Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hồng Kông : Truyền thông từ giờ nói theo tiếng đảng

Tự do báo chí ở Hồng Kông bị “nghiền nát”. Ngay từ tháng 07/2021, sau khi báo Apple Daily bị đóng cửa, ông Ronson Chan, chủ tịch Hội Nhà báo Hồng Kông, đã phải than như vậy. Nhà riêng của ông cũng bị khám xét hôm 29/12, vì ông từng là trợ lý tổng biên tập của Stand News, cơ quan truyền thông độc lập vừa phải đóng cửa vì bị phong tỏa tài sản, nhân viên bị bắt. 

Cảnh sát hộ tống quyền tổng biên tập của tờ báo Stand News, ông Patrick Lam, vào xe tải, 29/12/2021.
Cảnh sát hộ tống quyền tổng biên tập của tờ báo Stand News, ông Patrick Lam, vào xe tải, 29/12/2021. AP - Vincent Yu
Quảng cáo

Chính quyền Hồng Kông lấy lý do triệt “những hoạt động phản loạn đội lốt phóng sự”, theo phát biểu ngày 30/12 của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và “những vi phạm an ninh quốc gia” để loại những cơ quan truyền thông độc lập đi ngược với đường lối mà Bắc Kinh đề ra cho Hồng Kông. 

Triệt tận gốc mầm mống của mọi hình thức dân chủ 

Truyền thông độc lập là nạn nhân cuối cùng trong loạt trấn áp dân chủ của chính quyền Hồng Kông. Tình hình này được ông Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu CNRS, tóm lược với RFI ngày 29/12 : “Các tổ chức nghiệp đoàn chính đã bị giải thể, liên minh ủng hộ phong trào cũng bị giải thể, không còn báo chí độc lập, bầu cử thì hoàn toàn bị Bắc Kinh kiểm soát. Có thể thấy là người dân Hồng Kông không còn phương tiện nào để bày tỏ ý kiến” kể cả xuống đường biểu tình, vì mọi cuộc tập hơn trên 4 người vẫn bị cấm, viện cớ chống dịch Covid-19. 

Những cơ quan truyền thông còn lại thì thận trọng trong từng ngôn từ, do sợ bị cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia. Nhưng trên thực tế, “không còn nhiều phương tiện truyền thông đa nguyên ở Hồng Kông”, sau khi trang thông tin điện tử Stand News phải đóng cửa. Hong Kong Free Press, một trang báo mạng khác, tạm thời vẫn trụ được đến nay do viết bài bằng tiếng Anh nên chỉ có một số ít độc giả. Tuy nhiên, tương lai của báo mạng này cũng không chắc chắn.

Nói chung, “các cơ quan truyền thông điện tử đều bị chính quyền kiểm soát”, theo nhận định với đài RFI của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Jean-Baptiste Hồng Kông. “Về phần báo viết, tất cả đều rất thân chính quyền. Tờ South China Morning Post, đăng các bài báo bằng tiếng Anh, do tập đoàn Alibaba sở hữu và kiểm soát. Hiện giờ, tờ báo duy nhất bằng tiếng Hoa còn độc lập một chút là tờ Ming Pao (Minh Báo), nhưng người ta cũng sợ là tính đa nguyên của báo này cũng sẽ bị suy giảm sau sự kiện 29/12”

Hội Nhà báo Hồng Kông trong tầm ngắm ?  

Trang tin Stand News bị cảnh sát Hồng Kông cáo buộc đăng những thông tin và bình luận gây hận thù chống chính quyền, xúi giục nổi loạn. Tuy nhiên, hãng tin Anh Reuters nhắc lại “nổi loạn” không phải là một tội chiếu theo luật an ninh quốc gia được Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông vào tháng 06/2020. Nhưng những phán quyết gần đây của tư pháp đặc khu hành chính đã để cho chính quyền tùy tiện sử dụng nhiều điều khoản trong luật để xử lý những vụ xảy ra trước khi cả luật được thông qua và trừng trị tội “nổi loạn”.  

Trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng như ông Steve Li, người phụ trách áp dụng luật an ninh quốc gia Hồng Kông, đều một mực tuyên bố “không nhắm đến các nhà báo”. Nhưng với những đạo luật và phương tiện trấn áp trong tay chính quyền, khó có nhà báo, cơ quan truyền thông nào dám dũng cảm thực thi quyền tự do báo chí.  

Khi tấn công Stand News, một trong những cơ quan truyền thông độc lập cuối cùng, có lẽ chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương còn gián tiếp nhắm đến một mục tiêu xa hơn, đó là giải thể Hội Nhà báo Hồng Kông, một nghiệp đoàn lớn và có ảnh hưởng, mà chủ tịch là ông Ronson Chan, người từng là trợ lý tổng biên tập trang Stand News, cũng bị tịch thu thẻ nhà báo hôm 29/12. Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, ít có cơ may nghiệp đoàn này sống sót, vì “đây là một tổ chức quan trọng trong việc nỗ lực bảo vệ sự đa nguyên của báo chí và sự độc lập của các nhà báo”

Các nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông lên án chính quyền đặc khu áp dụng triệt để luật an ninh quốc gia để để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến và hạn chế những quyền tự do mà cựu thuộc địa Anh còn được hưởng. Tất cả những biện pháp trấn áp này, theo giáo sư Cabestan, là để phục vụ mục đích “rút ngắn khoảng cách giữa Hoa lục và Hồng Kông và biến đặc khu hành chính thành một thành phố như bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.