Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MIẾN ĐIỆN

Trung Quốc từng bước thừa nhận cuộc đảo chính ở Miến Điện

Trung Quốc lần đầu tiên gọi tướng Min Aung Hlaing là « lãnh đạo Miến Điện ». Ngoại trưởng Trung Quốc gặp bộ trưởng Ngoại Giao của chính quyền quân sự, hứa hẹn quan hệ song phương Trung Quốc - Miến Điện sẽ không bị khủng hoảng gây ảnh hưởng.

Tướng Min Aung Hlaing (ảnh chụp ngày 03/02/2018) được truyền thồng Nhà nước Trung Quốc hôm 06/06/2021 lần đầu gọi là « lãnh đạo Miến Điện ».
Tướng Min Aung Hlaing (ảnh chụp ngày 03/02/2018) được truyền thồng Nhà nước Trung Quốc hôm 06/06/2021 lần đầu gọi là « lãnh đạo Miến Điện ». REUTERS - POOL
Quảng cáo

Báo chí châu Á đặc biệt chú ý đến cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng của tập đoàn quân sự Miến Điện, Wunna Maung Lwin, hôm 09/06, tại Trùng Khánh, sau Hội nghị đặc biệt giữa Trung Quốc và khối ASEAN. Theo trang mạng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định : « Chính sách hữu nghị đối với Miến Điện sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình hình nội bộ Miến Điện cũng như tình hình bên ngoài ». Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh là Bắc Kinh luôn luôn « ủng hộ Miến Điện lựa chọn con đường phát triển độc lập, phù hợp với các điều kiện của đất nước ».

Theo nhiều nhà quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang từng bước công nhận tính hợp pháp của tập đoàn quân sự Miến Điện, sau cuộc đảo chính ngày 01/02. Động thái mới nói trên diễn ra sau khi đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, Min Aung Hlaing, hôm thứ Bảy, 06/06, và khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Miến Điện. Hồi tuần trước, báo Financial Times cũng cho biết là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc hậu thuẫn, thông báo sẵn sàng tài trợ cho các dự án tại Miến Điện, ngay cả khi Miến Điện chưa khôi phục nền dân chủ.

Trên The Diplomat, nhà báo Sebastian Strangio đặc biệt chú ý đến việc truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Bảy, 06/06, lần đầu tiên gọi tướng Min Aung Hlaing là « lãnh đạo Miến Điện ». Ông Jason Tower, giám đốc chương trình về Miến Điện, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace), đánh giá việc gọi tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing là « lãnh đạo Miến Điện » ngay trước hội nghị các ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN là một dấu hiệu đáng chú ý, một động thái cho thấy « Trung Quốc đã chuyển từ lập trường chờ đợi sang chỗ gần như công nhận tập đoàn quân sự ».

Về vấn đề này, báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn ý kiến một chuyên gia Trung Quốc, cho rằng không nên thổi phồng việc Bắc Kinh gọi viên tướng này là « lãnh đạo Miến Điện », bởi trong quan niệm của Trung Quốc, từ « lãnh đạo » có thể để chỉ nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền, và điều chủ yếu là báo chí Trung Quốc đã không gọi viên tướng này là « lãnh đạo tối cao ».

Chính phủ Đoàn kết Dân tộc cảnh báo Trung Quốc

Về quan hệ giữa Trung Quốc với chính quyền quân sự Miến Điện, theo hãng tin Bloomberg hôm qua, 10/06, ngay trước hội nghị tại Trùng Khánh, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG), lãnh đạo lực lượng chống đảo chính, đã gửi thư ngỏ đến ngoại trưởng Trung Quốc, khẳng định tập đoàn quân sự « không đại diện cho nhân dân Miến Điện ». NUG cảnh báo « nỗ lực thừa nhận giới tướng lĩnh là lãnh đạo hợp pháp của Miến Điện làm tổn hại cho quan hệ giữa nhân dân hai nước » Miến Điện và Trung Quốc.

Cho đến nay, các quốc gia ASEAN có thái độ rất thận trọng về việc này. Trong chuyến công du tới Jakarta, Indonesia, dự hội nghị đặc biệt của ASEAN về Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing chỉ được đón tiếp như tư lệnh quân đội. Nước chủ nhà ASEAN không công nhận viên tướng này là lãnh đạo hợp pháp của Miến Điện. Tại hội nghị ASEAN - Trung Quốc ở Trùng Khánh, khủng hoảng chính trị Miến Điện là hồ sơ trung tâm. Ba nước ASEAN, Indonesia, Malaysia và Singapore, chỉ trích sự chậm trễ trong việc thực thi Đồng thuận 5 điểm của ASEAN (đưa ra ngày 24/04/2021) tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.