Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - QUÂN SỰ

Bắc Triều Tiên vẫn muốn đàm phán hạt nhân với Mỹ ?

Kim Jong Un tăng cường sức mạnh cho quân đội Bắc Triều Tiên, « tăng cường khả năng răn đe hạt nhân ». Đàm phán hạt nhân với Mỹ liệu có còn là ưu tiên của Bình Nhưỡng ? Chuyên gia Pháp về vũ khí hạt nhân, Benjamin Hautecouverture thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) phân tích.

Chủ tịch Bắc Triề Tiên Kim Jong Un phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính Trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 11/04/2020.
Chủ tịch Bắc Triề Tiên Kim Jong Un phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính Trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 11/04/2020. © REUTERS - KCNA 供图
Quảng cáo

Sau hơn 20 ngày vắng mặt, chủ tịch Bắc Triều Tiên xuất hiện trở lại trong cuộc họp của Hội đồng quân sự Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Theo báo chí Bình Nhưỡng ngày 24/05/2020, ông Kim Jong Un chủ trì cuộc họp và quyết định « tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, đưa ra những biện pháp then chốt nhằm tăng cường khả năng tấn công bằng hỏa lực » của quân đội.

Cũng trong cuộc họp này nhiều nhân vật trong quân đội Bắc Triều Tiên đã được thăng chức. Trong số này có phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương đảng, phụ trách quân nhu Ri Pyong Chol được bổ nhiệm làm ủy viên Hội Đồng Quốc Vụ, một trong những nhân vật chủ chốt của chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân hay tổng tham mưu trưởng Pak Jogn Chon, chủ nhiệm chương trình phát triển vũ khí mới của Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin Mỹ AP, các động thái vừa nêu nhằm khẳng định vai trò trung tâm của quân đội Bắc Triều Tiên và quyết tâm phát triển vũ khí chiến lược như tên lửa xuyên lực địa ICBM và đạn đạo luôn là « ưu tiến số 1 » của chế độ.

Trong cuộc trả lời dành cho RFI tiếng Việt hôm 13/05/2020, chuyên gia Pháp về vũ khí hạt nhân, Benjamin Hautecouverture thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) tại Paris đã lưu ý : Bất chấp dịch Covid-19, Bình Nhưỡng tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội vì đây mới là ưu tiêu hàng đầu của chính quyền Kim Jong Un.

Benjamin Hautecouverture : « Trước hết, về mặt chính trị, quân sự và chiến lược, loạt thử nghiệm tên lửa đạn đạo hồi tháng 3 vừa qua hoàn toàn không gây bất ngờ. Đây là bước kế tiếp của một chương trình trải dài trong nhiều năm và Bình Nhưỡng tập trung vào việc thử nghiệm nhiều loại từ tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tên lửa đẩy… trước khâu sản xuất và trang bị các loại tên lửa này cho quân đội Bắc Triều Tiên. Năm 2018 ông Kim Jong Un đã quyết định tạm ngừng các chương trình thử nghiệm tên lửa tầm xa như đã cam kết khi đối thoại trực tiếp với Mỹ, nhưng thỏa thuận không liên quan đến các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Thành thử cho dù là từ tháng 5 đến tháng 11/2019 Bắc Triều Tiên đã nhiều lần thử tên lửa nhưng vẫn không vi phạm thỏa thuận hồi tháng 6/2018 để khai tử đối thoại với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên nếu tính luôn cả các vụ thử nghiệm hồi tháng 3 và tháng 4/2020, trong chưa đầy một năm Bình Nhưỡng đã tiến hành 35 đợt thử vũ khí, đây là một nhịp độ dồn dập chưa từng thấy và với một tỷ lệ thành công rất cao. Điều này chứng tỏ Bắc Triều Tiên hoàn toàn không giảm thiểu chương trình đạn đạo, ngay cả khi đã khởi động đàm phán với Mỹ.

Điểm thứ nhì đáng chú ý là không có gì cho phép kết luận rằng, Bắc Triều Tiên ngừng phát triển tên lửa tầm xa – kể cả tên lửa liên lục địa ICBM trong thời gian từ tháng 5/2019 đến nay, cho dù trong một năm qua, Bình Nhưỡng không thử nghiệm loại vũ khí này.

Sau cùng, quân đội Bắc Triều Tiên đã trực tiếp điều hành loại tên lửa KN-25 hồi tháng 3/2020. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sắp trang bị cho quân đội loại vũ khí này ». 

RFI : Bình Nhưỡng muốn gì ?

Benjamin Hautecouverture : « Việc khởi động lại hàng loạt các cuộc thử nghiệm, đối với Kim Jong Un, đây là cách để khẳng định quyết tâm đặt quyền lợi quốc gia, chính sách phòng thủ lên trên hết. Chưa bao giờ Bình Nhưỡng xao nhãng với hai mục tiêu này. Tín hiệu thứ nhì là chương trình đạn đạo của Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục được phát triển.

Điểm thứ ba là quân đội hoạt động bình thường, tiếp tục các chương trình tập huấn, vẫn được trang bị thêm vũ khí bất chấp khủng hoảng về y tế. Tất cả những yếu tố này nhắm vào Hoa Kỳ và cả một số thành phần trong nội bộ guồng máy Bắc Triều Tiên từng nghi ngờ khi ông Kim Jong Un bắt đầu đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên theo tôi, điều này chỉ đúng một phần và là một cách giải mã quá « dễ dãi » về tình hình Bắc Triều Tiên. Vấn đề cốt lõi ở đây là Bắc Triều Tiên luôn luôn chú trọng vào chiến lược lâu dài. Có nghĩa là, nếu không có dịch Covid-19 các đợt thử nghiệm hồi tháng 3 và tháng 4 vừa rồi đã được thực hiện vào cuối mùa đông năm ngoái. Nói cách khác, trong mọi trường hợp, Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi các mục tiêu quân sự và chiến lược. Đó mới là thông điệp chính chế độ Kim Jong Un gửi tới cộng đồng quốc tế ».

RFI : Có liên hệ hay không giữa hai hồ sơ chương trình đạn đạo và dịch Covid-19 ?

Benjamin Hautecouverture : « Tôi nghĩ rằng có yếu tố khủng hoảng y tế, nhưng không đó không là yếu tố quyết định. Đành rằng Bắc Triều Tiên ý thức là nếu không kiểm soát được đại dịch, virus corona có thể đe dọa đến sự tồn tại của chế độ. Dù vậy 9 vụ thử tên lửa đạn đạo trong tháng 3 và đến tháng 4, Bắc Triều Tiên thử tiếp tên lửa hành trình.

Nhịp độ dồn dập như vậy chứng tỏ trong mọi trường hợp, chương trình phát triển vũ khí chiến lược vẫn là ưu tiên số 1 của chế độ và virus corona không làm đảo lộn lịch trình của Bình Nhưỡng trên hồ sơ này. Bắc Triều Tiên muốn phô trương thanh thế là đã bình tĩnh trước đại dịch. Thực tế theo một số nguồn tin chúng tôi có được, dịch Covid-19 khiến chính quyền nước này căng thẳng hơn nhiều bởi Bắc Triều Tiên ý thức được rằng, hệ thống y tế còn yếu kém, dù có nhiều bắc sĩ giỏi, nhưng họ thiếu phương tiện đối mặt với đại dịch ».

RFI : Triển vọng đàm phán hạt nhân Mỹ- Bắc Triều Tiên ?

Benjamin Hautecouverture 4 : « Có nhiều điểm liên quan đến câu hỏi này. Kim Jong Un trong bài diễn văn hôm 01/01/2020 tuyên bố không có gì cấm cản Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình tên lửa tầm trung và tầm xa đồng thời Bình Nhưỡng sẽ trình làng một loại vũ khí chiến lược mới trong tương lai không xa. Do vậy, rất có thể loạt thử nghiệm vừa rồi mới chỉ là khúc dạo đầu cho cả một chương trình dầy đặc cho tới tháng 11/2020. Câu hỏi còn lại là Bắc Triều Tiên sẽ dừng lại ở đâu.

Ngoài ra, hôm 14/04/2020, Bắc Triều Tiên đã cho thử tên lửa hành trình đúng một ngày trước kỷ niêm 108 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành. Qua đó Bắc Triều Tiên cảnh cáo cộng đồng quốc tế là nước này tiếp tục phát triển vũ khí chống hạm. Riêng về đàm phán hạt nhân Mỹ- Bắc Triều Tiên, đối thoại đã bị đóng băng từ hơn một năm này. Hôm 31/03/2020 Bình Nhưỡng dọa chấm dứt đàm phán.

Theo tôi, không có tiến triển trên hồ sơ này trong năm nay vào lúc Hoa Kỳ chuẩn bị bầu lại tổng thống. Hiện tại Donald Trump ngưng tất cả mọi đối thoại với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên có thể tổng thống Hàn Quốc sẽ  đề xuất một số sáng kiến mới, bởi vì ông Moon Jae In đang trong thế mạnh : Seoul đã đẩy lùi được  dịch Covid-19 và đảng cầm quyền của tổng thống Moon Jae In thắng lợi vẻ vang trong đợt bầu cử Quốc Hội hồi tháng 4/2020. Đề xuất của Seoul thành công được tới đâu, đó lại là một chuyện khác ».

*

Chuyên gia Pháp Benjamin Hautecouverture thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược - Fondation pour la Recherche Stratégique (FRS).

Trong bài viết mang tựa đề Corée du Nord : la reprise des essais balistiques entre réalité stratégique et crise sanitaire -Bắc Triều Tiên khởi động lại loạt thử nghiệm tên lửa đạn đạo : giữa mục tiêu chiến lược và khủng hoảng y tế đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược hôm 11/05/2020, tác giả xem đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hành trình trong hai tháng 3 và 4/2020 báo trước Bình Nhưỡng tăng tốc « khả năng răn đe hạt nhân », « phát triển vũ khí chiến lược mới » và tăng thêm sức mạnh cho quân đội Bắc Triều Tiên.

Tất cả những yếu tố này đã được khẳng định trong cuộc họp Hội đồng quân sự Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, được hãng tin KCNA đăng tải hôm 24/05/2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.