Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - DI TẢN

Miến Điện: Thêm 100.000 người ở miền đông phải tản cư do bạo lực

Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện hôm qua, 08/06/2021, báo động : riêng tại bang miền đông Kayah, gần biên giới với Thái Lan, đã có khoảng 100.000 người phải sơ tán mới đây, do đụng độ giữa quân đội và một số nhóm nổi dậy.

Một nơi tạm trú của dân tản cư ở một vùng rừng rậm tại Demoso, bang Kayah. Người dân đã phải sơ tán khỏi các vùng có chiến sự giữa Quận Đội Miến Điện và phiến quân thuộc Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân PDF. Ảnh chụp ngày 01/06/2021.
Một nơi tạm trú của dân tản cư ở một vùng rừng rậm tại Demoso, bang Kayah. Người dân đã phải sơ tán khỏi các vùng có chiến sự giữa Quận Đội Miến Điện và phiến quân thuộc Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân PDF. Ảnh chụp ngày 01/06/2021. AFP - STR
Quảng cáo

Vài giờ sau khi có những thông tin này, báo cáo viên về tình hình nhân quyền ở Miến Điện của Liên Hiệp Quốc, ông Thomas Andrews, ra một thông báo cho biết cụ thể là các đụng độ và « các cuộc tấn công bừa bãi của quân đội nhắm vào các vùng dân cư » khiến người dân phải tản cư. Theo chuyên gia Liên Hiệp Quốc, người dân trong các vùng chiến sự « cần khẩn cấp » thực phẩm, nước uống, nơi ở và chăm sóc y tế, trong lúc việc quân đội giới hạn giao thông làm chậm lại các hoạt động cứu trợ.  

Không chỉ chuyện người dân phải sơ tán quy mô lớn, mà một thảm họa nhân đạo có thể sớm xảy ra. Ông Thomas Andrews khẩn thiết báo động : « Hãy cho tôi được nói thẳng. Tình trạng người chết hàng loạt vì đói, bệnh tật, trên quy mô mà chúng tôi chưa thấy kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, có thể xảy ra ở bang Kayah, nếu không có hành động ngay lập tức ».

Đại diện Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận một số dân làng đã thành lập « các nhóm tự vệ ». Theo AFP, nhiều cư dân tại bang Kayah cáo buộc quân đội bắn pháo vào các làng. Ảnh chụp của AFP tại vùng này cho thấy nhiều dân làng tham gia làm vũ khí tại các xưởng chế tạo thô sơ, trong lúc các nhóm tự vệ địa phương chống lại quân đội.

Bang Kayah miền đông Miến Điện  là bang có đường biên chung với Thái Lan. Tình hình bạo lực tiếp tục gia tăng ở miền đông Miến Điện khiến chính quyền Thái Lan lo ngại làn sóng tị nạn tràn qua biên giới. Hôm 06/06/2021, tức ngay sau khi đoàn đặc phái viên ASEAN đến Miến Điện, bộ Ngoại Giao Thái Lan ra thông báo bày tỏ « quan ngại », đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự sớm thực thi Đồng thuận 5 điểm của khối ASEAN. Tuy nhiên, đối lập Miến Điện không tin tưởng ở khả năng của ASEAN thực thi Đồng thuận 5 điểm.

Hơn 400 hiệp hội dân sự ra tuyên bố chung lên án ASEAN

Không chỉ đối lập và người dân Miến Điện thất vọng. Hôm 07/06/2021, hơn 430 tổ chức xã hội dân sự tại Đông Nam Á và thế giới đã ra một tuyên bố chung tố cáo ASEAN đã thất bại trong việc thực thi Đồng thuận 5 điểm, cụ thể là đã không đối thoại với tất cả các bên, « từ chối đối thoại với các đại diện thực sự của nhân dân Miến Điện », như chính phủ Đoàn kết Dân tộc chống tập đoàn quân sự (NUG), lãnh đạo các sắc tộc thiểu số, Ủy ban Đại diện cho Hạ viện Miến Điện (​CRPH) hay Phong trào Bất tuân Dân sự (CDM).

Chủ trì tuyên bố chung nói trên là Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA), Progressive Voice và ALTSEAN-Burma. The Asian Forum for Human Rights and Development là một mạng lưới khu vực vì nhân quyền và phát triển bền vững, có trụ sở tại Bangkok, gồm 81 tổ chức thành viên tại 21 quốc gia châu Á. Tuyên bố chung của hơn 430 hiệp hội dân sự đặc biệt chú ý đến chuyến công du đầu tháng 6/2021 của phái đoàn ASEAN, gồm tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi, và ngoại trưởng Brunei, ông Dato Erywan Pehin Yusof, đại diện cho quốc gia chủ tịch ASEAN. Các hiệp hội dân sự ASEAN chỉ trích « tính không minh bạch » của chuyến đi, với việc phái đoàn ASEAN chỉ tiếp xúc với một bên, là tập đoàn quân sự Miến Điện, chứ không phải là tất cả các bên, « trái với điểm 5 trong Đồng thuận 5 điểm », theo đó « đặc phái viên và phái đoàn ASEAN sẽ đến Miến Điện để gặp gỡ tất cả các bên liên quan ».

NUG gửi thư ngỏ đến chính phủ Trung Quốc

Theo trang mạng đối lập Miến Điện Irrawady, cũng hôm 07/06, chính phủ Đoàn kết Dân tộc chống tập đoàn quân sự (NUG) gửi thư ngỏ đến chính phủ Trung Quốc bày tỏ « lo ngại sâu sắc » trước việc Bắc Kinh và khối ASEAN đã không ủng hộ để NUG tham gia vào các nỗ lực tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện. Thư ngỏ của NUG gửi chính quyền Trung Quốc được đưa ra ít ngày sau khi NUG lên án ASEAN « đứng hẳn về phía tập đoàn quân sự » trong việc tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện, bùng lên sau đảo chính quân sự 01/02/2021. 

Thư ngỏ được gửi đúng dịp Trung Quốc và ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, kỷ niệm 30 năm hội nghị các ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN đầu tiên và Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Mêkông – Lan Thương (LMC), từ ngày 6 đến 8 tháng 6 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. 


Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.