Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MACAO - HỒNG KÔNG

Macao - hình mẫu lý tưởng “một đất nước, hai chế độ”của Trung Quốc

Tiếp theo báo Le Figaro và Libération, hôm nay đến lượt Le Monde nói về Macao nhân dịp 20 năm cựu thuộc địa Bồ Đào Nha được trả về Trung Quốc. Trong bài viết “Macao, học sinh giỏi của Bắc Kinh so với Hồng Kông”, đặc phái viên Frédéric Lemaitre của Le Monde cho biết chủ tịch Tập Cận Bình không “tay không” sang thăm Macao. Trong bài diễn văn ngày 19/12, chắc chắn ông Tập sẽ “tặng Macao vài món quà”, nhất là những đặc quyền mới trong lĩnh vực tài chính.

Ngày 20/12/2019, Macao kỷ niệm 20 năm ngày trở về Trung Quốc.
Ngày 20/12/2019, Macao kỷ niệm 20 năm ngày trở về Trung Quốc. Eduardo Leal / AFP
Quảng cáo

Trong bối cảnh ở ngay kế bên Macao, từ 6 tháng nay, dân Hồng Kông nổi dậy chống chế độ Cộng Sản, Bắc Kinh nhân dịp này muốn cho thấy nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ” đã phát huy hiệu quả ở Macao. Trong vòng 20 năm kể từ khi trở về với Trung Quốc, dân số Macao đã tăng 50% lên thành 670.000 người, của cải tăng gấp 6 lần, cao hơn cả Trung Hoa đại lục và Hồng Kông. Theo một nghiên cứu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố năm 2018, tổng sản phẩm nội địa của Macao tính theo đầu người sẽ đạt 143.000 đô la vào năm 2020, vượt cả Qatar, hiện đang dẫn đầu thế giới.

Lý do dẫn đến thành công của Macao là các sòng bạc. Vào năm 2001, Bắc Kinh đã hợp thức hóa các cơ sở đánh bạc. Hiện giờ, 6 tập đoàn quản lý khoảng 40 sòng bạc với tổng thu nhập năm 2018 đạt 37 tỉ đô la, cao gấp 3 lần Las Vegas của Mỹ. Trung Quốc từ năm 2003 cũng cho dân trong nước tự do sang Macao. Năm 2018, hơn 2/3 du khách sang Macao là người Trung Quốc đại lục. Mức lương trung bình ở Macao đã tăng gấp 3 tính từ năm 1999. Và người dân Macao hiểu rằng mức lương đó có được là nhờ ngành du lịch và các sòng bạc, tức là cũng là nhờ cả vào Trung Quốc đại lục.

Thêm vào đó, khác với Hồng Kông, do hơn ½ dân số Macao sinh ra ở đại lục nên họ không cảm thấy khó khăn gì khi nhìn nhận mình là người Trung Quốc. Thanh niên ở đây thì còn cảm thấy việc Macao thuộc về Trung Quốc là cơ hội cho họ chứ không phải một mối đe dọa. Về ngôn ngữ, một nhà báo Bồ Đào Nha đến sống tại Macao 16 năm nay khẳng định vào thời đó, người Bồ Đào Nha ở đó lo sợ sẽ bị gạt ra bên lề nhưng thực tế là hiện nay, số người nói tiếng Bồ ở Macao còn nhiều hơn so với năm 1999. Bắc Kinh đã khôn khéo dùng Macao làm công cụ phát huy quyền lực mềm đối với các nước nói tiếng Bồ.

Tuy nhiên, đại diện một tổ chức Công Giáo nhấn mạnh do thu nhập tăng gấp 6 lần mà giá nhà tăng gấp 20 lần sau 20 năm, nên mọi người phải làm thêm rất nhiều mới có thể bù được mức chệnh lệch này. Về phong cách sống, đúng là nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ” vận hành tốt, người dân Macao có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, nhưng về chính trị thì không đơn giản như thế.

Trên thực tế, chỉ có 400 người thân chính quyền Bắc Kinh được kêu gọi đi bầu lãnh đạo đặc khu. Trong số 33 dân biểu Quốc Hội, chỉ có 14 người được bầu trực tiếp, số còn lại đều là người do Bắc Kinh chỉ định. Ở Macao, suốt từ những năm 1960 đến nay, chỉ có 3 gia tộc độc quyền kiểm soát đời sống chính trị. Và chính quyền Cộng Sản Trung Quốc không khó khăn gì để cho thông qua luật an ninh quốc gia ở Macao, trong khi ý tưởng tương tự ở Hồng Kông, ngay khi mới nhen nhóm, đã bị chôn vùi do sức ép từ các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng.

Nhưng các quyền cơ bản và quyền tự do ở Macao ngày càng sói mòn sau khi những vụ bạo động nổ ra ở Hồng Kông. Một luật sư ở Macao nhận định thành phố đã mất quyền tự chủ và ngày càng giống một sản phẩm marketing để Bắc Kinh quảng cáo ra cộng đồng quốc tế. Le Monde kết luận, so với Hồng Kông nổi dậy, đối với Bắc Kinh, Macao là một tấm gương điển hình mà Hồng Kông cần noi theo.

Bức màn sắt trong thế giới công nghệ

Trong chuyên mục kinh tế của báo Le Figaro, tác giả bài viết “Một tấm màn sắt được dựng lên trong thế giới công nghệ” nhận định xung đột Mỹ - Trung có thể tàn phá thành quả của 20 năm chuẩn hóa và toàn cầu hóa. Le Figaro gọi thời điểm hiện tại là những thời khắc kém vẻ vang nhất trong lịch sử hiện đại. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang dáng vẻ của một cuộc chiến tranh lạnh, mà ở đó công nghệ trở thành một chiến trường mới.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress từng cay đắng phát biểu là hiện nay người ta đang có xu hướng dựng một bức tường trong thế giới ảo để chia rẽ người dân. Phong trào xây màn sắt công nghệ đã đặt dấu chấm hết cho 3 thập niên toàn cầu hóa công nghệ, giai đoạn công nghệ của các tập đoàn khác nhau đều được chuẩn hóa để có thể được sử dụng ở bất cứ nơi nào trên hành tinh. Ngày nay, mỗi bên đều tự trang bị vũ khí riêng của mình. Các hệ điều hành và linh kiện điện tử trở thành trọng tâm trong cuộc chiến.

Tính đơn nhất của thế giới về công nghệ đã bị Donald Trump phá tan. Sau khi kêu gọi các tập đoàn Mỹ dời xưởng sản xuất về nước nhưng không thành, chủ nhân Nhà Trắng đã thay đổi chiến thuật và “nhắm bắn” vào một mục tiêu duy nhất : tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc, với lý do tập đoàn Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Le Figaro nhận xét hiếm khi nào một nguyên thủ quốc gia lại tấn công mạnh mẽ một doanh nghiệp đến như vậy.

Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 2018, khi tổng thống Donald Trump cấm Hoa Vi bán linh kiện thiết bị phục vụ mạng 5G tại Mỹ. Ông Trump tố cáo Hoa Vi là gián điệp của Bắc Kinh. Lời lẽ qua lại giữa hai bên ngày càng căng thẳng. Đến tháng 12/2018, con gái nhà sáng lập tập đoàn Hoa Vi bị bắt tại Canada theo đề nghị của Mỹ. Hiện bà Mạnh Vãn Châu vẫn bị quản thúc tại gia ở Canada. Căng thẳng giữa hai bên vẫn không giảm. Mới đây, phó ngoại trưởng Mỹ Keith Krach còn khẳng định “Hoa Vi hoàn toàn có liên hệ với Quân Đội Trung Quốc và có liên quan đến các hoạt động gián điệp ở CH Séc và Hà Lan, Hoa Vi còn bị tố cáo gây tham nhũng ở Algéri, Bỉ và Sierra Leone”.

Không chỉ loại Hoa vi khỏi Mỹ, ông Trump còn đưa ra một danh sách các công ty Mỹ không được phép giao thương với Hoa Vi, với hy vọng làm tập đoàn công nghệ Trung Quốc “quy hàng”. Nhưng theo Le Figaro, kết quả lại không được như vậy.

Hoa Vi đã làm đủ cách để khỏi phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ. Tập đoàn Trung Quốc đã phát triển Harmony, hệ điều hành riêng của họ. Harmony thậm chí còn có thể thành đối thủ cạnh tranh với hệ điều hành Android của Google. Hoa Vi còn dành 1,5 tỉ đô la để kích thích các nhà phát triển phần mềm thiết kế các ứng dụng cho Harmony. Tập đoàn Trung Quốc cũng đầu tư ồ ạt vào các doanh nghiệp linh kiện điện tử. Nhờ vậy, tất cả linh kiện điện thoại Hoa Vi Mate 30, được tung ra thị trường hồi tháng 09, đều do Hoa vi tự sản xuất.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đáp trả Hoa Kỳ bằng hàng loạt biện pháp. Từ nay đến năm 2021, các cơ quan nhà nước Trung Quốc sẽ không dùng thiết bị công nghệ của các hãng Mỹ như Microsoft, HP và Dell. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang hoặc sắp có được các nguồn lực cần thiết để khỏi bị phụ thuộc vào các gã khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực công nghệ số.

Một thế giới mới đang hình thành, với hai khối lớn không còn có thể nói chuyện với nhau. Thái độ thù hằn của Donald Trump với Hoa Vi che giấu một thực tế khác. Mỹ dường như đã đột ngột nhận ra sức mạnh của các nhà vô địch công nghệ số của Trung Quốc, nhóm BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi). Le Figaro trích dẫn một tổng giám đốc - chủ tịch của một tập đoàn lớn của châu Âu, theo đó vấn đề không phải là các khả năng Hoa Vi làm gián điệp cho Bắc Kinh mà là việc Trung Quốc đang đi trước trong nhiều lĩnh vực công nghệ.

Cuộc đối đầu có thể khiến các chuẩn của Mỹ - Trung không còn tương thích với nhau. Điều này sẽ gây nhiều hậu quả cho các nhà sản xuất công nghiệp của cả hai bên. Các hãng sẽ phải chi thêm rất nhiều tiền cho công tác nghiên cứu và phát triển để sản phẩm thích nghi với chuẩn của cả Mỹ và Trung Quốc. Đó sẽ là một mất mát đối với các tập đoàn lớn, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, thường là của châu Âu, đó sẽ là một thảm họa.

Thất bại tại Irak và Afghanistan: Washington đã không chịu áp dụng các bài học rút ra từ chiến tranh Việt Nam

Liên quan tới nước Mỹ, Le Figaro đăng bài phỏng vấn vị tướng 3 sao Daniel Bolger, người từng chiến đấu tại Irak và Afghanistan về lý do nước Mỹ thất bại trong việc can thiệp quân sự vào hai nước Trung Cận Đông. Daniel Bolger, hiện là giáo sư đại học Bắc Carolina, tác giả cuốn sách “Why we lost”, nhận định “Sự ngạo nghễ đã ngăn cản chúng tôi áp dụng các bài học rút ra từ chiến tranh Việt Nam”.

Tại Afghanistan, khi lính Mỹ đến các làng mạc cùng với quân cảnh Afghanistan, họ thấy quân cảnh nước này chưa thể tự đảm đương mọi việc, họ phải phụ thuộc nhiều vào lực lượng của NATO. Trong khi đó, dân làng thì lại không tin tưởng lính Mỹ, không muốn sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài. Vì thế, lực lượng Mỹ không thể lấy thông tin từ người dân, khó làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, Mỹ đã không thể xác định được kẻ thù ở Afghanistan nên không có được chiến thuật hợp lý. Ban đầu, Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan để đáp trả các vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 của Al Qaida. Vì không xác định được vị trí của đội ngũ chỉ huy của Al Qaida, nên quân Mỹ mở rộng mục tiêu mà họ có thể tấn công, đó là quân Taliban, vốn đã giúp Al Qaida và đang suy yếu về vũ trang. Cuối cùng thì lính Mỹ đã nhắm tới một kẻ thù mới không hề tấn công nước Mỹ trong vụ 11/09.

Chiến dịch tấn công Taliban ban đầu nhanh chóng thắng lợi, nhưng Mỹ khi đó chưa tính toán kỹ đến những điều sau đó. Với sự hỗ trợ của NATO, nhất là Pháp, Mỹ quyết định hỗ trợ việc thành lập chính phủ mới cho Afghanistan để thay thế cho Taliban, nhưng thời hạn nhiệm vụ không rõ ràng. Như thể mọi chuyện vẫn chưa đủ phúc tạp, Washington lại mở thêm một mặt trận mới chống chính phủ Irak. Tướng Daniel Bolger nhận định đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Lòng tự hào đã ngăn Mỹ ra lệnh rút quân khỏi Afghanistan và Irak. Theo tướng Daniel Bolger, Washington đã không chịu áp dụng bài học sau chiến tranh Việt Nam cho dù họ hiểu và đã rút ra bài học đó: trong một cuộc chiến tranh du kích, khi kẻ thù không thua tức là họ đã thắng còn Mỹ thua. Ông Bolger cũng thừa nhận đó là thất bại của ông, một vị chỉ huy ở cả chiến trường Afghanistan và Irak. Với tính ngạo nghễ, người Mỹ vẫn tin rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ có cách để chiến thắng.

Tướng Bolger nhắc lại là vào năm 1965, Mỹ biết là Pháp đã thua trận ở Việt Nam giai đoạn 1945-1954 nhưng họ vẫn tự nhủ “Chúng ta đâu phải là người Pháp”. Và rồi đến lượt Mỹ thua! Còn ở Afghanistan, Mỹ biết Liên Xô đã thất bại khi chiếm đóng quân sự Afghanistan trong những năm 1979-1989, thế nhưng Washington lại tự nhủ “Chúng ta đâu phải là người Nga”.

Tướng Bolger nhấn mạnh lẽ ra Mỹ phải rút lui sau khi gạt được Taliban khỏi bộ máy quyền lực ở Afghanistan và NATO lẽ ra không nên can thiệp vào Afghanistan. Mỹ lẽ ra cũng không nên điều quân đến Irak, phong tỏa bằng không quân và hải quân có lẽ là tốt hơn.

Trang nhất các báo Pháp

Cuộc chiến giữa chính phủ và các nghiệp đoàn về dự án cải tổ chế độ hưu bổng vẫn là đề tài được các báo Pháp quan tâm. Báo Le Monde nhận định “Cuộc chiến cân não vẫn tiếp tục”. Cũng tương tự, báo kinh tế Les Echos nói về : “Hưu trí: công cuộc tìm kiếm thỏa ước”. Còn Libération chạy tựa: “Đình công: Các chuyến tàu bị chậm, các cuộc thương lượng cũng vậy”.

Nhìn sang Anh Quốc, Le Figaro cho biết “Boris Johnson xác định hướng đi mới cho thời kỳ hậu Brexit”. Còn báo Công Giáo La Croix lại quan tâm đến cuộc khủng hoảng chính trị xã hội ở Haiti : “Người dân Haiti đòi hỏi sự giải trình” từ chính quyền về nạn tham nhũng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.