Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Trao đổi Pháp-Việt : Những tiếp cận mới trong nghệ thuật Việt Nam

Đăng ngày:

Để kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt, nhiều hội thảo chuyên đề đã diễn ra tại Pháp, như hội thảo về « Kịch Pháp tại Đông Dương » tại Marseille (2013), hội thảo « Việt Nam đương đại : Văn học, điện ảnh, ngôn ngữ » tại Paris (2014), hội thảo « Từ Đông Dương thuộc địa tới Việt Nam ngày nay » tại Paris (2014). Hoạt động khoa học cuối cùng khép lại lễ kỉ niệm này là hội thảo « Nghệ thuật và khảo cổ học của Việt Nam : những cách tiếp cận mới », tổ chức tại Paris, từ 04 đến 06/09/2014 (*).

Áp-phích Hội thảo Pháp - Việt về nghệ thuật Việt Nam
Áp-phích Hội thảo Pháp - Việt về nghệ thuật Việt Nam
Quảng cáo

Là thành viên của ban tổ chức, bà Caroline Herbelin, giảng viên Đại học Toulouse 2-Jean Jaurès và là thành viên Trung tâm CREOPS cùng với tiến sĩ khảo cổ học Béatrice Wisniewski, cho biết mục đích của hội thảo lần này nhằm giới thiệu kiến thức trong các lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam từ thời cổ đại cho tới hiện nay. « Nghệ thuật Việt Nam. Những cách tiếp cận mới » là hội thảo khoa học đầu tiên kết hợp hai bộ môn nghệ thuật và khảo cổ của Việt Nam được tổ chức ngoài lãnh thổ nước này.

Giải thích về mục đích « những cách tiếp cận mới », hai nhà đồng tổ chức cho biết : « Chúng tôi nhận thấy rằng giữa các công trình nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam và việc công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu có một khoảng cách rất lớn, dĩ nhiên, là vẫn có các triển lãm hay những cuộc hội thảo khác. Thế nhưng, các cuộc hội thảo đó chỉ tập trung vào một lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam. Trong khi đó, chúng tôi muốn hội thảo lần này là một sự kiện khoa học thật sự cho phép đánh giá nền nghệ thuật Việt Nam trên bình diện rộng hơn, từ thời cổ đại, thậm chí từ thời tiền sử, cho tới ngày nay. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể, chúng ta có thể nhận thấy rằng công chúng thiếu hiểu biết về nghệ thuật Việt Nam vì không có một ấn phẩm cơ bản nào, hay sách giáo khoa nào, về nghệ thuật Việt Nam, trừ cuốn sách của Louis Bezacier được phát hành vào năm 1972 ».

« Hội thảo cũng là dịp để giới thiệu tới công chúng Pháp những phát hiện gần đây nhất tại Việt Nam, về khảo cổ cũng như về lịch sử nghệ thuật. Ví dụ, mới đây, di tích hoàng thành Thăng Long-Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, còn rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác, cho tới nay vẫn chưa được đề cập tới, như nghệ thuật Champa, hay thành lũy Đông Hà dài hơn 150 km, vân vân, sẽ được giới thiệu trong hội thảo lần này. Đây sẽ là cơ hội công bố những nghiên cứu mới nhất cho công chúng Pháp ».

« Cách tiếp cận mới » cũng được tiến sĩ Herbelin giải thích trong việc lựa chọn địa điểm tổ chức. Hội thảo được tiến hành trong ba ngày và tại ba nơi khác nhau. Ngày thứ nhất tại bảo tàng châu Á Guimet, ngày thứ hai tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật quốc gia và ngày thứ ba tại bảo tàng Quai Branly : « Chúng tôi thực hiện hội thảo lần này tại ba địa điểm, vì mỗi địa điểm này đều có lịch sử gắn bó khác nhau với nghệ thuật Việt Nam. Vì thế, điều này cũng cho phép đề cập tới những phương diện khác nhau của nghệ thuật Việt Nam cũng như sự đa dạng của nó. Chúng tôi cũng muốn thể hiện sự đa dạng này trong khuôn khổ một ngày làm việc. Thay vì mỗi ngày một chuyên đề, chúng tôi muốn đề cập trong cùng một ngày những phương diện, những chủ đề và các giai đoạn khác nhau của nền nghệ thuật Việt Nam. Điều này cũng cho thấy có sự trao đổi giữa nghệ thuật cổ, nghệ thuật đương đại, khảo cổ, lịch sử nghệ thuật, ngoài ra còn phải kể tới ngành bảo tàng học, hay nghiên cứu thị trường nghệ thuật. Cuối cùng, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh sự đa dạng của các ngành nghề xung quanh lĩnh vực nghệ thuật. Chính vì thế, cùng một lúc, chúng tôi mời những nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ, hay các nghệ sĩ và quản đốc bảo tàng ».

Ngoài ra, hội thảo là nơi hội tụ của các chuyên gia quốc tế về các vấn đề này nhằm thúc đẩy trao đổi liên ngành, đồng thời giới thiệu sự đa dạng và giàu có của các bộ môn nghệ thuật Việt Nam. Tiến sĩ Béatrice Wisniewski cho biết : « Chính vì thế mà, với Caroline, chúng tôi thống nhất với nhau rằng hội thảo phải mang tính quốc tế với những nhà nghiên cứu tới từ các nước khác nhau, như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore và các nhà khoa học, nghệ sĩ Việt Nam. Đây là cơ hội cho công chúng Pháp trực tiếp nghe những nhà nghiên cứu Việt Nam mà không phải qua các bản dịch. Đây cũng là dịp cho các nhà khoa học Việt Nam tự trình bày, giới thiệu những nghiên cứu của mình. Chính vì vậy, chúng tôi đã làm việc với những cơ quan của Việt Nam như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Khảo cổ tại Hà Nội ».

Được hỏi về vấn đề phổ biến kiến thức khoa học tới đại bộ phận công chúng không chuyên, tiến sĩ Herbelin cho biết : « Thường chúng ta thấy hội thảo là những nơi khép kín, hay là những nơi mà theo mọi người nói là các nhà khoa học trao đổi vói nhau. Nhưng hoàn toàn không phải vậy, cần phải biết là phần lớn các hội thảo đều mở cửa cho công chúng, vào cửa miễn phí, đặc biệt là tại Pháp. Đây cũng là tư tưởng của hội thảo lần này. Hơn nữa, với ý tưởng phát triển nghiên cứu khoa học, chúng tôi tổ chức hội thảo tại hai bảo tàng, mà bảo tàng là nơi gặp gỡ tuyệt vời giữa công chúng và kiến thức khoa học. Đây cũng là nơi phổ biến kiến thức. Chi tiết cuối cùng cũng là chi tiết quan trọng là trong hội thảo, các bài tham luận bằng tiếng Anh hay tiếng Việt được dịch sang tiếng Pháp, để công chúng có thể trực tiếp tiếp cận với kiến thức. Các bài tham luận hội thảo sẽ được in thành kỉ yếu để lưu giữ giấu vết ».

Trên đây là ý kiến về việc hợp tác nghiên cứu và việc phổ biến kiến thức khoa học tại Pháp. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Khảo cổ Việt Nam, tham dự hội thảo trên, đánh giá về vấn đề này tại Việt Nam.

07:27

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Hà Nội - 03/09/2014

(*) Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông (CREOPS) thuộc trường Đại học Paris-Sorbonne phối hợp tổ chức cùng với nhiều cơ quan của Pháp và Việt Nam. Hội thảo diễn ra tại Paris, ngày 04/09/2014 tại Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet, ngày 05/09/2014 tại Viện Lịch sử Nghệ thuật quốc gia và ngày 06/09/2014 tại Bảo tàng Quai Branly.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.