Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tàu khảo sát Trung Quốc xâm nhập hàng ngày vùng đặc quyền kinh tế các nước Thái Bình Dương

Báo Nikkei của Nhật ngày 31/01/2021 cảnh báo các tàu khảo sát của Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác ở Thái Bình Dương một cách bất hợp pháp, bị nghi ngờ là với mục đích quân sự.

Tàu tuần duyên Mỹ USS  Gabrielle Giffords (phía trên) đang hoạt động tại Biển Đông sát gần với tàu Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 4 (Hai Yang Di Zhi 4). Ảnh chụp ngày 01/07/2020.
Tàu tuần duyên Mỹ USS Gabrielle Giffords (phía trên) đang hoạt động tại Biển Đông sát gần với tàu Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 4 (Hai Yang Di Zhi 4). Ảnh chụp ngày 01/07/2020. © @U.S. Navy
Quảng cáo

Nikkei đã phân tích các dữ liệu về hệ thống nhận diện 32 tàu khảo sát Trung Quốc, do trang web theo dõi hải hành Marine Traffic cung cấp, trong 12 tháng qua. Tờ báo nhận thấy trên Biển Đông, các tàu này xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng hầu như hàng ngày.

Chẳng hạn hồi tháng 4/2020, chiếc Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 đi vào EEZ của Malaysia và liên tục hoạt động gần West Capella, một giàn khoan do Anh và Petronas cùng khai thác. Trong đa số trường hợp, các tàu khảo sát này được nhiều tàu hải cảnh bảo vệ, gây căng thẳng với lực lượng tuần duyên nước sở tại. Tháng 7/2020, tàu Hải Dương Địa Chất 4 xâm nhập EEZ Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, sau đó chính quyền Trump đã điều chiến hạm USS Gabrielle Giffords đến khu vực này.

Bắc Kinh coi « chuỗi đảo thứ nhất » (gồm các quần đảo Kuril, Nhật Bản, Đài Loan, Bắc Philippines, Borneo) có tầm quan trọng chiến lược. Nhưng nay Trung Quốc còn khảo sát xa hơn cả « chuỗi đảo thứ hai » ở Tây Thái Bình Dương, từ Nhật Bản đến Guam, Indonesia.

Từ tháng 4/2020, tàu Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong) 10 đã khảo sát ba địa điểm ở phía nam đảo Guam, còn Hướng Dương Hồng 1 đi sát Guam, Tân Ghinê, duyên hải tây bắc Úc…Khu vực Guam rất quan trọng vì có nhiều khoáng sản, và lại càng mang tính chiến lược trong trường hợp nổ ra xung đột ở eo biển Đài Loan.

Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), có 64 tàu khảo sát được đăng ký của Trung Quốc, đóng trong khoảng trước và sau năm 1990, trong khi Mỹ chỉ có 44 và Nhật 23. Thường thì các tàu khảo sát đáy biển gởi sóng âm thanh vào đại dương và lấy mẫu vật dưới biển, nhưng trong số 17 tàu khảo sát Trung Quốc xâm nhập EEZ của các nước khác trong năm qua, hơn 10 tàu có những hoạt động khả nghi, được cho là nhằm mục đích quân sự.

Mới đây Hướng Dương Hồng 3 đã bị Indonesia ngăn cản vì âm thầm di chuyển trong EEZ của nước này, không bật tín hiệu nhận diện (AIS). Phát ngôn viên Hải quân Pháp Eric Lavault lưu ý : « Trung Quốc đang vẽ bản đồ đáy biển để các tàu ngầm nguyên tử của họ có thể đi qua ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.