Vào nội dung chính
CAM BỐT - MỸ - CƠ SỞ QUÂN SỰ

Cam Bốt xác nhận đã san bằng cơ sở quân sự do Mỹ tài trợ

Ngày 04/10/2020, phó thủ tướng Cam Bốt xác nhận thông tin cơ sở quân sự được Mỹ tài trợ ở Căn Cứ Hải Quân Ream đã bị phá hủy. Trước đó, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) công bố hình ảnh cho thấy cơ sở này đã bị phá hủy vào tháng 9, được cho là để mở rộng căn cứ chiến lược này với sự trợ giúp của Trung Quốc.

Tầu chiến Mỹ USS Mustine từng ghé cảng quốc tế ở thành phố Sihanoukville, miền nam Cam Bốt, để thắt chặt quan hệ song phương. Ảnh minh họa chụp ngày 03/12/2010.
Tầu chiến Mỹ USS Mustine từng ghé cảng quốc tế ở thành phố Sihanoukville, miền nam Cam Bốt, để thắt chặt quan hệ song phương. Ảnh minh họa chụp ngày 03/12/2010. AP - Heng Sinith
Quảng cáo

Theo phát biểu với AFP của phó thủ tướng Tea Banh, kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt, « cơ sở được di dời sang một địa điểm khác » do « không thể giữ tòa nhà đó vì quá cũ », đồng thời khẳng định là cơ sở trên sẽ « ổn hơn nhiều » ở địa điểm mới, cách Căn cứ Ream khoảng 30 km về phía bắc.

Tuy nhiên, trấn an này đi ngược với lời từ chối từ phía Cam Bốt về đề xuất tài trợ trùng tu được Mỹ đưa ra vào năm 2019 vì theo tiết lộ cùng năm của báo Wall Street Journal, dường như Phnom Penh và Bắc Kinh đã bí mật thỏa thuận để tầu chiến Trung Quốc có thể neo đậu tại Căn cứ Ream. Căn cứ này rất được chú ý vì có vị trí chiến lược trong Vịnh Thái Lan, mở đường ra Biển Đông và nằm gần thành phố biển Sihanoukville, nơi có đông người gốc Hoa sinh sống.

Cam Bốt xích lại gần Trung Quốc vì bị Mỹ chỉ trích

Tuy nhiên, thủ tướng Hun Sen cực lực bác bỏ thông tin của Wall Street Journal, dù ông không phủ nhận được Bắc Kinh tài trợ nhằm phát triển căn cứ Hải Quân. AFP phân tích hai ý khiến chính quyền của thủ tướng Hun Sen luôn phủ nhận thông tin mở cửa căn cứ này cho quân đội Trung Quốc.

Thứ nhất, ông Hun Sen luôn nhấn mạnh là Hiến Pháp Cam Bốt cấm nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ nước này. Nhưng thực ra, theo các nhà phân tích, thủ tướng Cam Bốt lo ngại làn sóng bài Trung Quốc, đặc biệt là tại Sihanoukville nơi đa số các sòng bài và doanh nghiệp thuộc về người Trung Quốc.

Thứ hai, ông Hun Sen xích lại gần với Bắc Kinh hơn trong những năm gần đây vì Washington vẫn thường xuyên chỉ trích chính quyền của ông, cũng như bản thân ông, lạm dụng chức quyền. Ông Hun Sen là một trong những nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm nhất trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.