỗ trợ điện ảnh các nước nghèo

Không chỉ là nơi trình chiếu các phim tranh giải hay là nơi buôn bán phim, Liên hoan điện ảnh Cannes còn là nơi hỗ trợ cho nền điện ảnh ở những nước nghèo. Đây là năm thứ 6 Liên hoan Cannes đón tiếp chương trình “La fabrique des cinémas du monde”, nhằm giúp những nước còn thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển một nền điện ảnh có chất lượng cao.

Nữ đạo diễn người Lào gốc Việt Mattie Do từng thực hiện phim "Chanthaly" (DR)
Nữ đạo diễn người Lào gốc Việt Mattie Do từng thực hiện phim "Chanthaly" (DR)
Quảng cáo

06:44

Cannes hỗ trợ điện ảnh thế giới

Đứng ra tổ chức chương trình này là Viện Pháp ( Institut français ). Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, ngoài việc hỗ trợ cho các tài năng trẻ của các nước phía Nam, Viện Pháp còn giúp quảng bá và phổ biến điện ảnh Pháp ở nước ngoài, bảo tồn và phổ biến di sản điện ảnh châu Phi và giúp các đạo diễn nước ngoài thực hiện các phim hợp tác sản xuất với Pháp. 

Trong số 125 ứng viên, năm nay ban tổ chức « La fabrique des cinémas du monde » đã chọn ra 11 đạo diễn trẻ từ các nước Algérie, Nam Phi, Bangladesh, Brazil ( 2 đạo diễn ), Cuba, Gruzia, Lào, Sénégal, Syria, Venezuela, mang đến đây những dự án phim của họ.

Dưới sự bảo trợ của đạo diễn Brazil nổi tiếng thế giới Walter Sallas và tại Cannes họ sẽ được hướng dẫn, giúp đỡ để thực hiện những dự án đó. Trong số các đối tác của chương trình Cinémas du monde, có tập đoàn phát thanh truyền hình đối ngoại của Pháp France Média Monde, mà RFI là một thành viên. 

Trong số các đạo diễn được tuyển chọn, ta có thể kể đến đạo diễn Cuba Armando Capo Ramos, một trong những người tiêu biểu cho thế hệ đạo diễn mới của Cuba, đã từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất và phim tài liệu hay nhất. 

Armando Capo Ramos mang theo dự án phim tựa đề « Tháng Tám », lấy bối cảnh tháng 08/1994, thời điểm mà hàng ngàn người Cuba đã ồ ạt vượt biển sang Hoa Kỳ. Anh hy vọng là tại Cannes sẽ tìm được các đối tác và nguồn tài trợ để thực hiện phim này. Một đạo diễn khác cũng đáng chú ý đó là Mariam Khatchvani của Gruzia. Bộ phim ngắn của cô, tựa đề « Dinola », đã từng được tuyển chọn tranh giải các liên hoan phim ngắn ở Pháp và Hồng Kông.

Mariam Khatchvani đến Cannes với dự án phim tựa đề « Dede », nói về một cô gái yêu một người đàn ông và đã lấy người này làm chồng bất chấp sự phản đối của gia đình và tộc họ. Nhưng hạnh phúc lứa đôi không kéo dài được bao lâu, vì người chồng qua đời sớm, và theo tục lệ, cô vợ goá trẻ này bắt buộc phải lấy người đầu tiên nào cầu hôn cô. Bộ phim này chỉ mới ở giai đoạn viết kịch bản và phân vai. 

Riêng đạo diễn Lào ( đúng hơn là người Lào gốc Việt ) Mattie Do, sau khi đã làm việc cho các phim Âu-Mỹ, cô đã trở về nước để làm tư vấn cho hãng phim Lao Art Media. Cô đã từng là tác giả bộ phim dài đầu tiên của Lào do một phụ nữ thực hiện, « Chanthaly », phim kinh dị, ra mắt khán giả vào năm 2013. 

Mattie Do đến Cannes lần này với dự án phim “Người chị yêu dấu”, nội dung nói về một cô nông dân nghèo ở miền Nam nước Lào, lên thủ đô Viêng Chăng để chăm sóc một người chị họ giàu có. Người chị này không hiểu vì sao đã bị mù, nhưng nay có khả năng giao tiếp với người chết, và nhờ người cõi trên mách bảo, có thể đoán được những số sẽ trúng độc đắc.

Cô nông dân phải chọn lựa thế nào: chăm sóc cho đến khi người chị khỏi bệnh, hay lợi dụng sự tật nguyền của người chị để có thể thoát cảnh nghèo nhờ trúng số? Bộ phim hiện chỉ mới ở giai đoạn viết kịch bản. Với kinh phí dự trù là 200.000 euro, đạo diễn Mattie Do đang tìm các đối tác là những nhà sản xuất châu Âu. 

Trả lời RFI tại Liên hoan Cannes, Mattie Do cho biết về dự án phim của cô : 

« Đây là một phim ma, nói về cuộc sống ở Lào, với hai nhân vật chính là hai phụ nữ xuất thân từ hai thành phần xã hội khác nhau, từ những vùng khác nhau. Nội dung bộ phim muốn phản ánh tình trạng cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội Lào, do nước tôi hiện nay phát triển quá nhanh. Người ta sợ rằng người dân vùng nông thôn, khi buộc phải lên Viêng Chăng và các thành phố khác để kiếm sống, sẽ bị lây nhiễm những cái xấu của lối sống vật chất của người dân thành thị. » 

Dự án phim này rất quan trọng đối với Lào, vì đây là dự án đầu tiên được đưa đến Liên hoan Cannes và cũng bởi vì Mattie là nữ đạo diễn duy nhất của Lào hiện nay. Khi được hỏi vì sao cô chọn đề tài người sống giao tiếp với người chết, Mattie Do giải thích : 

« Đó là bởi vì trong văn hóa, tín ngưỡng của người Lào, chúng tôi tin rằng có những thế giới khác đang tồn tại chung quanh ta, chúng tôi tin có ma, quỷ. Như nội dung của phim, chúng tôi tin rằng một người khi bị mù, người đó sẽ có được một khả năng khác, đó là khả năng nhìn thấy và giao tiếp với người chết. Và đây là phim truyện cho nên tôi phải thêm vào đó nhiều tình tiết hấp dẫn ! ». 

Đối với Mattie Do, cái khó khăn nhất vẫn là tìm được nguồn tài chính cho bộ phim mà cô muốn thực hiện và Liên hoan Cannes là dịp để cô gặp gỡ và học hỏi các nhà sản xuất phim của châu Âu : 

« Tôi rất hài lòng vì đã may mắn được mời đến Cannes trong khuôn khổ chương trình La fabrique des cinémas du monde. Chúng tôi đã thực hiện bộ phim đầu tiên vào năm ngoái. Viện Pháp đã xem được phim này và đã tuyển chọn dự án phim của chúng tôi để đưa đến Liên hoan Cannes. 

Đây là lần đầu tiên đối với cá nhân tôi và cũng là lần đầu tiên đối với điện ảnh Lào được tham gia vào sự kiện lớn này. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều tại Liên hoan Cannes, đã gặp được nhiều nhà sản xuất, nhiều đạo diễn. Chúng tôi cũng tìm hiểu cách thức làm việc của các nhà sản xuất Pháp, xem họ thiết lập các quan hệ đối tác ra sao. 

Cho tới nay, chúng tôi chưa tìm được nguồn tài trợ 200.000 euro để thực hiện bộ phim, nhưng tôi hy vọng là trong dịp Liên hoan Cannes, chúng tôi sẽ tìm được nguồn tài trợ đó, vì hôm nay ( 20/05/2014 ), chỉ mới là ngày thứ hai chúng tôi được gặp các nhà sản xuất, các nhà phân phối phim. » 

Liên hoan Cannes kết thúc hôm nay, 24/05/2014, hy vọng liên hoan này sẽ là bệ phóng cho Mattie Do trên bầu trời mênh mông của điện ảnh thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.