Vào nội dung chính
THÁI LAN - HIẾN PHÁP

Hiến Pháp Thái Lan bảo vệ chế độ quân chủ

Tòa Bảo Hiến Thái Lan hôm thứ Tư, 10/11/2021, đã ra phán quyết về vụ ba nhà hoạt động chống chính phủ kêu gọi cải cách chế độ quân chủ. Theo Tòa Bảo Hiến, « kêu gọi cải cách chế độ quân chủ đồng nghĩa với việc có ý đồ lật đổ Nhà nước ». Phán quyết này gây nhiều lo ngại đối với hàng trăm nhà hoạt động cải cách dân chủ. 

Từ trái : Ba nhà hoạt động Mike, Anon, Rung cùng luật sư đến trình diện cảnh sát hồi  ngày 30/11/2021, Bangkok, Thái Lan.
Từ trái : Ba nhà hoạt động Mike, Anon, Rung cùng luật sư đến trình diện cảnh sát hồi ngày 30/11/2021, Bangkok, Thái Lan. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Quảng cáo

Từ Thái Lan , thông tín viên RFI Carol Isoux, giải thích thêm :   

« Theo Tòa Bảo Hiến, qua bài phát biểu nổi tiếng bao gồm 10 yêu cầu cải cách thể chế quân chủ vào tháng 8 năm 2020, ba nhà hoạt động nổi tiếng Rung, Mike và Anon đã vi phạm Hiến Pháp và đã có âm mưu lật đổ chính phủ dân chủ Thái Lan với nguyên thủ quốc gia là nhà vua.

Hiện vẫn chưa có bản án cụ thể nào được thông báo, nhưng quyết định của tòa án gây lo ngại cho các nhà hoạt động. Hàng trăm người trong số họ, bao gồm cả một chục trẻ vị thành niên, vẫn đang đợi phiên tòa xét xử, vì tội khi quân, hoặc gây rối trật tự công cộng. Giải thích của Tòa Bảo Hiến có thể được coi là cơ sở pháp lý để đề nghị mức án tù chung thân đối với họ. 

Dù đã phủ nhận, nhưng những người ủng hộ cải cách vẫn bị phe bảo thủ cáo buộc có kế hoạch xóa bỏ chế độ quân chủ và thành lập một nền cộng hòa ở Thái Lan. 

Do đó, cần phải xử lý mạnh tay ngay từ đầu phong trào ủng hộ cải cách để làm suy yếu sự ủng hộ, kể cả ở bên trong một số chính đảng vừa mới  tranh thủ khai thác chủ đề này. »    

Một chuyên gia của Human Rights Watch nhận định với AFP rằng phán quyết của Tòa Bảo Hiến đồng nghĩa với một lệnh cấm : « Bất kỳ hành động nào đòi cải cách chế độ quân chủ đều là bất hợp pháp, điều đó có nghĩa là người dân sẽ bị truy tố ».   

Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932, nhưng Thái Lan đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự, gần đây nhất là vào năm 2014. Năm 2020, hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình chống lại ảnh hưởng của quân đội, đòi một bản Hiến Pháp mới và tổ chức bầu cử. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.