Vào nội dung chính
BÁC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un nắm chức tổng bí thư Đảng để củng cố quyền lực

Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên « nhất trí » bầu lãnh tụ tối cao Kim Jong Un vào chức vụ « tổng bí thư », thay thế cho chức vụ « chủ tịch Đảng » mà ông nắm giữ từ năm 2016. Theo giới quan sát việc thay đổi chức danh nói trên nhằm « củng cố quyền lực » của ông Kim Jong Un.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa, hàng đầu) tại Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8, ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/01/2021.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa, hàng đầu) tại Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8, ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/01/2021. via REUTERS - KCNA
Quảng cáo

Truyền thông chính thức tại Bình Nhưỡng ngày 11/01/2021 cho biết « trong tiếng hoan hô nhiệt liệt », ông Kim Jong Un đã được toàn thể các đại biểu tham dự Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên, ngày hôm qua, 10/01, bầu làm tổng bí thư Đảng. Đây là một chức vụ mà thân phụ và ông nội của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng nắm giữ. Nhưng trong Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên hồi 2016 ông Kim Jong Un đã được chỉ định vào chức vụ « chủ tịch » đảng và không một ai nhắc tới chức vụ tổng bí thư.

Đại Hội 8 của Đảng Lao Động Triều Tiên họp trong 6 ngày kể từ 05/01/2021 trong bối cảnh quốc gia đông bắc Á này vẫn bị quốc tế trừng phạt, và đang bị cô lập hơn bao giờ hết do tác động của đại dịch Covid-19.

Hãng tin Pháp AFP ghi nhận «  những khó khăn kinh tế chồng chất » đang thách thức chế độ Bắc Triều Tiên. Trong diễn văn ngày 06/01/2021, Kim Jong Un cam kết tăng cường khả năng phòng thủ cho dù Bắc Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân. Riêng về mặt kinh tế khác với thông lệ, ông Kim đã nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên không « hoàn thành mục đích trong hầu hết các lĩnh vực ». Về đối ngoại, vào lúc tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đóng băng, lãnh đạo lãnh đạo Bình Nhưỡng đã khẳng định Mỹ là « kẻ thù chính » của chế độ.

Về việc Đảng Lao Động Triều Tiên tái lập chức vụ « tổng bí thư », theo một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quốc Tế về Bắc Triều Tiên, trụ sở tại Seoul, được AFP trích dẫn thì đây là « cách gián tiếp Bình Nhưỡng nhìn nhận những thay đổi đưa ra trong Đại Hội lần trước hồi năm 2016 đã không thực sự đem lại kết quả mong muốn ». Là người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Ahn Chan Il cho rằng « Kim Jong Un từng muốn đưa ra một hình ảnh khác với hình ảnh của thân phụ và ông nội khi từ bỏ chức tổng bí thư để trở thành chủ tịch Đảng ». Nhưng giờ đây trong hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo Bình Nhưỡng đang cần nhắc nhở công luận rằng ông là sự tiếp nối của hai thế hệ lãnh đạo đi trước. 

Một chi tiết được giới phân tích chú ý đó là trong thành phần Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Triều Tiên, không có tên của bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.