Vào nội dung chính
ĐIÊM BÁO

Chiến lược đối phó với Trung Quốc của Biden có gì khác Trump

Chủ đề thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay khá tản mạn chủ yếu liên quan đến các vấn đề chính trị xã hội trong nước. Tuy nhiên có thể thấy một vài trang báo vẫn dành sự chú ý đến châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Ảnh minh họa : Quốc kỳ Trung Quốc, cờ đảng và quốc kỳ Mỹ tại Chiết Giang. Ảnh chụp ngày 10/05/2019.
Ảnh minh họa : Quốc kỳ Trung Quốc, cờ đảng và quốc kỳ Mỹ tại Chiết Giang. Ảnh chụp ngày 10/05/2019. © REUTERS/Aly Song/File Photo
Quảng cáo

Nhật báo Công Giáo La Croix đề cập đến quan hệ Mỹ Trung. Tờ báo trở lại sự kiện hôm 10/02/2021 vừa rồi, chủ nhân Nhà Trắng Joe Biden ngay trong lần đầu tới thăm bộ Quốc Phòng Mỹ đã thông báo thành lập một bộ phận đặc biệt tại Lầu Năm Góc chuyên trách soạn thảo chiến lược đối phó với Trung Quốc. La Croix đặt ra những câu hỏi lớn để cố gắng lý giải động thái này của chính quyền Biden.

Nhóm công tác gồm 15 cố vấn dân sự và quân sự này có nhiệm vụ gì ? Theo như lời tân tổng thống Mỹ thì nhóm có nhiệm vụ hoạch định đường hướng cứng rắn trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trong 4 tháng họ phải đưa ra được những khuyến nghị xác định vị thế quân sự cần thiết của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh; Xác định tính chất của mối quan hệ Washington với quân đội Trung Quốc và chọn lựa loại vũ khí nào để triển khai cho mục đích đó.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh là chiến lược này « cần phải có sự hợp tác giữa hai đảng ở Quốc Hội và giữa các đồng minh cũng như đối tác vững chắc. Chỉ có như vậy chúng ta (Mỹ) mới có thể đáp lại những thách thức mà Trung Quốc đặt ra » .

Một câu hỏi khác được đặt ra: Phải chăng Joe Biden đang tiếp đuốc của Donald Trump ? Theo La Croix về căn bản thì chủ trương này cũng giống như người tiền nhiệm. Nhưng phương pháp của Joe Biden có khác. Một mặt vì ông Biden không phải là người thích khiêu khích như kiểu gọi virus corona là « virus Trung Quốc ». Mặt khác ông không bị ám ảnh bởi quan hệ thương mại như Donald Trump. Ngay cuộc gọi điện thoại đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc, ông Joe Biden đã nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền – Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ…, đó là những mối quan tâm thứ yếu của Donald Trump.

Như vậy thì một cuộc chiến tranh lạnh là không tránh khỏi ? La  Croix cho biết phần đông các nhà quan sát nhận định cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2 này là không tránh được. Tuy nhiên cũng có người cho rằng có thể xử lý mối quan hệ đối thủ này theo cách khác. Nếu chiến tranh lạnh xảy ra thì cả hai cùng thiệt hại về kinh tế trong khi các vấn đề toàn cầu như khí hậu, đại dịch thì lại rất cần có sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh. Tóm lại, cứng rắn về nhân quyền, về vấn đề lãnh thổ và ý muốn chia sẻ gánh nặng thế giới sẽ là 2 trục trong chính sách Trung Quốc của Joe Biden, La Croix kết luận.

Việt Nam: Từ đà thành công chống Covid 19

Ở một chủ đề khác liên quan đến châu Á, le Figaro có bài viết dài với tiêu đề mang nhiều hình ảnh : « Tại Việt Nam, đảng Cộng Sản dùng Covid để củng cố lại quyền lực ».

Từ đầu dịch đến giờ, Việt Nam ghi nhận trên 2000 ca nhiễm Covid 19 nhưng chỉ có 35 ca tử vong. Bài báo ghi nhận Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước đã quản lý thành công đại dịch Covid 19 và thoát khỏi suy thoái. Kinh tế Việt Nam năm qua được đánh giá năng động hàng đầu châu Á với mức tăng trưởng 2,9% và đang đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 6% trong năm nay.

Thành công này được Le Figaro ví như là « luồng gió mới cho một bộ máy cũ kỹ ». Le Figaro trích dẫn Benoît de Tréglodé, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp ( Irsem) phân tích : « Covid là thức phước lành chính trị cho chế độ. Nó cho phép khẳng định đảng đã đúng và biện minh cho việc  trở lại bàn tay chuyên chế đối với xã hội, lấy cảm hứng từ mô hình Trung Quốc ».  

Theo Le Figaro, Hà Nội đang khẳng định vị trí của Việt Nam không thể thiếu ở Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng của các đại tập đoàn quốc tế đang tìm kiếm đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Theo chuyên gia Tréglodé, ở Việt Nam « những người bất đồng chính kiến rất ít và dân chúng nhìn chung để mặc chính quyền làm miễn sao những kỳ diệu kinh tế vẫn tiếp tục ».

Có một điểm khó cho chính quyền Hà Nội hiện này, theo Le Figaro là vấn đề chủ quyền quốc gia. Họ đang bị kẹt giữa quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trong khi lại muốn xích gần Bắc Kinh về hệ tư tưởng. Điều này buộc chế độ Việt Nam phải đi trên dây, trong khi mà dư luận thế giới về căn bản vẫn luôn dè chừng cường quốc thứ 2 thế giới.

Việt Nam một mặt chỉ trích Trung Quốc lấn chiếm dần Biển Đông, đồng thời hài lòng với các cuộc tuần tra ở đó của Hải Quân Mỹ. Tuy nhiên Le Figaro cũng nhận thấy đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn thận trọng không muốn vượt qua « làn ranh đỏ » của « người anh lớn » phương bắc. Hà Nội không dám như Philippines đưa tranh chấp lãnh thổ ra trước Tòa án Quốc tế La Haye.  Theo chuyên gia Bill Hayton, tác giả cuốn sách “Việt Nam, con rồng trỗi dậy”  xuất bản 2020, Yale University, « họ khuấy động mối đe dọa đó lên để can ngăn Bắc Kinh thôi, chứ về bản chất các lãnh đạo Việt Nam không muốn phá vỡ quan hệ với Trung Quốc ».

Hà Nội tìm cách đa dạng hóa sự hậu thuẫn, như mua vũ khí của Nga, liếc mắt nhìn sang Washington, ký hiệp định thương mại với EU, với các nền kinh tế lớn châu Á qua hiệp định RCEP. Nhưng họ không bao giờ dám mạo hiểm. « Họ quá sợ Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam dùng phương Tây chỉ như một đối trọng »,  bài viết kết luận bằng nhận định của chuyên gia Tréglodé.  

Pháp cũng dần nhìn thấy mối đe dọa Trung Quốc ?

Vẫn trên trang quốc tế, nhật báo Le Figaro có bài « quân đội trước thách thức các đe dọa từ xa » đề cập đến việc không quân Pháp lần đầu tham gia cuộc tập trận dài hơi, xa nhà mang tên Skyros, từ hôm 25/01 đến 05/02 để thử khả năng tác chiến xa nước Pháp.

Cuộc tập trận với sự tham gia của 4 chiến đấu cơ Rafale và hai máy bay vận tải hạng siêu nặng A400M. Tầm diễn tập kéo dài qua Trung Đông, Ai Cập và Hy Lạp đến tận Ấn Độ.  Theo Le Figaro, mục tiêu của cuộc tập trận đan xen giữa hợp tác quân sự với củng cố quan hệ ngoại giao với các đối tác. Tuy nhiên nó cho thấy Pháp bắt đầu để ý đến các mối đe dọa từ xa, tận vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương, nơi đang được chú ý với việc Trung Quốc đang nổi lên mãnh mẽ về quân sự, gây lo ngại đến chủ quyền những vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp trong vùng. Theo tờ báo, không chỉ có Không Quân liên quan đến tác chiến xa. Lục Quân Pháp cũng trước áp lực phải tăng cường năng lực chiến đấu ở nơi xa. Tương tự, Hải Quân cũng vậy. Bằng chứng là tàu ngầm nguyên tử của Pháp Emeraude vừa mới đây tham gia vào cuộc tuần tra trên Biển Đông.

Đua nhau đến Sao Hỏa

Chuyển qua nhật báo Libération, trang nhất tờ báo dành cho chủ đề khoa học, trong cuộc chinh phục Sao Hỏa xa xôi với mục tiêu đưa người lên hành tinh đỏ.

Với tựa đề « Trái đất hạ cánh xuống sao Hỏa », Libération cho thấy hành tinh đỏ đang là điểm đến hấp dẫn, người trái đất đang đua nhau chuẩn bị cho một ngày được đặt chân lên hành tinh xa xôi này. Chỉ trong vài ngày vừa qua, hành tinh đỏ đã lần lượt đón ba cuộc đổ bộ từ trái đất tới : Một tàu thăm dò của Tiểu Vương Quốc Ả Rập, một người máy của Trung Quốc, một cỗ xe tự hành của Mỹ.  Đây không phải là một cuộc xâm lăng ác tâm mà đó là các cuộc đổ bộ rất hòa bình của người trái đất, được dẫn dắt bởi những ý đồ khoa học rất cao quý. Tất cả chỉ để hiểu được bầu khí quyển  trên sao Hỏa, khí hậu, địa chất và quá khứ của hành tinh này.

Có điều đáng chú ý là, nước vừa mới đạt được đến đích chính lại là quốc gia đi cuối cùng trong việc chinh phục vũ trụ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Quốc gia nhỏ bé nhưng nhiều tiền này trong một thời gian kỷ lục đã hoàn thành mục tiêu đưa được tàu thăm dò lên quỹ đạo sao Hỏa hôm 09/02 vừa rồi. Trong khi đó châu Âu với tiềm lực khoa học và kinh tế hàng đầu thế giới vẫn lại chậm chân trong công cuộc chinh phục Sao Hỏa.

Libération cho biết, hồi tháng 12 năm ngoái, Elon Musk, ông chủ của chương trình Space X đang rất thành công đã cho biết từ nay đến 4 hoặc 6 năm nữa sẽ đạt mục tiêu đưa người lên sao Hỏa. Thông báo có vẻ phi thực tế nhưng cũng có thể là động lực thúc đẩy tiến độ cải tiến công nghệ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ những năm tới đây. Một chân trời mới trong không gian đang mở ra cho người trái đất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.