Vào nội dung chính
AFGHANISTAN - NỘI CHIẾN

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ cảnh báo nguy cơ nội chiến ở Afghanistan

Lực lượng Taliban sáng 05/09/2021 khẳng định đã giành quyền kiểm soát thung lũng Panchir cách thủ đô Kabul 80 km về phía bắc. Tại cứ địa kháng chiến cuối cùng này của phe chống Taliban đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh quyết liệt trong thời gian qua và đây cũng là nơi đặt trụ sở của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (FNR).

Dân quân chống Taliban do Ahmad Massoud đứng đầu, tập trận ở tỉnh Panchir, đông bắc Afghanistan, 30/08/2021.
Dân quân chống Taliban do Ahmad Massoud đứng đầu, tập trận ở tỉnh Panchir, đông bắc Afghanistan, 30/08/2021. AP - Jalaluddin Sekandar
Quảng cáo

Tuy nhiên, việc kết nối liên lạc với Panchir rất khó khăn và hãng tin Pháp AFP cho biết chưa thể xác nhận thông tin từ các nguồn tin độc lập xem có thực sự là quân Taliban đã chiếm được thung lũng Panchir hay không. 

AFP nhắc lại FNR hiện giờ được đặt dưới sự lãnh đạo của Ahmad Massoud, con trai của thủ lĩnh Massoud. FNR bao gồm dân quân địa phương cũng như các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan đã đến thung lũng khi phần lớn Afghanistan thất thủ trước đà tấn công nhanh chóng của phe Taliban. Cựu phó tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh cũng là một thành viên ban lãnh đạo lực lượng kháng chiến chống Taliban tại thung lũng Panchir.

Trước tình hình phức tạp tại thung lũng Panchir, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley, nhận định tại Afghanistan có thể xảy ra nội chiến. Trong cuộc phỏng vấn được đài Fox News phát hôm qua 04/09, tướng Mark Milley lo ngại là cuộc nội chiến nếu xảy ra sẽ dẫn đến việc « tái khôi phục lực lượng Al-Qaeda hoặc sự củng cố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và các nhóm khủng bố khác ».

Lãnh đạo tình báo quân đội Pakistan đến Kabul gặp các lãnh đạo Taliban

Trong bối cảnh Taliban kêu gọi các nước mở lại đại sứ quán tại Kabul nhưng vẫn chưa công bố thành phần chính phủ, hôm qua 04/09/2021, lãnh đạo tình báo quân đội Pakistan, Faiz Hameed, đã đến Kabul gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo cấp cao của Taliban.

Từ Islamabad, thông tín viên RFI Sonia Ghezali giải thích :

« Không có thông tin nào được tiết lộ về chuyến thăm này cũng như về nội dung của các cuộc thảo luận giữa Faiz Hameed và các đại diện Taliban mà quan chức này cần gặp. Tuy nhiên, chuyến thăm Kabul này khẳng định mối quan hệ mà phe Hồi Giáo cực đoan Afghanistan vẫn duy trì với Pakistan, bởi vì hiện giờ, ngoài các đại diện của Qatar, mới chỉ có rất ít quốc gia cho thấy họ có quan hệ với phe thắng cuộc trong cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. 

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, chính phủ Pakistan cho biết họ khuyến khích việc thành lập một chính phủ mở rộng cho nhiều phe phái tại Afghanistan và chính phủ này phải "bao gồm đại diện của tất cả các nhóm tộc người." Như vậy, Islamabad khuyến khích một cơ cấu chính phủ trong đó các quyền cơ bản của mọi công dân có thể được bảo vệ.

Pakistan có những mối liên hệ đặc biệt với phe Taliban. Lực lượng này có hai cơ quan đại diện ở Pakistan trong nhiều năm : hội đồng Shura tại Quetta (thủ phủ tỉnh Balouchistan gần biên giới với Afghanistan) và tại thành phố Peshawar (miền bắc Pakistan). Về mặt an ninh, Pakistan quan tâm đến việc tiếp tục duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Afghanistan.

Biên giới giữa hai nước hiện giờ đã được dựng hàng rào lưới sắt. Tuy nhiên, hàng rào này không ngăn được hoàn toàn việc qua lại biên giới. Nhà chức trách Pakistan đang chiến đấu với nhiều nhóm khủng bố trên lãnh thổ, chẳng hạn như TTP, lực lượng Taliban Pakistan. Islamabab cũng muốn chắc rằng Kabul sẽ là đồng minh của Pakistan trong cuộc chiến này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.